CEO của Tatcha từ chối nhận lương trong hơn 9 năm khởi đầu

Nhà sáng lập thương hiệu mỹ phẩm xa xỉ Tatcha - Vickey Tsai luôn cho rằng Tatcha không chỉ là công việc, mà là một giấc mơ, một đam mê trong cuộc sống.

Năm 2009, Vicky Tsai đã nghỉ việc tại Phố Wall, bán chiếc nhẫn đính hôn cũ, trở về nhà với mẹ và bắt đầu xây dựng thương hiệu Tatcha từ chính căn nhà thơ ấu tại thành phố San Francisco, Hoa Kỳ. 

Chỉ trong 6 năm, Tatcha đã được giành được vị trí thứ 2 trong số 5000 công ty có bước phát triển nhanh nhất trên thị trường. 

Có được sự hâm mộ từ những cái tên nổi tiếng như Kim Kardashian West hay công nương Meghan Markle, thương hiệu mỹ phẩm cao cấp này kiếm được 70 triệu USD doanh thu trong năm 2018 và được Unilever mua lại vào mùa hè năm nay. 

Trong phần lớn thời gian phát triển công ty, Vicky Tsai không bao giờ nhận tiền lương, mà thay vào đó sẽ tái đầu tư bất kỳ khoản thu nhập nào của công ty. Cô nói rằng quyết định này chính là nền tảng cho sự khởi đầu của Tatcha. 

Các sản phẩm của Tatcha được đúc kết từ những nghi thức, truyền thống làm đẹp từ nhiều thế hệ geisha Nhật Bản và tập trung vào cách tiếp cận “less is more” (tạm dịch: ít là nhiều). Bản thân Vicky đã vướng phải tình trạng viêm da cấp tính khi đang lưu lại Nhật Bản để chờ chuyến bay tiếp theo, và chính sự việc đó cũng là cơ duyên đưa cô đến với phương pháp chăm sóc, bảo vệ da hoàn toàn tự nhiên của người Nhật. Vicky Tsai luôn nhấn mạnh rằng cô muốn tạo ra những sản phẩm tương tự, đảm bảo không có chứa paraben, nước hoa tổng hợp, dầu khoáng hay các thành phần hoá học dễ gây thích ứng khác. 

“Khi chúng tôi mới bắt đầu, chăm sóc da kiểu châu Á chưa được phổ biến như bây giờ, cũng như những thành phần hoàn toàn thiên nhiên cũng chưa có nhiều trên thị trường,” Vicky nói. Bên cạnh đó, Vicky cũng phải đối mặt với những khó khăn mà bất kỳ doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo cũng đã từng gặp phải: rào cản trong việc kêu gọi đầu tư. 

Do đó, Vicky cùng chồng đã phải tìm mọi cách để tự đầu tư vào công ty khởi nghiệp của mình. Vicky đã phải “lao đao” với khoản nợ lên tới gần 1 triệu USD từ các khoản vay sinh viên, cũng như số vốn để gây dựng Tatcha. Có thời gian, Vicky đã phải làm thêm 4 công việc cùng một lúc, kể cả dọn dẹp, giới thiệu nhà đất, … trong khi Eric - chồng cô trở thành nguồn thu nhập để nuôi gia đình duy nhất. Phần lớn số tiền nó kiếm được đều dành cho việc ra mắt và phát triển Tatcha. Và chỉ cho đến khi Tatcha đạt được thành công nhất định, Vicky mới bắt đầu nhận lương. “Mỗi lần nhận được tiền lương, tôi cảm thấy mình như trúng sổ xố vậy”. 

Không phải phụ thuộc vào những đồng USD của nhà đầu tư có nghĩa là Vicky có thể ưu tiên nghiên cứu và phát triển dịch vụ khách hàng cũng như kết hợp các mô hình để đưa vào hoạt động kinh doanh theo ý muốn bản thân. Đối với mỗi giao dịch bán hàng được thực hiện, Tatcha sẽ dành 1 phần để tài trợ cho chương trình giáo dục cộng đồng “Room To Read” dành cho các bé gái trên toàn thế giới. 

Nguồn: CNBC Make It

Có thể bạn quan tâm