CEO Đỗ Quang Vinh: Tôi chuẩn bị cho thành công từ hôm nay!

Tự bơi ở môi trường kinh doanh nước ngoài, học hỏi, tích luỹ từng chút một… “cậu ấm” nhà đại gia Bầu Hiển thổ lộ: “Có lúc áp lực, nản lắm nhưng chưa bao giờ nghĩ bỏ cuộc”.
CEO Đỗ Quang Vinh: Tôi chuẩn bị cho thành công từ hôm nay!

Chạm ngõ kinh doanh bằng thử thách khó khăn là tiếp quản một phần nhiệm vụ làm “sống” lại doanh nghiệp rất lớn đang bên bờ vực phá sản.  Doanh nhân trẻ Đỗ Quang Vinh - CEO công ty T&T Mỹ chia sẻ với Tạp chí Thương Gia.

Va vấp giúp tôi trưởng thành 

Trước đây, Vinh gây “sốt” trên truyền thông, khi là “cậu ấm” nhà đại gia Bầu Hiển có lối sống giản dị, sống thật. Giờ gặp lại thấy bất ngờ quá, điều gì khiến Vinh của hiện tại “lột xác” hoàn toàn với hình mẫu một doanh nhân trẻ thành đạt, chỉn chu…?

Cuộc sống hiện tại của gia đình tôi vẫn giản dị lắm, chẳng hạn, về Việt Nam, tôi vẫn đi xe máy bình thường, ăn hàng vỉa hè… chứ không cầu kỳ phải đi ôtô hay ăn ở những nhà hàng sang trọng như cậu ấm, cô chiêu khác.

Tôi quan trọng là mọi người cảm thấy thích mình từ ấn tượng đầu tiên, vì mình tốt và chân thành chứ không phải mình là con của ai. Được trải nghiệm làm việc ở nhiều nơi, nhiều vị trí, nên những va vấp đã giúp tôi tự trưởng thành hơn.

Giờ công việc kinh doanh đòi hỏi tôi phải có diện mạo chỉn chu, hoàn hảo hơn, nên tôi hướng tới là một doanh nhân lịch lãm, chứ không thích khoe sự giàu sang. Trong cuộc sống, tôi vẫn là một người trẻ giản dị, chân thành. Dù vậy, tôi muốn mọi người nhìn vào kết quả công việc của mình, chứ sợ bị mang tiếng là nổ lắm.

CEO Đỗ Quang Vinh chia sẻ với PV Thương Gia về định hướng phát triển kinh doanh tại Mỹ của công ty T&T 

“Kinh doanh đòi hỏi có sự khôn khéo, suy tính, biết thích nghi, nhưng sự chân thật ở đây là sống thẳng, sống thật. Sống làm người tốt để mình luôn cảm thấy hạnh phúc và bình yên”.

Tôi từng nản, nhưng không bỏ cuộc…

Sau nhiều năm du học và làm việc ở nước ngoài, giờ đây Vinh quay về đóng góp cho Tập đoàn T&T của gia đình, có phải là bước chuẩn bị cho một sự chuyển giao từ cha mình?

Ở thời điểm này, tôi chưa xác định việc chuyển giao đó, mà khi nào tôi cảm thấy mình đủ kinh nghiệm, cần trở về hỗ trợ một phần nào cho công việc kinh doanh của gia đình thì sẽ quay về. Vì việc có được thế hệ con cái tiếp nối nghiệp kinh doanh cũng rất khó. Trước mắt, tôi cứ cố gắng hết khả năng, cống hiến cho T&T Mỹ, hãy có được thành quả đã…

Tôi cũng muốn thử sức làm việc ở nhiều mảng kinh doanh để lựa chọn, xem cái nào mình thích và phù hợp để sau này biết đâu có thể nhận chuyển giao một phần...

Làm việc trong tập đoàn gia đình, hẳn Vinh được “ưu ái” đặc biệt hơn, điều đó có khiến bạn áp lực hơn?

Ba chưa bao giờ bắt tôi về làm cho gia đình. Sau khi tốt nghiệp Đại học, ông muốn tôi làm việc ở bên ngoài để trải nghiệm cuộc sống như một nhân viên bình thường, không có sự ưu ái nào cả…

Còn về làm cho T&T, tôi cũng nhận được những ưu ái nhất định, nhưng không vì thế mà tôi tỏ ra kiêu ngạo. Điều đó càng tạo áp lực, thôi thúc tôi phải cố gắng, chứng tỏ năng lực của bản thân bằng thành quả công việc. Ở công ty T&T Mỹ, tôi luôn tạo một không khí thoải mái trong công ty với phương châm “làm ra làm, chơi ra chơi”, biết tôn trọng ý kiến của nhân viên. Với người nước ngoài, họ rất lắng nghe, chia sẻ quan điểm để người quản lý đánh giá đúng - sai, rút ra ý kiến để công việc đạt hiệu quả tốt nhất. Lắng nghe sẽ giúp mình học hỏi nhiều hơn.

Điều hành công ty T&T ở Mỹ, lại kinh doanh đa ngành về bất động sản, xuất nhập khẩu, tài chính… Trước mỗi quyết định quan trọng, Vinh tự quyết hay phải xin ý kiến từ ban điều hành ở Việt Nam?

Tất nhiên, khi quyết định việc quan trọng thì tôi phải báo cáo, xin ý kiến từ ban điều hành, trong đó có ba là Chủ tịch HĐQT tập đoàn. Còn công việc trong quyền hạn thì tôi có thể tự quyết. Có những lúc cần quyết định khẩn cấp, thì tôi cũng “vượt cấp” xin ý kiến trực tiếp từ ba của mình.

Trước khi sang Mỹ, ba cũng đã hướng dẫn cho tôi cách lập kế hoạch kinh doanh tỉ mỉ, bài bản, có lộ trình thực hiện hiệu quả nhất cũng như bổ sung kiến thức còn thiếu. Đó là việc ông bắt buộc nhân viên phải làm. Tôi được may mắn hơn ở chỗ là nhận được sự góp ý, hỗ trợ thường xuyên hơn từ sếp.

Có lúc nào trong chuyện kinh doanh, Vinh có ý kiến khác ý kiến của bố, giữa hai người có mâu thuẫn, căng thẳng thì giải quyết thế nào ?

Cũng có lúc như vậy, vì khác biệt thế hệ, quan điểm mà. Nhưng mọi người trong gia đình tôi thường không quá căng thẳng, làm lành khá nhanh. Đến giờ, khi xảy ra bất đồng lớn, tôi sẽ nói “ba con mình giữ quan điểm riêng của mình, còn gạt vấn đề này sang một bên”…

Khởi nghiệp ở nước ngoài, với nhiệm vụ khó khăn, có lúc nào Vinh bị áp lực quá, thấy nản muốn bỏ cuộc không?

Thực sự, có lúc tôi thấy hơi lo, cũng nản nhưng bỏ cuộc thì không! Nhận nhiệm vụ sang Mỹ làm việc hỗ trợ T&T là tôi đã xác định sẽ rất khó khăn, nhưng cứ làm hết sức thôi. Không làm được nữa mới tính tìm người trợ giúp… Có những lúc khó khăn, áp lực thì chỉ cần sự động viên từ ba mẹ, từ ban lãnh đạo thì tôi lại có thêm năng lượng để làm tiếp. Tôi cảm thấy với khả năng của mình, từ trước tới nay không có việc gì là không làm được, chỉ cần mình cố gắng hết sức.

Có cha là doanh nhân đã thành công, doanh nghiệp lớn và hậu thuẫn tốt… mọi người nghĩ: “đương nhiên sẽ thành công”. Còn thực tế, con đường Vinh đang đi thì sao? Vinh có dám liều, dám nghĩ khác, làm khác và chấp nhận thất bại?

Đúng là tôi may mắn hơn khi có nhiều thứ, có ưu thế hơn nhưng tôi cũng có máu liều đấy. Học tài chính – ngân hàng, giờ lại làm xuất nhập khẩu, bất động sản và làm việc ở Mỹ thì đã là thử thách, liều lĩnh rất lớn rồi. Nếu không có máu liều đó thì chưa chắc tôi tìm được niềm đam mê thực sự của mình, dám làm cái mình thích để đạt được thành công nhất. Đánh giá của mọi người càng tạo áp lực thôi thúc tôi phải phấn đấu nhiều hơn nữa.

Ba tôi rất kiệm lời khen, vì không muốn các con chủ quan. Ông luôn nói: “Hãy làm những gì mình cảm thấy thích và luôn theo đuổi đến cùng. Và sống sao cho hạnh phúc, vì đó là hạnh phúc của ba mẹ”

Năm 2012, ngân hàng SHB đã lao vào tái cơ cấu công ty CP Thuỷ sản Bình An (Bianfishco) đang ở bên bờ vực phá sản. Bầu Hiển tiếp nhận “ghế nóng” Chủ tịch HĐQT để điều hành kinh doanh thuỷ sản-lĩnh vực mà ông chưa có kinh nghiệm. Vinh có nghĩ cha mình lại liều lĩnh quá không?

Chắc do duyên đấy! Khi SHB nhận sáp nhập Habubank thì bắt buộc phải tái cơ cấu Bianfishco cho tốt lên, có tiền trả nợ. Nếu bây giờ bỏ đi thì công ty sẽ phá sản, khoản nợ đó quá lớn sẽ gây ra tổn thất lớn cho ngân hàng. Lúc đó, tôi cũng thấy rất lo, vì làm cái gì ở lúc khủng hoảng, chạm đáy rồi là cái không tưởng. Tuy vậy, tôi tin vào khả năng, kinh nghiệm và tính quyết đoán của ba mình.

Ban đầu khi vào Bianfishco, cổ đông cũng không ủng hộ ba tôi điều hành. Nhưng ông đã vạch ra cho họ thấy tái cơ cấu như thế nào để hiệu quả thì HĐQT mới phục. Cách làm của ông cũng khác, ba lo trả lương cho công nhân ngay để họ ổn định tâm lý, vui vẻ làm việc thì sản xuất mới chạy trở lại.

Sau đó, ông bắt đầu tái cấu trúc công ty, xuống tận nơi xem cách làm cá như thế nào, yêu cầu lập quy chế, quy trình sản xuất rõ ràng, tỉ mỉ… Tôi cũng thắc mắc, vì sao ba có thể kinh doanh đa ngành thế? Ông nói: dù kinh doanh khác nhau nhưng đều có một nguyên tắc chung. Với doanh nghiệp - sản xuất là khâu quan trọng nhất, còn hệ thống tổ chức giống nhau, chỉ cần nắm được nguyên tắc quản lý chung thì sẽ điều hành được bất cứ doanh nghiệp nào…

Quan điểm của Đỗ Quang Vinh là: “Chậm mà chắc, hơn vội mà thất bại”.

 Tham gia hỗ trợ làm “sống” lại Bianfishco là thử thách kinh doanh đầu tiên của Vinh, liệu có quá sức không?

Hiện tại, tôi chỉ hỗ trợ một phần cho công ty này đưa sản phẩm trở lại thị trường Mỹ do nhiều rào cản chính sách và cuộc khủng hoảng vừa qua để lại tiếng xấu. Do đó, khi tiếp xúc các đối tác ở Mỹ, cái khó nhất là làm sao để họ tin tưởng mình, tin lần này công ty sẽ làm ăn bài bản, đúng đắn hơn và lâu dài. Trước đây, cách làm việc của người Việt chưa thực sự phù hợp với người nước ngoài nên tôi hi vọng sự chuyên nghiệp hơn sẽ tạo được niềm tin với đối tác.

Chuyển giao thế hệ  Phong trào khởi nghiệp kinh doanh - Startup hiện rất sôi nổi, Vinh có lời khuyên gì cho các bạn trẻ? Doanh nhân 8X như Vinh làm gì để thuyết phục được các cổ đông, nhà đầu tư tin tưởng, ủng hộ mình?

Các bạn trẻ luôn có thừa nhiệt huyết, sức trẻ, chỉ thiếu kinh nghiệm. Theo tôi, trước khi khởi nghiệp hãy tìm đến những người đi trước để tìm lời khuyên, lắng nghe câu chuyện thất bại của họ để tự rút kinh nghiệm cho bản thân. Quan trọng nhất, bạn cần lập kế hoạch kinh doanh tỉ mỉ, rõ ràng để lường trước những rủi ro, tránh thất bại.

Quan điểm của tôi là: “Chậm mà chắc, hơn vội mà thất bại”. Không ai nói trước được rằng tôi sẽ thành công. Song mọi nỗ lực hiện tại đều là bước chuẩn bị cho sự thành công trong tương lai. Tôi muốn đạt được thành quả nhất định trong công việc để khi nhận chuyển giao, đảm nhận vị trí cao hơn thì các cổ đông sẽ thấy tin tưởng mình.

Sóng gió thương trường đã tạo nên thế hệ doanh nhân gan góc, quyết đoán, và đôi khi liều lĩnh để thành công… Giờ đây, hoạt động kinh doanh chuyên nghiệp hơn với môi trường hội nhập rộng mở, Vinh nhận thấy có thách thức hơn?

Trước đây, một công ty, doanh nhân thành công có thể do may mắn, gặp thời phất lên… Nhưng giờ các doanh nhân trẻ nếu không có sự hiểu biết, cập nhật sự thay đổi thì sẽ khó thành công. Nhiều bạn trẻ giỏi kinh doanh, hiểu biết lắm nên mình càng cần phải suy nghĩ khác, làm khác họ và đi trước thì mới thắng được.

Thế hệ doanh nhân trẻ và Vinh đã sẵn sàng để có thể nhận sự chuyển giao sự nghiệp kinh doanh từ thế hệ đi trước chưa?

Lúc này còn quá sớm, nếu nói “chắc chắn” thì có lẽ hơi ngạo mạn (cười), nhưng với những kiến thức học hỏi, tích luỹ được, với sự định hướng rõ ràng và người cha thành công đi trước hướng dẫn… thì tôi tự tin mình sẽ làm được.

Xin cảm ơn Vinh!

Thực hiện: Thu Hằng- Duy Linh

Stylist: Diệu Hằng, Thuỳ Linh

Có thể bạn quan tâm