CEO Vietbarter Nguyễn Cao Giang: Bước khỏi “vùng an toàn” để “trao” và “nhận”

Được mọi người nhận xét là “liều lĩnh” nhưng cảm nhận của người viết đối với ông Nguyễn Cao Giang – CEO Vietbarter đó là sự “Bản lĩnh”.
CEO Vietbarter Nguyễn Cao Giang: Bước khỏi “vùng an toàn” để “trao” và “nhận”

Bản lĩnh rời bỏ vị trí quan trọng trong các DN lớn để “tái khởi nghiệp” khi tuổi đời không còn trẻ. Bản lĩnh đi theo một mô hình kinh doanh hoàn toàn mới tại Việt Nam và hết sức tin tưởng vào giá trị mà mô hình mang lại cho cộng đồng DN…

Ông Giang cho rằng, khi là nhân sự của một DN thì ông chỉ mang lại giá trị cho chính DN đó. Nhưng khi làm tại Vietbarter – “Trao để nhận” thì ông và các đồng sự có thể mang lại giá trị cho nhiều DN hơn thông qua mô hình hoạt động “hàng đổi hàng” của DN mình.

Trước hết, xin chúc mừng ông đã trở về Việt Nam sau hai năm “đánh thuê” ở nước ngoài. Nhưng chắc chắn rất nhiều người vẫn băn khoăn rằng quyết định ấy có phải là sự “liều lĩnh” không khi ông đã từng có vị trí tại các doanh nghiệp (DN) có tiếng như Unilever, Nokia, Vietnamobile, Kangaroo và Lixil… Nhưng rồi lại từ bỏ “vùng an toàn” để “tái khởi nghiệp” trong độ tuổi không còn trẻ nữa, thưa ông?

Nhiều người cũng đã dùng từ "liều lĩnh" giống như chị khi biết tôi có cuộc “dấn thân” mới. Đúng là từ bỏ những gì quen thuộc, chắc chắn để bắt đầu một sự khởi đầu mới không bao giờ là dễ dàng. Do đó tôi nghĩ phải cần một chút "liều lĩnh" khi quyết định bước một bước đi quan trọng như vậy. Nhưng tôi cũng được rất nhiều người nhận xét rằng, mặc dù khởi nghiệp khi tóc đã ngả màu, nhưng tinh thần và ý chí vẫn “xanh rất xanh” như các bạn trẻ khi tôi vẫn rất đam mê, rất nhiệt huyết, và tràn đầy tự tin với “đứa con tinh thần” của mình. Nhất là bên cạnh tôi có rất nhiều cộng sự trẻ cũng đầy đam mê và đầy nhiệt huyết như tôi.

Phải chăng chính những trải nghiệm khi làm việc tại các DN như trên mà ông đã chọn lĩnh vực "trao đổi hàng hóa" để khởi nghiệp, thưa ông?

Đúng vậy. Trải qua hơn 20 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực bán hàng, quảng cáo, phát triển thị trường, tiếp xúc và hợp tác với rất nhiều công ty ở các lĩnh vực khác nhau, tôi thực sự trăn trở và đồng cảm với những khó khăn vất vả của các chủ DN trong việc chèo lái con thuyền của mình vượt qua sóng gió với những áp lực khủng khiếp từ môi trường kinh doanh, nhân sự tới thị trường, rồi hàng tồn kho, nợ phải trả, vốn và dòng tiền …

Chính vì thế, sau một thời gian nghiên cứu và tìm hiểu trên thế giới cũng như thực tiễn tại Việt Nam, tôi nhận thấy giải pháp tối ưu hóa nguồn lực DN thông qua mô hình trao đổi hàng hóa dịch vụ này rất phù hợp với các DN vừa và nhỏ (DN SME), trong việc tận dụng tối đa "ngân sách" vốn rất eo hẹp của mình.

Mặc dù đã rất thành công và phổ biến ở các quốc gia trên thế giới, nhưng tại Việt Nam, giải pháp "trao đổi hàng hóa" này lại hoàn toàn xa lạ với cộng đồng DN. Ông có cho rằng đây là một trong những khó khăn trong giai đoạn đầu khởi nghiệp mà DN ông cần giải quyết?

Vietbarter "khởi nghiệp" với các thành viên đến từ khá nhiều lĩnh vực khác nhau, từ quản trị, tài chính, pháp chế, marketing lẫn công nghệ. Do vậy, giải pháp của Vietbarter mang tới cho các DN là khá toàn diện trong hoạt động trao đổi hàng hóa dịch vụ. Tuy nhiên việc thay đổi thói quen kinh doanh thông thường và làm cho các DN hiểu hết ý nghĩa, lợi ích của mô hình trao đổi này hoàn toàn không phải là điều dễ dàng.

Ngoài ra, với vị trí là người tiên phong mang mô hình trao đổi hàng hóa dịch vụ hiện đại trên thế giới về Việt Nam, xây dựng gói giải pháp phù hợp với môi trường Việt Nam, việc tạo lòng tin cho các DN tham gia sẵn sàng trao đi trước hàng hóa dịch vụ họ có cũng là một trở ngại khá lớn.

Tuy nhiên, khi đã bước đi trên con đường khởi nghiệp, chúng ta ngay lập tức có hai anh bạn đồng hành "khó khăn" và "thách thức" cùng sóng bước. Do đó, DN chúng tôi xác định sẽ dùng chiến thuật “mưa dầm thấm lâu” để cộng đồng DN hiểu và sớm tham gia vào mô hình này.

Ông Giang có nụ cười dễ mến và ánh mắt nhìn chăm chú với người đối diện. Tiếp xúc với những người như vậy, bạn có thể nhận thấy sự tin tưởng và chân thành. Có lẽ chính vì thế, trong cuộc hội thảo do Vietbarter tổ chức mới đây, rất nhiều những doanh nhân trẻ và đầy nhiệt huyết đã đến chia sẻ với Vietbarter và ông Giang tới những phút cuối cùng của hội thảo.

Họ thực sự như những chiến binh trẻ đầy quả cảm, sát cánh bên nhau vì một mục tiêu chung là “làm giàu cho mình và cho xã hội”.

Có vẻ ông rất tự tin với mô hình kinh doanh mà ông và các đồng sự đã lựa chọn. Giải pháp này sẽ mang lại những lợi ích cụ thể gì cho DN khiến ông tự tin đến thế?

Quả thật, ngay từ những bước đi đầu tiên tiếp xúc và học hỏi mô hình này từ bạn bè quốc tế, chúng tôi nhận thấy mô hình này có nhiều giá trị mang lại cho DN, do đó chúng tôi rất hào hứng trong việc cùng nhau xây dựng mô hình này và giới thiệu nó đến các DN Việt. Có khá nhiều lợi ích thực tế từ mô hình này khi DN tham gia vào cộng đồng của chúng tôi. Thứ nhất, bảo tồn quỹ tiền mặt lưu động vì từ nay DN có thể dùng chính hàng hóa, dịch vụ của mình để đổi lấy các hàng hoá, dịch vụ cần cho hoạt động kinh doanh của DN, thay vì phải sử dụng tới tiền mặt.

Thứ hai, tối ưu nguồn lực sẵn có của DN. Với tính năng này, Vietbarter sẽ giúp DN giải phóng hàng tồn kho, tối đa hóa công suất máy móc và nhân lực hoặc lấp đầy những mảng dịch vụ còn để trống.

Thứ ba, mở rộng tệp khách hàng. Hình thức này giúp việc trao đổi như một kênh bán hàng mới, tạo lợi thế cạnh tranh cho chính DN trước các đối thủ khác trên thị trường bởi sản phẩm được kết nối với một cộng đồng trao đổi dựa trên uy tín và chất lượng của sản phẩm, dịch vụ.

Thứ tư, tưởng thưởng nhân viên. DN có thể dùng hàng hoá, dịch vụ của mình đổi lấy những sản phẩm, dịch vụ đa dạng khác nhằm khuyến khích, động viên nhân viên của bạn cố gắng hơn trong công việc…

Để các DN có thể ứng dụng ngay giải pháp này của Vietbarter thì phải làm thế nào, thưa ông?

Việc duy nhất cần làm, đó là đăng kí trở thành thành viên của cộng đồng trao đổi hàng hóa dịch vụ Vietbarter tại website: https://www.vietbarter.com/ và điều này hoàn toàn miễn phí. Chỉ sau một cú nhấp chuột, chúng tôi sẽ cung cấp cho DN một tài khoản để bạn có thể tiến hành các hoạt động trao đổi. Để việc trao đổi được thuận lợi hơn, DN cần cung cấp cho chúng tôi nhu cầu và giá trị muốn trao đổi cụ thể. Chúng tôi có một hệ thống phần mềm tự động phân loại và đưa DN tới những "thương vụ" hợp lý nhất, kèm theo những tư vấn và hỗ trợ cực kì chuyên nghiệp đến từ đội ngũ chuyên viên của Vietbarter.

Đối tượng và mặt hàng nào mà Vietbarter đang muốn hướng tới, thưa ông?

Với mong muốn xây dựng cộng đồng trao đổi hàng hóa dịch vụ không dùng tiền mặt Vietbarter ngày càng lớn mạnh, mục tiêu trước mắt chúng tôi tập trung xây dựng cộng đồng và gói giải pháp trọn gói trong lĩnh vực trao đổi hàng hóa cho các DN Việt Nam (mô hình B2B). Đối tượng mà Vietbarter hướng tới là các DN SME vốn chiếm tới 90% thị trường. Trước mắt chúng tôi mong muốn mang các giải pháp hiện đại của mình tới cộng đồng DN tại Hà Nội. Cho đến hết năm 2020, chúng tôi mong muốn kết nối được với hơn 1% tổng số DN trên cả nước và giúp tối thiểu 50% các DN tham gia cộng đồng Vietbarter sử dụng phương thức trao đổi đều đặn hàng tháng.

Lĩnh vực chúng tôi ưu tiên kết nối trong thời gian này sẽ là dịch vụ phổ biến và thiết yếu trên thị trường như nhà hàng, khách sạn, quảng cáo, in ấn, du lịch và đồ điện gia dụng.

Chia tay ông Giang, tôi tin rằng với những kinh nghiệm máu thịt mà ông đã trải qua trong các tập đoàn kinh tế lớn, qua cả sự rèn luyện ở thị trường trong nước và quốc tế, sự nhiệt huyết của cả một tập thể trẻ, năng động và đặc biệt là cách đi riêng, thiết thực, Vietbarter sẽ thành công.

Có thể bạn quan tâm