Nói về cuộc chiến tranh thương mại này, CEO Tim Cook của Apple thể hiện thái độ lạc quan khi cho rằng lãnh đạo hai quốc gia sẽ có tiếng nói chung để thông qua những khác biệt về thương mại đang gặp phải.
"Tôi cảm thấy lạc quan vì thương mại không phải là trò chơi có tổng bằng không. Tôi lạc quan rằng hai quốc gia sẽ sắp xếp những điều này một cách ổn thỏa và cuộc sống vẫn sẽ tiếp diễn", CEO Tim Cook trả lời trong bài phỏng vấn với hãng tin ABC News.
Trong khi đó, Jack Ma - Chủ tịch của đế chế Alibaba lại bày tỏ sự lo ngại khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng leo thang.
Jack Ma cho rằng, cuộc chiến thương mại này sẽ có tác động to lớn hơn nhiều người nghĩ và có thể sẽ kéo dài hơn 20 năm, ngay cả sau khi Tổng thống Donald Trump hết nhiệm kỳ khi mà hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tranh giành vị trí thống lĩnh nền kinh tế toàn cầu.
"Trong thời gian ngắn, các cộng đồng doanh nghiệp tại Trung Quốc, Mỹ và Châu Âu sẽ gặp rắc rối", Jack Ma chia sẻ trong một buổi gặp mặt nhân viên Alibaba mới đây.
Đứng ở góc độ của hai doanh nghiệp này cũng có thể hiểu rõ phần nào nguyên nhân của hai "thái cực" suy nghĩ của hai nhà lãnh đạo doanh nghiệp này.
Trong khi các sản phẩm của Apple không nằm trong danh mục những sản phẩm bị áp mức thuế mới (tức việc kinh doanh sản phẩm của"Quả táo khuyết" sẽ không bị ảnh hưởng cả ở Mỹ lẫn Trung Quốc) thì Trung Quốc lại đang có "kha khá" những sản phẩm sẽ chịu sự ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại này.
Bên cạnh đó, giới quan sát cũng cho rằng, nền kinh tế của Mỹ và Trung Quốc đang phụ thuộc vào nhau rất nhiều nên cuộc chiến thương mại giữa hai bên khó có thể leo thang hơn được nữa.
Không chỉ có Tim Cook hay Jack Ma, nhiều CEO của các doanh nghiệp lớn trên thế giới cũng bày tỏ sự lo ngại về ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại này.
Đơn cử, Colette Kress - Giám đốc tài chính của hãng sản xuất chip điện tử Nvidia cho rằng, tất cả những gì doanh nghiệp có thể hi vọng làm được là “tuân thủ pháp luật ở tất cả các quốc gia”. “Tôi nghĩ, mọi ngành công nghiệp, mọi công ty trên thế giới sẽ đều bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại”, bà Kress nhận xét
Steve Mollenkopf - CEO Qualcomm nhiều lần cho biết căng thẳng thương mại đã trì hoãn việc sáp nhập công ty này với nhà sản xuất chất bán dẫn Hà Lan NXP. Khi thỏa thuận sáp nhập không được sự chấp thuận pháp lý của giới chức Trung Quốc, ông Mollenkpopt cho rằng Qualcomm “đã bị cuốn vào cuộc chiến thương mại”.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã có bước leo thang sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức áp thuế vào 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc ban đầu sẽ tăng lên 10% và tiếp tục lên 25%. Phía Trung Quốc cũng đã lập tức có hành động đáp trả khi cho biết sẽ áp thuế từ 5 đến 10% đối với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, bắt đầu từ ngày 24/9 tới. |
>> Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Tăng trưởng của Việt Nam 2018 sẽ bị tác động thế nào?