Thương chiến Mỹ - Trung được đẩy lên nấc thang mới khi Mỹ ngày 1/9 bắt đầu thu thuế 15% đối với nhiều mặt hàng Trung Quốc. Phía Trung Quốc đáp trả bằng việc lần đầu tiên nước này áp thuế đối với dầu thô Mỹ.
Đòn thuế quan mới đây của Mỹ được thực hiện theo chiến dịch tăng cường nhằm “ép” Bắc Kinh ký một thỏa thuận thương mại mới.
Trung Quốc không công bố chi tiết hồ sơ kiện, nhưng khẳng định thuế quan của Mỹ đã tác động tới 300 tỷ USD giá trị hàng xuất khẩu của nước này.
Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 1/9 cho biết động thái thuế quan mới đây của Mỹ đã vi phạm sự đồng thuận mà lãnh đạo hai nước đạt được trong cuộc gặp tại Osaka (Nhật Bản) tháng 6 năm nay. Trung Quốc sẽ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trên cơ sở các quy định của WTO, Bộ này khẳng định.
Đây là lần thứ ba Bắc Kinh khiếu nại thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump lên WTO - Tổ chức đưa ra các hạn mức thuế quan mà mỗi quốc gia được phép áp dụng.
Các chuyên gia thương mại cho biết bất kỳ động thái tăng thuế quan nào vượt ngưỡng cho phép đều phải giải trình tại WTO. Trong khi đó, các quan chức Mỹ cho rằng họ đang trừng phạt Trung Quốc vì tội đánh cắp tài sản trí tuệ - điều mà không có trong quy định của WTO.
“Không ít chuyên gia cũng lên tiếng chỉ trích việc Trung Quốc trả đũa bằng cách áp thuế lại hàng hóa Mỹ mà không có sự chấp thuận của WTO.
Cuối tuần trước Mỹ đã công bố bản bào chữa cho lần khiếu nại đầu tiên của phía Trung Quốc, đồng thời khẳng hai bên đã nhất trí không giải quyết vấn đề tại WTO.
“Trung Quốc đã đơn phương thực hiện chính sách công nghiệp “hiếu chiến” để đánh cắp hoặc mua lại công nghệ từ đối tác thương mại một cách không bình thường. Do đó, Mỹ phải áp dụng các biện pháp thuế quan nhằm loại bỏ chính sách chuyển giao công nghệ ‘méo mó’ và không công bằng của Trung Quốc”, văn bản nêu. Trung Quốc đã không giải quyết các quan ngại của Mỹ mà ngược lại áp dụng các biện pháp thuế quan để duy trì chính sách đó.
Theo quy định của WTO, Washington có 60 ngày để thu xếp giải quyết tranh chấp gần nhất. Trung Quốc sau đó có thể yêu cầu WTO phân xử.
Quá trình phân xử có thể kéo dài vài năm. Việc phân xử sẽ kết thúc và Trung Quốc có thể được WTO chấp thuận áp dụng các biện pháp trừng phạt thương mại, nếu Mỹ bị phát hiện vi phạm các quy tắc của WTO.
Bộ Thương Mại Trung Quốc cho hay phía Trung Quốc đã gửi khiếu nại tới Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO (DSB), còn được gọi là tòa án tối cao về thương mại thế giới.
Tuy nhiên, DSB đang phải đối mặt với những bế tắc trong nhiều tháng qua do Mỹ từ chối phê chuẩn các thẩm phán mới cho Ban phúc thẩm của DSB. DSB bị cáo buộc vượt thẩm quyền khi ra các phán quyết mà Tổng thống Trump cho là vi phạm chủ quyền quốc gia.
Nếu không có thẩm phán mới được phê chuẩn vào cuối năm nay, Ban phúc thẩm DSB sẽ không đủ số đại biểu cần thiết để tiến hành điều trần.
Canada và Liên minh châu Âu hồi tháng 7 đã công bố kế hoạch thành lập tòa phúc thẩm tạm thời để giải quyết các tranh chấp thương mại. Tuy nhiên, đây không phải giải pháp hiệu quả cho DSB, bởi cơ chế này không có sự tham gia của các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản.
Chính quyền Tổng thống Trump từ lâu đã chỉ trích các quy định của WTO không công bằng với nước Mỹ. Bất luận những chỉ trích đó, Mỹ trên thực tế vẫn giành thắng lợi trong phần lớn các khiếu nại mà nước này đệ trình WTO.