Chuyên gia cảnh báo: Ngáp nhiều cũng là một dấu hiệu sức khoẻ cần chú ý

Tình trạng buồn ngủ thường xuyên, biểu hiện qua việc ngáp liên tục, không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, giảm hiệu suất làm việc mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đáng quan ngại đối với sức khỏe...

Theo một báo cáo mới công bố từ Học viện Y học Giấc ngủ Mỹ, việc thường xuyên ngáp hoặc cần đến tách cà phê thứ ba, thứ tư để duy trì tỉnh táo có thể là dấu hiệu cảnh báo về tình trạng thiếu ngủ trầm trọng.

Báo cáo được đồng thực hiện bởi 25 tổ chức y khoa khác nhau, bao gồm cả Học viện Thần kinh học Mỹ, Hội đồng An toàn Quốc gia và Học viện Bác sĩ Gia đình Mỹ.

“Tình trạng buồn ngủ kéo dài là một vấn đề sức khỏe cần phải cẩn trọng”, Tiến sĩ Eric Olson, Chủ tịch Hiệp hội Giấc ngủ Mỹ (AASM) cho biết. Một số dấu hiệu về thiếu ngủ trầm trọng có thể được nhận thấy là ngáp nhiều, sụp mí mắt, khó giữ tư thế đứng thẳng, chóng mặt, run tay hoặc thậm chí là tâm trạng liều lĩnh, bốc đồng như thể không quan tâm điều gì sẽ xảy ra.

Các chuyên gia lưu ý, việc thiếu giấc ngủ chất lượng 7 đến 8 tiếng mỗi đêm có dẫn đến nguy cơ phát triển hoặc trầm trọng thêm bệnh tiểu đường, trầm cảm, bệnh tim và thận, huyết áp cao, béo phì và đột quỵ.

Báo cáo của Học viện Y học Giấc Mỹ chỉ ra, rất nhiều người hay bỏ qua các dấu hiệu buồn ngủ, chẳng hạn như việc thường xuyên ngủ gật trong các cuộc họp, mà không nhận ra đó có thể là biểu hiện của tình trạng thiếu ngủ trầm trọng. “Việc ngủ gật trong cuộc họp là dấu hiệu cho thấy bạn bị thiếu ngủ. Một người được nghỉ ngơi đầy đủ sẽ khó có thể ngủ gật dù cuộc họp có nhàm chán đến đâu”, chuyên gia giấc ngủ Kristen Knutson, Phó Giáo sư ngành thần kinh và y học dự phòng tại Trường Y Feinberg, Đại học Northwestern giải thích.

“Một điều đáng tiếc khác là khi bị thiếu ngủ kéo dài, thì chính khả năng tự nhận biết mức độ ảnh hưởng đến sức khoẻ sẽ không còn chính xác. Tức là chúng ta nghĩ rằng mình vẫn ổn, chẳng qua chỉ là ngáp nhiều hơn người khác mà thôi; tuy nhiên thực tế chưa chắc đã là như vậy”, nhắc nhở của Tiến sĩ Indira Gurubhagavatula, thành viên hội đồng AASM, Giáo sư về y học giấc ngủ tại Trung tâm Y tế Cựu chiến binh (VA) thuộc Đại học Penn, Philadelphia.

Tiến sĩ Gurubhagavatula dẫn chứng thêm, khi thực hiện các bài kiểm tra thực tế để đo lường chức năng hoạt động của não, ví dụ như phản xạ, ghi nhớ, khả năng phối hợp, thì các bác sĩ phát hiện ra rằng có rất nhiều người dù mắc sai sót nhưng vẫn tự tin là mình không sao cả.

Khi tình trạng buồn ngủ kéo dài, não bộ có thể tự động rơi vào những giấc ngủ ngắn chớp nhoáng, hay còn gọi là “microsleep”. “Não có thể rơi vào những giấc ngủ ngắn chỉ 2, 3 hay 10 giây rồi lại tỉnh dậy, và bạn thậm chí còn không biết là điều này đã xảy ra. Tình trạng này là cực kỳ nguy hiểm khi nếu bạn đang lái xe hoặc làm việc gì đó đòi hỏi sự an toàn tuyệt đối”, Tiến sĩ Gurubhagavatula cảnh báo.

Theo thống kê của Mỹ, mỗi năm nước này ghi nhận khoảng 100.000 vụ tai nạn giao thông có liên quan đến việc lái xe khi buồn ngủ.

Vậy làm thế nào để biết tình trạng buồn ngủ của mình đã đến mức đáng báo động? Bạn có thể đánh giá điều đó thông qua một số thước đo, bao gồm thang điểm buồn ngủ Epworth.

Các câu hỏi trong bài kiểm tra sẽ bao gồm mức độ bạn có khả năng ngủ gật khi: ngồi nghỉ sau bữa trưa, nằm chơi vào buổi chiều, xem TV, ngồi một mình ở nơi công cộng, đọc sách, trò chuyện xã giao với ai đó, ngồi xe bus trong 1 tiếng, ngồi yên trên xe khi tắc đường...

“Chúng tôi yêu cầu bệnh nhân chấm điểm từ 0 đến 3 cho khả năng họ sẽ ngủ gật trong 8 tình huống ít vận động này. Tổng điểm tối đa là 24, cho thấy mức độ buồn ngủ rất cao. Chúng tôi thường xem điểm số từ 10 trở lên là đáng lưu ý về mặt y tế và cần can thiệp”, Tiến sĩ Gurubhagavatula giải thích thêm.

Bên cạnh các ảnh hưởng từ thuốc, một số thói quen sinh hoạt cũng góp phần gây ra tình trạng buồn ngủ kéo dài. Chẳng hạn như uống quá nhiều caffeine, uống rượu trước khi ngủ, sử dụng cần sa, mức độ tập thể dục và hay môi trường giấc ngủ kém, chẳng hạn như phòng quá sáng, quá lạnh, quá nóng hoặc ồn ào… Tất cả đều ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và mức độ tỉnh táo sau khi ngủ dậy.

Nhiều người lầm tưởng rằng uống rượu có thể giúp ngủ ngon hơn. Nhưng mặc dù rượu có thể khiến bạn dễ ngủ ban đầu, nhưng sau khi cơ thể chuyển hóa rượu, bạn sẽ rất dễ bị thức giấc giữa đêm. “Tôi có những bệnh nhân lấy làm ngạc nhiên vì giấc ngủ của họ cải thiện rõ rệt sau khi bỏ thói quen uống một ly rượu cùng bữa tối”, Tiến sĩ Gurubhagavatula chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm