Ông sẽ tham gia Hội nghị Thượng đỉnh các DN Châu Á về báo cáo bền vững tại Singapore vào trung tuần tháng 9 và sau đó là tổ chức Diễn đàn DN phát triển bền vững (PTBV) Việt Nam 2017 vào tháng 10, Lễ Công bố các DN bền vững tại Việt Nam mùa thứ hai vào tháng 12… Điểm chung của cả chuỗi sự kiện quan trọng trên, với ông Vinh, chính là làm sao để PTBV trở thành giá trị cốt lõi lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng DN Việt.
Trong cuộc phỏng vấn trước chuyến đi Singapore, khi được hỏi ông sẽ diễn thuyết điều gì tại Hội nghị thượng đỉnh của châu Á về PTBV, ông Nguyễn Quang Vinh cười và chỉ tay vào đầu mình: “Tất cả có sẵn trong đây rồi!”. Với ông Vinh, nói về PTBV đã trở thành những điều nằm lòng. Nhưng để trả lời câu hỏi “Làm sao chuyển từ lời nói đến hành động của cả một cộng đồng DN?”, thì ông có một khoảng lặng trầm tư. Câu hỏi này động vào điều ông đang trăn trở nhất!
Tham gia Hội nghị lần này, sẽ có đại diện DN của Việt Nam như Tập đoàn Bảo Việt và Vinamilk… Bên cạnh những cái tên vốn đã rất nổi trong cộng đồng DN Việt, vẫn thiếu sự tham gia của những gương mặt mới, ông có cảm thấy áp lực vì chính điều đó?
Đã có nhiều thương hiệu lớn tại VN thực hiện tốt việc áp dụng Bộ Chỉ số DN bền vững (CSI) trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình như: Heineken, Bảo Việt, Traphaco, Vinamilk, TBS... Chính kết quả kinh doanh, độ uy tín của các DN này đã cho thấy giá trị của việc áp dụng CSI vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Năm 2016, tại cuộc thi báo cáo bền vững (BCBV) của các DN ở Châu Á, một số DN của VN đã tham gia. Tin vui là Bảo Việt đã xuất sắc đạt giải đặc biệt trong hai hạng mục quan trọng của giải thưởng, chính sự công nhận ở tầm khu vực đã phần nào minh chứng thêm cho giá trị của CSI khi được DN thực hiện. Tuy nhiên Bảo Việt cũng là đại diện duy nhất của VN đạt giải.
Có một thực tế là chưa nhiều DN Việt tham gia giải thưởng này. Chúng ta đang chậm chân hơn so với DN ở nhiều nước trong khu vực và điều đó làm ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của DN và của nền kinh tế. Vì thế, việc làm sao lan tỏa được CSI đến cộng đồng DN trở thành nhiệm vụ mang tính thách thức cần phải được hóa giải.
“Theo báo cáo của Ủy ban Kinh doanh và PTBV công bố tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2016, mỗi năm, cơ hội từ PTBV là ít nhất 12 nghìn tỷ USD, riêng cơ hội cho ngành kinh tế tuần hoàn là 4,5 nghìn tỷ USD”.
Nói một cách ngắn gọn, CSI có thể được hiểu là gì và giá trị mà nó mang lại, thưa ông?
Bộ chỉ số CSI được VBCSD xây dựng gồm 134 chỉ tiêu đo lường tính bền vững của DN trong những lĩnh vực về tài chính, kinh tế, xã hội và môi trường. Đây là công cụ giao tiếp trực tuyến, minh bạch giữa DN và các cổ đông.
Chẳng hạn như việc hạch toán tất cả các nguồn vốn như vốn tài chính, vốn xã hội và vốn tự nhiên… giúp cho hoạt động của DN trở nên minh bạch hơn, cũng như có thêm công cụ quản lý rủi ro hữu hiệu. Lúc đó, các cổ đông, xã hội sẽ hiểu từng “chân tơ kẽ tóc” hoạt động của DN.
Ngoài ra, hiện có rất nhiều hoạt động của DN liên quan đến vấn đề môi trường, năng lượng, biến đổi khí hậu, sử dụng lao động… Vậy nên, khi DN tích hợp vào trong BCBV, giá trị của DN đem lại cho cổ đông và xã hội sẽ không chỉ là cổ tức, mà còn là mang lại bao nhiêu công ăn việc làm, đóng góp cho xã hội và cho việc duy trì, bảo vệ môi trường như thế nào…
Chúng ta đã chơi trên một sân chơi toàn cầu, nếu không minh bạch và ý thức đến trách nhiệm với xã hội, đừng nói đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh!
Nếu tự chấm một cách khách quan, ông cho rằng mức độ quan tâm của cộng đồng DN Việt với CSI ở mức điểm bao nhiêu?
Thật ra, từ năm 2015, thế giới đã ghi nhận làn sóng mới trong việc đưa 17 mục tiêu PTBV vào trong hoạt động kinh doanh và đầu tư của DN. Ở thời điểm đó, cũng đã có DN Việt tiên phong áp dụng. Và đến nay, tôi tự tin, hầu hết các DN đã ý thức được rằng, đây là xu thế tất yếu.
Đặc biệt, trong năm 2016, lần đầu tiên VCCI cùng các Bộ, ngành tổ chức xếp hạng 100 DN bền vững thì đây trở thành sự kiện lớn và có ý nghĩa đối với sự PTBV của cộng đồng DN. Phải nói rằng, chính những câu chuyện thực tế từ những DN bền vững đó đã tạo nên thông lệ tốt về PTBV cho cộng đồng DN, nhất là những DNNVV, để họ có thể học hỏi, từ tích cóp cho mình những kiến thức trong vấn đề áp dụng CSI.
Điểm đáng nói nữa, chỉ sau một năm thôi, thông qua việc phát động Chương trình đánh giá, xếp hạng DN bền vững năm 2017, phản hồi của cộng đồng DN tại ba miền Bắc - Trung - Nam đã gia tăng rất nhiều so với 2016. Điều này cho thấy nhận thức đã có thay đổi.
Hiện tại BTC đang triển khai các công việc xếp hạng DN như nhận hồ sơ tham gia của DN... và Lễ công bố 100 DN bền vững năm 2017 dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 10/12/2017 tại Hà Nội. Với những dẫn chứng trên, theo bạn mức điểm có thể chấm là bao nhiêu? (cười).
Không phủ nhận những tín hiệu lạc quan mà ông vừa chia sẻ, tuy nhiên, với đại đa số DNNVV, làm sao để CSI trở thành công cụ không thể thiếu là điều không hề đơn giản?
Cách đây vài năm nhận thức về PTBV trên thế giới cũng chưa cao, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn mọi chuyện đã thay đổi. Đơn cử như, năm 2015, khi 17 mục tiêu PTBV được thông qua, LHQ đã tổ chức hội nghị về vai trò của DN trong PTBV, chỉ có khoảng 200 DN tham dự.
Nhưng chỉ 2 năm sau, tháng 7/2017, LHQ tổ chức cuộc họp tương tự tại New York thì số lượng DN tham gia là 1.500 DN. Như vậy, DN đang tham gia vào thực hiện các mục tiêu toàn cầu này là ngoài sức tưởng tượng. Ở Việt Nam, khách quan mà nói, việc thực hiện các mục tiêu bền vững của cộng đồng DN vẫn chậm, nhiều DN chưa ý thức đầy đủ về cơ hội, thách thức mà PTBV đem lại do đó chưa đầu tư các nguồn lực thích đáng cho PTBV.
Khu vực tài chính chưa tham gia sâu vào PTBV là một thực tế đáng quan ngại bởi nó dẫn đến cản trở về tài chính xanh, tín dụng xanh... Đó là điều chúng ta cần phải khắc phục trong giai đoạn tới.
Tuy nhiên, thực tế sẽ là người thuyết phục giỏi nhất. Cùng với các Bộ, ngành, VCCI và Hội đồng DN PTBV trong vòng 4 năm trở lại đây, đã nỗ lực để cộng đồng DN Việt bắt kịp xu thế tất yếu nói trên.
Sau năm đầu triển khai, liệu rằng, CSI 2017 có gì thay đổi không, thưa ông?
CSI trong năm 2017, sẽ được hoàn thiện hơn dựa trên kết quả của năm 2016 và chú trọng đến thông lệ quốc tế cũng như các tiêu chuẩn chung của Việt Nam. Để việc thực hiện báo cáo bền vững được mở rộng trong cộng đồng DN, năm 2017, dự kiến VBCSD cũng sẽ xuất bản các ấn phẩm hướng dẫn DN thực hiện báo cáo bền vững. Ngoài ra, VBCSD cũng sẽ tiếp tục tổ chức một số hội thảo, tập huấn định hướng và hướng dẫn DN lập báo cáo bền vững...
Không chỉ dừng lại ở đó, VBCSD hiện đang nghiên cứu thành lập Trung tâm Thông tin về Nền kinh tế tuần hoàn, với nhiệm vụ chính là đệ trình lên Chính phủ và các Bộ ban ngành liên quan các chính sách, cơ chế phù hợp cũng như thúc đẩy hơn nữa sự tham của cộng đồng DN tại VN trong việc xây dựng một nền kinh tế phi phát thải, đồng thời giới thiệu các thông lệ tốt của thế giới đến DN nước nhà, qua đó tạo thêm công ăn việc làm và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt.
Năm 2017, VBCSD sẽ hướng tới 6 mục tiêu gồm: 1. Đánh giá và xếp hạng các DN phát triển bền vững. 2. Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và lợi ích của phát triển bền vững DN, của cộng đồng cũng như của xã hội. 3. Thúc đẩy kinh doanh theo hướng phát triển bền vững. 4. Tăng cường trao đổi và hợp tác về phát triển bền vững giữa các bên có liên quan tại Việt Nam bao gồm cộng đồng DN, cơ quan Nhà nước và các tổ chức xã hội dân sự. 5. Hỗ trợ các DN Việt Nam học hỏi kinh nghiệm thông qua các thực tiễn tốt trên thế giới về phát triển bền vững và hội nhập kinh tế. 6. Thúc đẩy nhân rộng áp dụng CSI trong cộng đồng DN Việt Nam. |