Doanh nhân Nguyễn Thị Hương Liên: Hạnh phúc là khi được sẻ chia

Sao Thái Dương đã và đang là thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam về sản xuất, kinh doanh dược mỹ phẩm và thực phẩm chức năng có nguồn gốc thảo dược.
ThS.DS Nguyễn Thị Hương Liên - đồng sáng lập, kiêm Phó Giám đốc Công ty Sao Thái Dương
ThS.DS Nguyễn Thị Hương Liên - đồng sáng lập, kiêm Phó Giám đốc Công ty Sao Thái Dương

Công ty Cổ phần Sao Thái Dương, tiền thân là cơ sở Thái Dương, được thành lập ngày 17/4/2000 dưới sự dẫn dắt của DS. Nguyễn Hữu Thắng và ThS.DS Nguyễn Thị Hương Liên. Sau 21 năm ra mắt thị trường, với hơn 130 sản phẩm, thương hiệu Sao Thái Dương đã vững chắc tạo được uy tín với khách hàng trong và ngoài nước.

Trao đổi với Thương Gia, ThS.DS Nguyễn Thị Hương Liên - đồng sáng lập, kiêm Phó Giám đốc Công ty Sao Thái Dương tỏ rõ sự hạnh phúc khi sản phẩm làm ra được người tiêu dùng đón nhận cũng như góp phần tạo việc làm và thu nhập cao cho rất nhiều người.

Trong hơn 21 năm dựng xây và phát triển doanh nghiệp, điều gì đã giúp Sao Thái Dương phát triển bền vững như hiện nay, thưa bà?

Tôi nghĩ, điều đầu tiên giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trong hơn 20 năm qua đó chính là chúng tôi luôn nuôi dưỡng ước mơ sản xuất ra các sản phẩm về dược có giá trị, tốt cho sức khoẻ người tiêu dùng và cố gắng hết sức để hiện thực hoá ước mơ đó. Và trong quá trình miệt mài nghiên cứu, tìm kiếm đó, chúng tôi đã tìm ra chìa khoá mở được cánh cửa của giấc mơ khi phát hiện ra rằng, thảo dược không chỉ dùng để sản xuất thuốc, sản phẩm y học mà còn có thể dùng để điều chế thành nhiều sản phẩm có giá trị, an toàn và hiệu quả đối với sức khoẻ như: mĩ phẩm, thực phẩm chức năng.

Thứ hai, với các sản phẩm của Sao Thái Dương, chúng tôi thường thu mua thảo dược ở vùng núi phía Bắc hoặc những vùng nông nghiệp xa xôi. Ở đó người dân có thu nhập rất thấp. Khi chuyển đổi canh tác từ trồng cây nông nghiệp sang cây trồng thảo dược, thu nhập đã được cải thiện hơn, nhất là đối với nhóm lao động yếu thế như phụ nữ, người cao tuổi...

Tôi rất hạnh phúc khi sản phẩm của mình đã góp phần tạo việc làm và thu nhập cao cho rất nhiều người. Mỗi khi tạo ra các sản phẩm mới, được mọi người công nhận, ủng hộ và yêu mến, chúng tôi như được tiếp thêm động lực để duy trì sản xuất và nuôi dưỡng đam mê. Mặc dù còn có những sản phẩm tuy không có lãi, nhưng khi làm việc cùng nhau, chia sẻ khó khăn cho nhau, tạo cơ hội cho nhau, chúng tôi thấy cuộc đời thật nhiều ý nghĩa. Tôi nghĩ đó chính là nền tảng quan trọng nhất cho sự phát triển bền vững hơn 20 năm qua của doanh nghiệp.

Như vậy là ý định nghiên cứu về các sản phẩm có nguồn gốc thảo dược đã được định hướng từ trước, thưa bà?

Cũng không hẳn! Do sức khoẻ của bản thân không được tốt, bẩm sinh yếu ớt, hay bị ốm, thế nên trong quá trình chữa bệnh cho mình, tôi tự tìm kiếm các liệu trình điều trị khác nhau. Lúc đầu sử dụng tân dược nhưng thấy có nhiều tác dụng phụ, thế nên tôi chuyển sang tìm kiếm các giải pháp từ thảo dược để cơ thể được an toàn hơn và thấy có nhiều cải thiện.

Khi thấy tôi làm “chuột bạch” thành công nên ban lãnh đạo đã bàn nhau và quyết định chuyển hướng sang sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên để ngoài việc bảo vệ sức khoẻ cho người tiêu dùng, tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có ở Việt Nam thì còn tận dụng được lợi thế về giá đầu vào, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn cung từ nước ngoài gặp khó khăn bởi tác động của đại dịch Covid-19 như hiện nay.

Ngoài điều chế thuốc, từ nhu cầu làm đẹp cho bản thân, tôi đã nghiên cứu và điều chế thêm mĩ phẩm từ thảo dược để sử dụng. Sau khi dùng hiệu quả, tôi đã giới thiệu cho bạn bè và được mọi người ủng hộ. Tôi cũng tìm hiểu nhược điểm của các sảm phẩm hiện có trên thị trường, sử dụng các kiến thức đã được học, tham khảo các phương pháp nghiên cứu từ tây y để khắc phục, cải tiến các nhược điểm đó trong sản phẩm của mình. Cách làm này cũng được nhiều nước trên thế giới ứng dụng, giúp nâng cao giá trị của các sản phẩm địa phương vốn có từ trước.

Sao Thái Dương nghiên cứu, phát triển các sản phẩm thảo dược trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp khác đã nghiên cứu và họ có những thành công nhất định trong lĩnh vực này. Điều đó có gây khó khăn gì cho doanh nghiệp, thưa bà?

Khó khăn có thể kể đến chính là yếu tố cạnh tranh. Tuy nhiên, cũng khá là may mắn, bên cạnh tối ưu hóa kiến thức thì Sao Thái Dương cũng nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của bạn bè và thầy cô, gia đình cũng như các chính sách ưu đãi của nhà nước đối với các doanh nghiệp khoa học công nghệ. Sự ủng hộ đó đã củng cố thêm sức mạnh, giúp cho tôi có nhiều động lực hơn để tiếp tục kiên nhẫn theo đuổi đam mê.

Mỗi ngày chỉ cần một thành công nhỏ cũng đều làm cho bước đi của tôi vững vàng hơn. Và khi được khách hàng, bạn bè yêu quý sản phẩm, tôi càng thấy con đường mình đang đi là đúng đắn.

Bà có nhắc đến những chính sách ưu đãi của nhà nước đối với các doanh nghiệp khoa học công nghệ. Vậy theo bà, doanh nghiệp khoa học công nghệ có những thuận lợi và khó khăn gì so với doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp khoa học công nghệ?

Khó khăn thứ nhất đó là phải đáp ứng được những điều kiện của một doanh nghiệp khoa học công nghệ như: Phải phát triển các sản phẩm từ các nghiên cứu khoa học, các bằng sáng chế, đáp ứng được tính mới và tính ứng dụng thực tiễn.

Hiện nay cả nước có hơn 600 doanh nghiệp khoa học công nghệ. Tất cả những doanh nghiệp này đều định hướng nghiên cứu khoa học và ứng dụng thành tựu khoa học vào phát triển các sản phẩm mới để phục vụ cho cuộc sống. Điều đó đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư rất nhiều cho nghiên cứu và đương nhiên gặp thất bại sẽ điều không thể tránh khỏi, thậm chí có lúc nản chí vì tiêu tốn quá nhiều công sức và tiền bạc.

Về mặt thuận lợi, nếu nghiên cứu thành công, sản phẩm làm ra được người tiêu dùng chấp nhận sẽ mang được tính đặc sắc riêng. Chính sự đặc sắc đó sẽ làm cho khách hành yêu quý, thích thú và duy trì sử dụng sản phẩm của mình và tạo ra sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, hiện nay chính sách của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng có nhiều ưu đãi như: miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ nghiên cứu khoa học… Các chính sách hỗ trợ đó đã giúp cho các doanh nghiệp có nhiều nguồn vốn để tái đầu tư, tái nghiên cứu, giúp cho hàm lượng chất xám được tích tụ và nâng giá cao trị của sản phẩm so với các sản phẩm cạnh tranh trên thị trường. Tôi nghĩ, đó chính là thuận lợi rất cơ bản của các doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Được biết nhiều sản phẩm của Sao Thái Dương đã tạo tiếng vang trên thị trường quốc tế. Bà có cảm thấy áp lực khi phải luôn cố gắng để duy trì sự tin tưởng đó đễ vững bước trên con đường xây dựng thương hiệu toàn cầu?

Hiện nay, người tiêu dùng trên thế giới cũng đang có sự tò mò, thích thú đối với các sản phẩm có tính đặc thù từ các địa phương. Với trên 90% nguyên liệu trong nước, các sản phẩm Sao Thái Dương “rất là Việt Nam”. Điều đó đang hấp dẫn thế giới, là tiền đề để sản phẩm của chúng tôi tiến sâu vào thị trường quốc tế. Tôi nghĩ, chỉ cần làm tốt, sản phẩm nhất định sẽ được bạn bè quốc tế yêu thích.

Do đó khi được đại diện cho sản phẩm của quốc gia chúng tôi thấy tự hào nhiều hơn là áp lực. Khi bạn bè quốc tế nhắc đến hai tiếng “Việt Nam” với thái độ trân trọng, chúng tôi thấy thiêng liêng và xúc động lắm.

Với trách nhiệm đó, chúng tôi xác định sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm mới ngày một tốt hơn, làm cho người tiêu dùng hài lòng hơn. Chúng tôi coi đó như là tiêu chí bắt buộc đối với tất cả các sản phẩm của mình. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xác định sẽ không tránh được khó khăn, thậm chí là thất bại, sẽ có những sản phẩm không đạt được như kỳ vọng. Điều này bắt buộc chúng tôi phải luôn đổi mới, luôn luôn cố gắng. Chúng tôi cũng biết rằng, khi một sản phẩm của Sao Thái Dương thành công, sẽ không chỉ là niềm tự hào của riêng ai mà là của tất cả mọi người trong chuỗi giá trị tạo ra sản phẩm, từ người nông dân, đến công nhân, nhà nghiên cứu, quản lý…

Do đó tôi muốn chia sẻ với mọi người rằng, hạnh phúc làm nên thành công, hạnh phúc đến từ những điều nhỏ nhất xung quanh chúng ta, hạnh phúc sẽ nhân lên khi được chia sẻ và lan tỏa.

Xin cảm ơn bà!

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…