Doanh số bán lẻ và dữ liệu sản xuất yếu chỉ ra nền kinh tế Mỹ đang chậm lại

Doanh số bán lẻ của Mỹ đã giảm nhiều hơn dự kiến vào tháng 3 do người tiêu dùng cắt giảm mua xe cơ giới và các mặt hàng đắt tiền khác...
Doanh số bán lẻ và dữ liệu sản xuất yếu chỉ ra nền kinh tế Mỹ đang chậm lại

Với việc thị trường lao động hạ nhiệt, doanh số bán lẻ có thể sẽ vẫn ở mức thấp. Nhu cầu đối với hàng hóa giảm cũng đang khiến các nhà máy sản xuất phải cắt giảm sản lượng trong tháng trước.

Sản xuất, chiếm 11,3% nền kinh tế Mỹ, đang bị ảnh hưởng bởi sự chuyển dịch chi tiêu từ hàng hóa sang dịch vụ. Sản lượng sản xuất đã giảm 0,5% trong tháng 3 sau khi tăng 0,6% trong tháng 2. Sản lượng xe cơ giới giảm 1,5%. Loại trừ ô tô, sản xuất chế tạo cũng giảm 0,5%.

Sự chậm lại trong sản xuất, kết hợp với việc các ngân hàng thắt chặt tiêu chuẩn cho vay không phải là tín hiệu tốt cho hoạt động đầu tư kinh doanh. Các doanh nghiệp chứng kiến tình trạng hàng tồn kho dư thừa do nhu cầu chậm lại, dẫn đến việc cắt giảm các đơn đặt hàng với nhà máy.

Ben Ayers, một nhà kinh tế cấp cao tại Nationwide (Mỹ) cho biết: “Các hộ gia đình rõ ràng đang vật lộn với lạm phát dai dẳng và lãi suất cao. Họ đã phải cắt giảm chi phí chi tiêu cho hàng hoá”. 

Mặc dù việc làm và thu nhập vẫn tăng mạnh, nhưng vết nứt ngày càng lớn trong lĩnh vực tiêu dùng và sự thay đổi tiêu cực trong hoạt động tuyển dụng có thể là đòn cuối cùng đẩy nền kinh tế vào suy thoái, ông Ben Ayers nhận định. 

Trong báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ đã giảm 1% trong tháng 3, mức giảm nhiều hơn hẳn so với dự kiến 0,4% trước đó của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters.

Doanh số bán lẻ chủ yếu bao gồm hàng hóa, thường được mua bằng tín dụng và không được điều chỉnh theo lạm phát. Đây là mức giảm hàng tháng thứ hai sau một đợt tăng mạnh vào tháng 1.

doanh số bán lẻ
Doanh số bán lẻ và lạm phát của Hoa Kỳ ( Đường kẻ cam: Doanh số bán lẻ của Hoa Kỳ; đường kẻ xanh lam: Kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng trong một năm; đường kẻ xanh lá: CPI, pct chg hàng năm)

Sự sụt giảm trong doanh số bán lẻ trùng hợp với thời điểm hết hạn Chương trình Hỗ trợ Dinh dưỡng Bổ sung (SNAP) được Quốc hội Mỹ ban hành nhằm giúp đỡ những người và gia đình có thu nhập thấp trước những khó khăn của đại dịch Covid-19. 

Bà Ellen Zentner, nhà kinh tế trưởng tại Morgan Stanley cho biết: “Việc hết hạn trợ cấp SNAP là một chất xúc tác khác khiến người tiêu dùng ở mức thu nhập thấp buộc phải thận trọng hơn trong chi tiêu”. 

Nhìn chung, sự sụt giảm trong doanh số bán lẻ tại Mỹ diễn ra trên diện rộng. Cụ thể, biên lai tại các đại lý ô tô giảm 1,6%, doanh số bán hàng nội thất giảm 1,2%; trong khi doanh thu của các cửa hàng điện tử và thiết bị giảm 2,1%. 

Doanh số tại các đại lý vật liệu xây dựng và thiết bị làm vườn mất 2,1%. Doanh thu tại các cửa hàng quần áo giảm 1,7%. 

Ngược lại, doanh số bán lẻ trực tuyến đã tăng 1,9%, có thể bởi người tiêu dùng có ý thức về giá cả đã tìm kiếm các chương trình giảm giá và ưu đãi trên mạng Internet. 

Chi tiêu cho sở thích và làm đẹp tăng vừa phải. Doanh số bán hàng tại các địa điểm ăn uống - loại dịch vụ duy nhất trong báo cáo doanh số bán lẻ - tăng 0,1%. 

Không rõ liệu việc thắt chặt các điều kiện tín dụng vào tháng 3 sau sự sụp đổ của hai ngân hàng khu vực có ảnh hưởng đến doanh số bán lẻ hay không. Nhưng việc giảm khả năng tiếp cận tín dụng được cho là sẽ có tác động đến doanh số bán hàng trong những tháng tới.

doanh số bán lẻ
Các thước đo lạm phát của Hoa Kỳ ( Đường kẻ xanh: CPI cốt lõi; đường kẻ đỏ: PCE cốt lõi; đường kẻ tím: PPI cốt lõi; đường kẻ xanh lá: Thu nhập trung bình hàng giờ; đường kẻ cam: Giá nhập khẩu; đường kẻ chấm: Mục tiêu của Fed)

Doanh số bán lẻ sụt giảm chủ yếu là do lộ trình tăng lãi suất kéo dài hơn một năm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), chiến lược này đang làm chậm lạm phát bằng cách hạ nhiệt nhu cầu trong nước. Các báo cáo kinh tế vào tuần trước cũng cho thấy tăng trưởng việc làm và hoạt động của ngành dịch vụ chậm lại trong tháng 3.

Trong một năm qua, Fed đã tăng lãi suất chính sách thêm 4,75 điểm phần trăm, từ mức gần bằng 0 lên phạm vi 4,75% - 5% của hiện tại. 

Dựa trên những chia sẻ mới đây của các quan chức Mỹ, Fed được cho là vẫn sẵn sàng tăng lãi suất một lần nữa vào tháng 5, trước khi tạm dừng theo dự kiến vào tháng 6 trong chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh nhất của ngân hàng trung ương kể từ những năm 1980.

Theo công cụ FedWatch của CME Group, thị trường tài chính đang đặt cược vào mức tăng 0,25 điểm phần trăm khác trong cuộc họp chính sách sẽ diễn ra vào ngày 2/5 và 3/5 tới. 

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Tiền điện tử chứng kiến đà sụt giảm mạnh trong phiên khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao đã gây áp lực lên nhóm các tài sản rủi ro…

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, cùng với việc đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Quốc hội, có thể dẫn đến cách tiếp cận ít can thiệp hơn đối với các loại tiền điện tử như bitcoin...

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Dù còn phải đối mặt với nhiều biến động, nhưng triển vọng giá bạc được các chuyên gia dự đoán sẽ tăng mạnh trong năm tới nhờ nhu cầu công nghiệp và nguồn cung hạn chế…