Tại Hội nghị Tổng kết ngành thép năm 2017 và gặp mặt đầu năm 2018 do Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) tổ chức, ông Trần Tuấn Dương - Tổng giám đốc của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã giới thiệu tóm tắt về mô hình tập đoàn, kết quả kinh doanh năm 2017 và chia sẻ một số thông tin về dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất, bài học kinh nghiệm trong phát triển sản xuất kinh doanh thép.
Theo đó, Hòa Phát hoạt động chính trong lĩnh vực sắt thép (chiếm 80-90% doanh thu và lợi nhuận hàng năm), hiện có 11 công ty thành viên và khoảng 15.000 lao động trên toàn quốc.
Năm 2017, Hòa Phát đạt sản lượng thép xây dựng 2,2 triệu tấn, ống thép 600.000 tấn và tôn cuộn mạ kẽm 200.000 tấn. Thị phần thép xây dựng đạt 24% còn ống thép đạt 26,3%.
Về năng lực sản xuất thép, dự kiến đến năm 2020, Hòa Phát sẽ có tổng công suất trên 7 triệu tấn thép các loại gồm thép xây dựng, ống thép, thép rút dây, thép cuộn cán nóng, tôn mạ màu, mạ kẽm. Trong đó, thép dài chiếm tỷ trọng lớn nhất với 4 triệu tấn/năm, sau đó là thép dẹt (2,5 triệu tấn/năm) và thép ống (0,8 triệu tấn/năm).
Dự kiến đến năm 2020, công ty có 5 hệ thống nhà máy là Hưng Yên, Hải Dương, Đà Nẵng, Quảng Ngãi (Dưng Quất) và Bình Dương. Trong đó, Hòa Phát đang triển khai dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất tại tỉnh Quảng Ngãi quy mô 4,5 triệu tấn/năm. Điểm đặc biệt là Hòa Phát có thể linh hoạt sản xuất thép cuộn cán nóng từ 2,5-3,5 triệu tấn/năm tùy tình hình thị trường. Dự kiến toàn bộ dự án sẽ hoàn thành vào năm 2020, đưa Hòa Phát vào top 50 DN thép lớn nhất thế giới.
Mặc dù vậy, dự án Dung Quất cũng đem lại nhiều thách thức cho Hòa Phát, đòi hỏi nguồn nhân lực kỹ thuật, tay nghề cao. Thứ hai là thị trường cạnh tranh ngày càng lớn. Thứ ba là thời tiết miền Trung mưa bão thất thường cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến dự án này.
Thị trường thép còn khá nhiều tiềm năng
Đại diện của Hòa Phát cũng đưa ra được những phân tích về thị trường thép Việt Nam năm 2018. Theo đó, thị trường thép năm nay còn khá nhiều tiềm năng nhờ cơ sở hạ tầng Việt Nam đang được đẩy mạnh xây dựng, tốc độ phát triển ngành thép luôn đạt khoảng 5 – 12% mỗi năm và dự báo ngành xây dựng năm 2018 tăng khoảng 10% so với 2017.
Bên cạnh đó, bài học kinh nghiệm mà Việt Nam cần rút ra là trước tiên phải giữ vững được thị trường trong nước. Về xuất khẩu, mỗi doanh nghiệp ngành thép cần tuân thủ các hiệp định FTA, tích cực hợp tác với các nước nếu xảy ra các vụ kiện chống bán phá giá nhằm tránh mất thị trường hoặc bị đánh thuế cao. Cuối cùng, giải pháp bảo hộ thị trường là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Tự thân doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng mọi thời cơ để phát triển.