Vàng từ xưa đến nay luôn là một trong những kim loại quý có giá trị và được săn lùng nhiều nhất trên thế giới. Vai trò lịch sử của nó như một tài sản trú ẩn an toàn trong thời kỳ suy thoái kinh tế, bảo toàn giá trị trong nhiều thiên niên kỷ, khiến nó trở thành một khoản đầu tư đáng tin cậy. Với giá trị nội tại lâu dài, vàng giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư một cách hiệu quả, giảm rủi ro tổng thể.
Tuy nhiên, giá vàng cũng chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố kinh tế và địa chính trị, bao gồm lạm phát, lãi suất và giá trị của đồng USD.
Những thay đổi về sức mạnh của đồng USD có thể tác động đến giá vàng vì vàng hiện được định giá bằng USD. Đồng USD yếu hơn nhìn chung có lợi cho giá vàng vì nó thúc đẩy nhu cầu về tài sản trú ẩn an toàn. Khi đồng USD mạnh lên, vàng có thể trở nên đắt hơn đối với các nhà đầu tư bằng các loại tiền tệ khác, có khả năng làm giảm nhu cầu. Trong khi đó, nếu lạm phát dự kiến sẽ tăng hoặc vượt quá lãi suất danh nghĩa và thị trường chứng khoán dự kiến giảm, các nhà đầu tư có thể chuyển sang vàng như một phương tiện lưu trữ giá trị, từ đó đẩy giá của nó lên cao.
Các quyết định của ngân hàng trung ương và những thay đổi trong chính sách tiền tệ lãi suất cũng có thể ảnh hưởng đến giá vàng. Ví dụ, lãi suất giảm có thể đẩy giá của vàng lên cao.
Và mặc dù nhìn chung vàng được coi là một khoản đầu tư an toàn nhưng điều này không có nghĩa là không có rủi ro khi giao dịch và đầu tư vàng. Khi thị trường chứng khoán tăng, giá vàng có thể giảm.
Mặc dù các dự đoán về giá vàng chỉ mang tính chất suy đoán và không đảm bảo độ chính xác hoàn toàn nhưng chúng có thể giúp người tham gia thị trường quản lý rủi ro về giá, tạo ra các chiến lược phòng ngừa rủi ro và cuối cùng đưa ra quyết định sáng suốt hơn về việc mua hoặc bán tài sản trên thị trường tài chính.
DỰ BÁO TRONG NGẮN HẠN
Trước khi đi sâu vào dự báo của các nhà phân tích, hãy cùng xem xét các yếu tố sẽ ảnh hưởng đến triển vọng giá vàng năm 2024.
Thứ nhất, kỳ vọng cắt giảm lãi suất sớm hơn và sâu hơn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang là một trong những động lực thúc đẩy giá vàng, theo chia sẻ của nhà phân tích David Hynes và Soni Kumari của ANZ Research. Tuy nhiên, hai nhà phân tích cũng cảnh báo rằng khi lãi suất ổn định và lạm phát giảm làm tăng nguy cơ lãi suất thực tăng, điều này có thể lại là lực cản đối với vàng.
Thứ hai, sức mua của các ngân hàng trung ương vẫn duy trì mạnh mẽ do căng thẳng địa chính trị và triển vọng kinh tế. Nhà phân tích Ewa Manthey của ING mới viết trong một ghi chú: "Vàng có xu hướng trở nên hấp dẫn hơn trong thời điểm bất ổn. Nhu cầu đã tăng cao trong hai năm qua, với xu hướng ít có dấu hiệu giảm bớt. Chúng tôi tin rằng điều này có thể sẽ tiếp tục vào năm 2024 trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và tình hình kinh tế hiện tại".
Về ngắn hạn, khi lãi suất bắt đầu giảm, giá vàng có thể đạt kỷ lục mới vào năm 2024. JP Morgan đặt mục tiêu giá trung bình là 2.300 USD/ounce cho vàng thỏi trong quý cuối cùng của năm 2024. Trước đó, JPMorgan Chase & Co. dự đoán rằng giá sẽ vượt qua mức 2.000 USD/ounce vào cuối năm 2023. Vào tháng 12/2023, giá vàng đạt 2.071 USD, như một phản ứng với chính sách tiền tệ mới của ngân hàng trung ương Mỹ và nhu cầu trú ẩn ngày càng tăng.
Các nhà phân tích hàng hóa của Goldman Sachs kỳ vọng khả năng tăng giá vàng sẽ gắn liền với những thay đổi về lãi suất của Mỹ và biến động của đồng USD, khiến họ nâng mục tiêu giá vàng cho năm 2024 lên 2.050 USD/ounce. Nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng từ Trung Quốc và Ấn Độ cũng có thể ảnh hưởng đến giá vàng.
ING dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục tăng mạnh và kỳ vọng sẽ đạt mức trung bình 2.031 USD/ounce vào năm 2024, với mức trung bình trong quý 4 là 2.100 USD/ounce.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới từng ước tính giá vàng sẽ vào khoảng 1.900 USD vào năm 2023, dự đoán rằng rủi ro địa chính trị gia tăng có thể khiến tài sản trú ẩn an toàn trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư. Vào năm 2024, họ dự đoán giá sẽ ở mức trung bình là 1.950 USD/ounce.
DỰ BÁO TRONG TRUNG VÀ DÀI HẠN
Đối với trung hạn, nhiều ngân hàng, bao gồm Goldman Sachs, Citi, ANZ và Commerzbank, từng đưa ra dự báo ban đầu về vàng trước khả năng phải xảy ra khủng hoảng ngân hàng. Các nhà phân tích của Goldman Sachs ban đầu kỳ vọng giá vàng sẽ ổn định trong giai đoạn từ 2023 đến 2026, ở mức khoảng 1.970 USD/ounce. Họ đã tăng dự báo vàng 12 tháng lên 2.050 USD/ounce.
Dự báo giá vàng cho năm 2025 tại Bloomberg Terminal là từ 1.709,47 USD đến 2.727,94 USD.
Trong một bài trao đổi trên Bloomberg, nhà chiến lược Mike McGlone tin rằng cả vàng và “phiên bản vàng kỹ thuật số” Bitcoin sẽ tăng giá mạnh mẽ vào năm 2025. Cũng theo ông, giá vàng đã cho thấy sức mạnh phân kỳ, dẫn chứng mức tăng 84% kể từ năm 2015 đến nay. Tham chiếu từ xu hướng trong lịch sử, ông McGlone hy vọng rằng giá vàng có thể trên con đường tiến gần hơn tới mốc 7.000 USD vào giai đoạn 2025.
Các kịch bản 7.000 USD/ounce dường như vẫn tồn tại trong các dự báo về vàng cho năm 2030. Trong báo cáo Rational Case, nhà kinh tế học Charlie Morris đã đặt kỳ vọng vào mốc giá 7.000 USD cho năm 2030 và nhắc đến vàng như một loại tài sản hàng đầu trong thế kỷ 21.
Nhìn về dài hạn, các nhà phân tích hàng hóa đưa ra dự báo dài hạn rằng giá vàng nhìn chung sẽ tiếp tục tăng trong vài thập kỷ tới khi nhu cầu về kim loại quý ngày càng nóng lên.
Trong một bài nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí Xu hướng sinh thái và tiến hóa, Josep Peñuelas, giáo sư nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu sinh thái và ứng dụng lâm nghiệp của Đại học tự trị Barcelona và tại Hội đồng nghiên cứu khoa học cấp cao (CREAF-CSIC), cảnh báo rằng đến năm 2050 thế giới có thể cạn kiệt các kim loại thiết yếu, trong đó có vàng.
Tuy nhiên, các lý thuyết khác về tương lai của kim loại quý lại lạc quan hơn. Theo Robert Kiyosaki, vàng đã tồn tại từ rất lâu đời và là “tiền của Chúa”, nó có khả năng trở thành hình thức tiền tệ chính trong tương lai. Trong cuốn sách “Fake” của mình, ông Kiyosaki xem xét tương lai của tiền tệ và tuyên bố rằng cuối cùng vàng cùng với Bitcoin có thể làm xói mòn các loại tiền tệ pháp định (Fiat Money).
Nhưng dự đoán giá về dài hạn chắc chắn còn phụ thuộc vào nhiều kịch bản, viễn cảnh khác nhau. Và cuối cùng, vẫn có những câu hỏi cơ bản liên quan đến tầm quan trọng của tài sản trú ẩn an toàn như vàng trong bối cảnh tài chính luôn thay đổi.