FDIC bán phần lớn tài sản Ngân hàng Signature cho Flagstar

Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang đã bán phần lớn tài sản của Ngân hàng Signature cho Flagstar Bank - công ty con của Ngân hàng Cộng đồng New York…
Ngân hàng Signature

Ngân hàng Flagstar, một công ty con của Ngân hàng Cộng đồng New York, đã đồng ý mua lại phần lớn tài sản của Ngân hàng Signature, sau khi ngân hàng có trụ sở tại New York tuyên bố phá sản vào gần một tuần trước và được Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang đứng ra tiếp nhận. 

Thỏa thuận này sẽ giao cho ​​Ngân hàng Flagstar các khoản tiền gửi cũng như tất cả 40 chi nhánh và một số danh mục cho vay nhất định của Ngân hàng Signature trước đây. 

Chính thức kể từ ngày 20/3, 40 chi nhánh của Ngân hàng Signature sẽ bắt đầu hoạt động dưới tên gọi Ngân hàng Flagstar. Khách hàng sẽ không cần thực hiện bất kỳ thay đổi nào để thực hiện các giao dịch ngân hàng thông thường.

Theo báo cáo từ CNN, Ngân hàng Cộng đồng New York đã mua hầu hết các khoản tiền gửi cùng với 38,4 tỷ USD tài sản của Signature. Trong đó bao gồm 12,9 tỷ USD giá trị các khoản vay với mức chiết khấu chỉ còn 2,7 tỷ  USD. 

Không bao gồm trong giao dịch là khoảng 60 tỷ USD các loại tài sản khác, hiện vẫn sẽ vẫn thuộc quyền quản lý của FDIC. Ngoài ra, thoả thuận với Ngân hàng Cộng đồng New York cũng không bao gồm 4 tỷ USD tiền gửi từ hoạt động kinh doanh ngân hàng kỹ thuật số của Signature.

Khi cuộc khủng hoảng ngân hàng lan rộng, các ngân hàng ngày càng cảnh giác với việc chấp nhận rủi ro. Đó có thể là lý do tại sao Ngân hàng Cộng đồng New York không sẵn sàng tiếp nhận tất cả tài sản của Signature. 

Jaret Seiberg, nhà phân tích tại TD Cowan, cho biết: “Chúng tôi không thấy ngạc nhiên khi nhiều danh mục tài sản của Signature vẫn do FDIC nắm giữ. Bởi, các ngân hàng nay càng thận trọng hơn trong việc mua lại các khoản vay mà không có trách nhiệm pháp lý và bảo vệ tổn thất”.

Trong cùng ngày, FDIC cũng cho biết rằng họ dự kiến sẽ dần bán hết tài sản của Signature theo thời gian và tổng chi phí cho chính phủ cuối cùng sẽ vào khoảng 2,5 tỷ USD. 

Thông báo mới nhất của FDIC đề cập đến một trong hai ngân hàng đã sụp đổ mà FDIC được các nhà chức trách chỉ định tiếp nhận. 

Tuy nhiên, tuyên bố không đề cập đến Ngân hàng Silicon Valley (SVB), một ngân hàng có quy mô lớn hơn nhiều so với Signature. Để so sánh, Ngân hàng Signature có tổng tài sản là 110,36 tỷ USD, trong khi Ngân hàng Silicon Valley có 209 tỷ USD.

Trước đó, Reuters đã đưa tin về việc FDIC dự định khởi động lại một cuộc đấu giá tài sản mới cho SVB sau khi chương trình đầu tiên không thu hút được người mua toàn bộ ngân hàng.

Có thể bạn quan tâm