Giá dầu tiếp tục tăng cao do lo ngại về nguồn cung

Giá dầu tăng trở lại khi các nhà đầu tư tập trung vào vấn đề nguồn cung thắt chặt sau lệnh cấm xuất khẩu diesel của Nga…

Hợp đồng tương lai dầu thô Brent tăng 48 cent, tương đương 0,5%, lên 93,75 USD/thùng vào đầu phiên 25/9 sau khi giảm 3 cent vào cuối tuần trước. Hợp đồng tương lai dầu thô WTI của Mỹ mở rộng mức tăng trong phiên thứ hai liên tiếp, giao dịch quanh 90,53 USD/thùng, tăng 50 xu, tương đương 0,6%.

Trong khoảng thời gian đầu tháng 9, giá dầu đã tăng vọt hơn 10% do dự báo về tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong quý 4 sau khi Arab Saudi và Nga quyết định gia hạn cắt giảm nguồn cung bổ sung từ nay cho đến cuối năm. Nhưng vào tuần trước, cả hai điểm chuẩn đều đã chấm dứt chuỗi tăng giá kéo dài ba tuần đó sau khi lập trường diều hâu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về việc duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn đã làm rung chuyển các lĩnh vực tài chính toàn cầu và đặt ra các câu hỏi về nhu cầu dầu mỏ.

Tuy nhiên, tin tức Moscow tạm thời cấm xuất khẩu xăng và dầu diesel sang hầu hết các quốc gia nước ngoài nhằm mục tiêu ổn định thị trường nội địa, lại một lần nữa làm dấy lên lo ngại về nguồn cung, đặc biệt là đối với dầu sưởi khi khu vực Bắc bán cầu bước vào mùa đông.

Tại Mỹ, số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động đã giảm 8 giàn xuống còn 507 vào tuần trước, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022, một báo cáo hàng tuần từ Baker Hughes cho thấy.

Trong tuần này, các chuyên gia trong ngành tỏ ra kỳ vọng về dữ liệu kinh tế được cải thiện từ Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Mặc dù vậy, vẫn có khả năng giá dầu sẽ phải đối mặt với ngưỡng kháng cự kỹ thuật ở mức cao nhất tháng 11/2022.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs tin rằng lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc dự kiến sẽ quay trở lại chế độ mở rộng vào tháng 9, với chỉ số sản xuất mua hàng được dự báo sẽ tăng trên 50 điểm, lần đầu tiên kể từ tháng 3.

Trong một dấu hiệu tích cực khác, nhu cầu dầu của Trung Quốc đã tăng 0,3 triệu thùng/ngày lên 16,3 triệu thùng/ngày trong tuần trước, một phần bởi nhu cầu nhiên liệu máy bay cho các tuyến bay quốc tế phục hồi dần dần.

Có thể bạn quan tâm