Giám đốc Cty GEN Nguyễn Thành Tân: "Tôi tin kinh tế sẽ phục hồi theo mô hình chữ V"

Chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị gián đoạn nhưng nhu cầu của con người không bị mất đi. Khi dịch bệnh qua đi, đà tăng trưởng sẽ nhanh chóng quay trở lại.
Giám đốc Cty GEN Nguyễn Thành Tân: "Tôi tin kinh tế sẽ phục hồi theo mô hình chữ V"

Thương Gia đã có một cuộc trò chuyện ngắn với Giám đốc Nguyễn Thành Tân về tình hình kinh doanh của Công ty cổ phần phần mềm GEN (GEN) và sự tăng trưởng của nền kinh tế trong và sau thời gian cách ly xã hội.

Ông Tân cho rằng, khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây nên khác với khủng khoảng tài chính năm 2008.

"Chúng tôi tạm ổn nhưng không thể kéo dài"

Là một doanh nghiệp công nghệ, hoạt động kinh doanh của GEN bị ảnh hưởng như thế nào bởi dịch bệnh Covid-19, thưa ông?

Chúng tôi bị ảnh hưởng, nếu nói đúng về mức độ thì cũng chịu ảnh hưởng khá lớn. Các khách hàng của GEN gần như rơi vào trạng thái “ngủ đông”. Do các hoạt động kinh doanh diễn ra cầm chừng nên họ cũng không có ý định xúc tiến đầu tư thêm. Có những khách hàng đang định ký hợp đồng nhưng trước tình hình dịch bệnh và Chỉ thị 16 của Chính phủ, lại phải tiến hành đánh giá và tổ chức lại hoạt động nhân sự. 

Hay chúng tôi có một khách hàng đã đến giai đoạn nghiệm thu sản phẩm nhưng vì phải xem xét lại hoạt động nên quá trình nghiệm thu buộc phải hoãn… Thậm chí, một doanh nghiệp Nhật Bản phải gửi email thông báo “delay” hợp tác vì ảnh hưởng của dịch bệnh.

Về phía nội bộ của GEN, nhân viên làm “remote” – làm từ xa, làm ở nhà khiến các buổi đào tạo hướng dẫn sử dụng phần mềm phải tạm hoãn… Đây là những dẫn chứng tiêu biểu nhất tôi muốn kể ra để thấy, dịch Covid-19 đang ảnh hưởng thế nào đến GEN.

Có lẽ, điều này đang xảy ra tương tụ với các công ty và doanh nghiệp khác. Đa phần, họ đều phải hoạt động cầm chừng và trong trạng thái “nghe ngóng” để đánh giá biến động của thị trường.

Như ông nói, các khách hàng của GEN vẫn duy trì hoạt động. Việc hợp tác và xúc tiến đầu tư chỉ chậm/dừng lại. Về cơ bản, GEN vẫn đang “ổn”?

60% doanh thu của GEN đến từ việc tìm kiếm khách hàng mới và tự phát triển/hợp tác phát triển ở các dự án. Doanh thu từ khách hàng cũ chỉ chiếm đến 40%. Xét về cơ bản, GEN vẫn hoạt động tạm ổn. Nếu tiết chế lại, chúng tôi vẫn duy trì được nhưng về lâu dài, đây không phải là phương án hợp lý.

Khách hàng làm dự án với GEN thường là khách hàng có tiềm lực và làm những dự án lớn. Việc hợp tác vừa giúp GEN phát triển vừa tạo nên kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ luôn đòi hỏi thay đổi. Khi các dự án lớn bị dừng lại, thì như tôi đã chia sẻ, đó là cả một vấn đề nếu không tìm được biện pháp ứng phó.

Các đối tác của GEN đa số đều là các doanh nghiệp lớn như FPT, VNPay, Viettel… Khi nhân viên phải làm việc từ xa trong thời gian này, họ có tăng cường sử dụng các sản phẩm của GEN để đáp ứng nhu cầu tối ưu công việc không?

Tôi nhận thấy, dịch bệnh về cơ bản không ảnh hưởng đến hoạt động của họ. Sự thay đổi hình thức làm việc của nhân viên khiến quy trình xử lý công việc có đôi chút tác động nhưng không phải theo chiều hướng đi xuống. Là các doanh nghiệp lớn nên có vẻ họ có lộ trình và ngân sách khá cụ thể.

Chúng tôi có những sản phẩm giúp đáp ứng được các yêu cầu khi thay đổi hình thức làm việc. Đơn cử, ứng dụng tổng đài VOIP của GEN giúp nhân viên, dù đang ở nhà, vẫn có thể trả lời mỗi khi khách hàng gọi điện đến số Hotline của doanh nghiệp. Như vậy, hoạt động của doanh nghiệp không bị xáo trộn nhiều.

Vậy mọi vấn đề vẫn đang nằm trong khả năng của doanh nghiệp?

Đúng là mọi vấn đề đang nằm trong giới hạn chịu đựng của doanh nghiệp. Đơn cử với GEN, chúng tôi vẫn đang duy trì hoạt động về cơ bản. Nhưng bản thân tôi - là một người đứng đầu doanh nghiệp, muốn nghĩ về một viễn cảnh tươi sáng cho chính doanh nghiệp mình và toàn thị trường.

Nhưng trong trường hợp xấu hơn, tôi cần có một phương án để đảm bảo công ty hoạt động ở mức độ tối thiểu nhằm duy trì công việc với đối tác và khách hàng cũ/thường xuyên của công ty.

Tôi có mối liên hệ với nhiều doanh nghiệp và cá nhân làm trong lĩnh vực công nghệ. Một doanh nghiệp làm về outsourcing với thị trường Nhật chia sẻ với tôi rằng, họ vẫn đang cảm thấy ổn. Một người làm cho các cơ quan Nhà nước cũng nói với tôi rằng, anh ấy cảm thấy bình thường. Một người bạn làm trong một doanh nghiệp công nghệ lớn, làm khá nhiều mảng, cả về phát triển sản phẩm lẫn dự án, cũng nói rằng không chịu nhiều tác động.

Ngoài ra, thị trường tuyển dụng IT, về mặt bằng chung, không biến động. Số lượng CV ứng tuyển (tôi nói về lĩnh vực lập trình) có tăng nhưng không đột biến. Điều này cho thấy, không có nhiều người cảm thấy “cần nhảy việc” hay “bị mất việc”. Đây là dẫn chứng cho thấy, hoạt động của các công ty công nghệ không biến động.

Chúng tôi (những doanh nghiệp làm mảng dịch vụ, phần mềm) là nhóm doanh nghiệp chịu ảnh hưởng gián tiếp từ đại dịch. Khách hàng của khách hàng của chúng tôi bị ảnh hưởng thì chúng tôi cũng sẽ liên đới. Nhưng các doanh nghiệp khác thì không phải cũng giống như vậy.

Tôi luôn hy vọng, sau ngày 15/4, mọi việc được quay trở lại nhịp độ bình thường. Nếu tình trạng này còn kéo dài, các doanh nghiệp sẽ rơi vào trạng thái khó khăn. Đơn cử với GEN, chúng tôi có thể duy trì hoạt động ở mức như hiện nay tối đa thêm 3 tháng nữa, nếu kéo dài hơn, sẽ phát sinh nhiều vấn đề không ổn.

"Cứ theo dõi diễn biến của dịch bệnh Covid-19, ai cũng sẽ thấy lạc quan khi Việt Nam khoanh vùng dịch, chữa khỏi cho những người dương tính với SARS-CoV-2... nhưng rồi lại hoang mang khi nghe tin về những ca mắc mới. Nhưng đến bây giờ, Việt Nam vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh. Đây chính là điều chứng tỏ, chúng ta cần tiếp tục lạc quan và chuẩn bị quay trở lại làm việc ngay khi hết dịch".

Ông Nguyễn Thành Tân

Nhu cầu của xã hội không biến mất

Diến biến của dịch bệnh đang khá phức tạp, ông có cho rằng, khả năng cách ly xã hội sẽ tiếp tục kéo dài?

Nếu nhìn từ góc độ của một người dân bình thường, với mức lương dù 5 triệu hay 10 triệu đồng/tháng, họ vẫn có thể duy trì cuộc sống, tôi muốn nói, ở mức tối thiểu. Nhưng với một doanh nghiệp, chỉ số tiền cố định thôi cũng đã lớn rồi. Khi doanh thu chưa thấy tính khả thi mà vẫn phải trả chi phí cố định hàng tháng thì lại là chuyện không nhỏ. Việc cách ly xã hội kéo dài sẽ tạo nhiều ảnh hưởng. Thậm chí, các doanh nghiệp khó có thể hồi phục trở lại. 

Việc cách ly xã hội là điều cần thiết nhưng không thể vì một số trường hợp rất cá biệt mà tiếp tục duy trì khi điều này ảnh hưởng quá lớn đến nền kinh tế. Chúng ta thấy, các ca mắc mới thường là từ nước ngoài trở về, được cách ly ngay khi nhập cảnh nên khoanh vùng, hạn chế theo khu vực sẽ hợp lý hơn, xét về lâu dài.

Không ai biết, dịch bệnh bao giờ kết thúc nên cần có phương án tối ưu hơn để vừa đảm bảo khả năng hoạt động của mọi đối tượng bên cạnh đảm bảo an toàn sức khoẻ. Tôi mong trong tháng 4 này, các biện pháp hạn chế sẽ được gỡ bỏ.

Nếu như ông nói, đến hết tháng 4, biện pháp cách ly được gỡ bỏ thì bao lâu nữa, nền kinh tế sẽ khôi phục lại hoàn toàn?

Nếu đến hết tháng 4, giải pháp cách ly xã hội được gỡ bỏ thì có thể đến tháng 6, hoạt động kinh doanh sẽ trở lại bình thường. Đương nhiên, để khôi phục lại 100% như ban đầu thì không phải 2 tháng tới là thực hiện được nhưng sẽ nhanh thôi. Điều quan trọng là chúng ta cần phải nhìn tích cực và đúng bản chất của sự việc.

Khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra hoàn toàn khác với khủng hoảng năm 2008. Vì dịch bệnh nên chuỗi cung ứng toàn cầu mới bị gián đoạn, làm ảnh hưởng chung đến hoạt động của mọi đối tượng trong nền kinh tế. Trong khi đó, nhu cầu hoạt động của con người, của doanh nghiệp vẫn như vậy.

Mọi người phải tiết giảm hoạt động nhưng về bản chất, các nhu cầu này không hề mất đi. Tiền trong dân vẫn còn nhưng vì dịch bệnh nên không có cơ hội lưu thông, không giống khủng hoảng của bong bóng tài chính năm 2008.

Khi hết dịch, các hoạt động này sẽ nhanh chóng quay trở lại và hướng đến đà phát triển ổn định như trước. Có rất nhiều ý kiến bàn luận về kịch bản tăng trưởng kinh tế sau dịch sẽ là U, V, W hay L. Và như đã phân tích ở trên, theo tôi, kịch bản tăng trưởng sẽ là V.

Rủi ro bây giờ là do các vùng dịch phân bổ không đồng đều. Làn sóng đầu tiên bắt nguồn từ Trung Quốc. Làn sóng thứ 2 là tại MỹChâu Âu, làn sóng thứ 3 có thể là tại Châu Phi, Mỹ Latinh và các nước Đông Nam Á. Làn sóng dịch bệnh lan rộng tại các quốc gia và khu vực trên toàn thế giới khiến dịch có thể kéo dài đến hết cả quý II/2020.

Nhưng khi Mỹ và Châu Âu đạt đến đỉnh dịch và dần hồi phục đà phát triển thì kinh tế sẽ cơ bản ổn định. Đây là các quốc gia đầu tàu kinh tế nên có khả năng tác động lớn đến các quốc gia khác trong đó có Việt Nam.

Bài toán phát triển kinh tế và bài toán bảo vệ sức khoẻ cộng đồng là bài toán của sự cân đối và tính toán kỹ lưỡng. Giống như bây giờ, vì sự an toàn của nhân viên và toàn xã hội, GEN chọn cách để nhân viên làm việc tại nhà nhưng sau khi dịch Covid-19 qua đi, chúng tôi sẽ ngay lập tức quay trở lại văn phòng, tăng cường làm việc và kết nối với nhau để cùng thực hiện những kế hoạch mới. Kinh tế Việt Nam cũng như vậy, quay trở lại và tạo nên những thành tựu mới. Vì "sau cơn mưa, trời lại sáng"!

Ông Nguyễn Thành Tân

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…