Buộc phải cân đối giữa hậu quả của cuộc khủng hoảng ngân hàng và lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) được nhiều nhà quan sát dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm khi đưa ra quyết định chính sách mới nhất vào chiều 22/3 (giờ địa phương). Động thái này sẽ đưa phạm vi lãi suất chuẩn của Fed lên 4,75% đến 5%, mức cao nhất kể từ năm 2006.
Hỗn loạn trên thị trường ngân hàng
Trong phiên điều trần nửa năm một lần trước Quốc hội Mỹ vào đầu tháng 3, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết dữ liệu kinh tế mạnh mẽ có thể sẽ đưa lãi suất lên cao hơn dự đoán trước đây.
Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, ngân hàng lớn thứ 16 ở Mỹ - ngân hàng Silicon Valley (SVB) - đã bị các nhà chức trách đóng của và Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Mỹ (FDIC) đứng ra tiếp nhận, đánh dấu sự thất bại ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử nước này.
Trong cùng thời gian đó, thêm hai ngân hàng cũng rơi vào tình trạng khó khăn. Cụ thể, ngân hàng Signature công bố phá sản và được ngân hàng New York Community mua lại. Đồng thời, các tổ chức tài chính lớn của Mỹ tung ra gói hỗ trợ trị giá 30 tỷ USD cho ngân hàng First Republic. Nhiều khả năng, First Republic sẽ là ngân hàng thứ 4 của Mỹ phá sản trong tháng 3/2023. Hiện cổ phiếu ngân hàng này đã rơi xuống mức thấp kỷ lục.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, chính động thái tăng lãi suất quá mạnh mẽ của Fed đã góp phần gây ra các sự cố ngành ngân hàng hiện nay. Như vậy, sau một năm chiến đấu với lạm phát thông qua việc tăng lãi suất, Fed đã phải tìm cách giải quyết hệ quả.
Trong tuyên bố mới đây, Fed cho biết sẽ sử dụng các công cụ quản lý để đối phó với sự bất ổn tài chính và tạo ra một cơ sở cho vay khẩn cấp. Nhờ vậy, các ngân hàng có thể duy trì thanh khoản, đáp ứng tất cả các yêu cầu rút tiền của người gửi. Nhìn chung, chương trình đã tạo "lớp giáp" cho tất cả các khoản tiền gửi - cả những khoản được bảo hiểm và không được bảo hiểm - trên toàn hệ thống tài chính Mỹ.
Tính đến nay, các ngân hàng mới vay khoảng 12 tỷ USD từ chương trình, tương đương với một phần nhỏ số tiền gửi đã được rút khỏi ngân hàng Silicon Valley trước khi nó sụp đổ.
Phát biểu trước Thượng viện vào tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết bà đang theo dõi tình trạng căng thẳng trong hệ thống ngân hàng để đảm bảo các vấn đề tại Ngân hàng Silicon Valley và Signature không lan sang các doanh nghiệp khác. Bà Yellen đã đảm bảo với các nhà lập pháp rằng hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn rất khoẻ mạnh bất chấp sự cố gần đây.
Xu hướng tăng chưa chấm dứt
Ngoài việc công bố quyết định lãi suất mới nhất của mình, Fed cũng sẽ tiết lộ báo cáo "Tóm tắt dự báo kinh tế (SEP)" mới vào 22/3, bao gồm các dự báo về lãi suất, lạm phát, thất nghiệp và tăng trưởng kinh tế trong năm nay cũng như kỳ vọng về dài hạn.
“Dù cho Chủ tịch Jerome Powell có thừa nhận về sự không chắc chắn và nhấn mạnh rằng Fed sẵn sàng điều chỉnh chính sách nếu tình hình trong lĩnh vực ngân hàng trở nên tồi tệ hơn, thì điều đó không nhất thiết có nghĩa Fed sẽ ngừng tăng lãi suất trong thời gian tới", ông Andrew Hunter, một nhà kinh tế tại Capital Economics lưu ý.
Nếu cuộc khủng hoảng ngân hàng không xảy ra, rất có thể những con số về lạm phát và việc làm này sẽ khiến Fed tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm. Như ông Jerome Powell đã nói với các nhà lập pháp vào ngày 7/3: "Nếu toàn bộ dữ liệu chỉ ra rằng cần phải thắt chặt nhanh chính sách hơn nữa, thì chúng tôi sẽ sẵn sàng tăng tốc độ tăng lãi suất".
Nhà kinh tế trưởng của Goldman Sachs, Jan Hatzius cho biết rõ ràng có sự không chắc chắn về con đường chính sách của Fed sau tháng Ba. Tuy nhiên, ông Hatzius vẫn giữ nguyên kỳ vọng đối với mức tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào tháng Năm, tháng Sáu và tháng Bảy tới, và cho rằng Fed sẽ chỉ kết thúc lộ trình tăng khi lãi suất quỹ liên bang chạm mức 5,25% đến 5,5%.
Tính đến sáng 21/3, dữ liệu từ CME Group cho thấy các nhà đầu tư vẫn đặt cược gần 85% cơ hội Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm sau khi kết thúc cuộc họp.
Vào ngày 14/3, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 cho thấy giá tiêu dùng không bao gồm thực phẩm và năng lượng tăng 0,5% so với tháng trước, cũng là một mức tăng khiêm tốn so với tháng đầu năm. Trước đó vào 10/3, báo cáo việc làm tháng Hai cho thấy khoảng 311.000 việc làm đã được tạo ra, thấp hơn hẳn 500.000 việc làm được bổ sung vào nền kinh tế trong tháng Giêng.
Đây là những dữ liệu kinh tế mạnh mẽ mà các nhà đầu tư đang đặt cược sẽ buộc Fed tiếp tục tăng lãi suất, mặc dù cần thận trọng do rủi ro ổn định tài chính trong lĩnh vực ngân hàng.