Những máy bay trực thăng Ka-52K này sẽ được triển khai trên tàu đổ bộ trực thăng tấn công (LHD) lớp Type-075.
Lớp tàu đổ bộ này được thiết kế với sàn bay cho phép triển khai trực thăng, máy bay chiến đấu cất cánh thẳng đứng và tăng thiết giáp. PLAN đã hạ thủy 3 chiến hạm lớp Type-075.
Những LHD có trọng lượng giãn nước hơn 40.000 tấn, là chiến hạm đổ bộ lớn nhất sau tàu cùng loại Hải quân Mỹ. Hạm tàu loại này có thể triển khai máy bay trực thăng để đổ quân và hàng hóa, đồng thời vận chuyển xe tăng thiết giáp đổ bộ tấn công bãi biển.
Ngày 20/9, tờ The South China Morning Post dẫn lời nhà nghiên cứu quân sự Zhou Chenming, chuyên gia của Viện khoa học và công nghệ quân sự Yuan Wang ở Bắc Kinh cho biết: "Quân đội Trung Quốc đã nghiên cứu khả năng mua máy bay Ka-52K của Nga từ khá lâu. Tàu đổ bộ trực thăng Type 075 cần máy bay trực thăng tấn công hạng nặng. Ka-52K là trực thăng tấn công trên chiến hạm của Hải quân Nga, có cánh gấp với trọng lượng cất cánh lớn, có thể tiết kiệm không gian và đáp ứng nhu cầu trang bị cho LHD Type 075”.
SCMP dẫn lời một nguồn tin cho biết Trung Quốc không thể sản xuất "trực thăng vũ trang hạng nặng" cho Type-075. Và hy vọng, "khi sở hữu các Ka-52K, công nghiệp quốc phòng Trung Quốc có thể sản xuất được loại máy bay này”.
Ka-52K là phiên bản xuất khẩu của trực thăng tấn công Ka-52 trong biên chế trong quân đội Nga. Ka-52 và Ka-52K đều sử dụng thiết kế cánh quạt đồng trục đặc trưng của dòng trực thăng Kamov, với hai bộ cánh quạt nâng quay ngược chiều nhau, không có cánh quạt đuôi truyền thống.
Các nhà phân tích quân sự cho biết, thỏa thuận mua máy bay Ka-52K của Nga sẽ là thỏa thuận lớn thứ ba của Trung Quốc sau hợp đồng cung cấp máy bay chiến đấu Su-35 và hệ thống tên lửa đất đối không S-400, đánh dấu một mối quan hệ đối tác quốc phòng chặt chẽ hơn giữa hai quốc gia trước những động thái thù địch của Mỹ.
Hãng tin Nga Avia.Pro ngày 17/9 đưa tin, PLA rất quan tâm đến Ka-52K và một phái đoàn Trung Quốc đã đến thăm dây chuyền sản xuất ở Primorye Krai, vùng Viễn Đông Nga.
Avia.Pro cho biết: “Có khả năng một hợp đồng giữa Moscow và Bắc Kinh sẽ được ký kết để cung cấp ít nhất 36 trực thăng Ka-52K cho Hải quân PLA”.
Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV cho biết trước đó, một trong những nhóm quay phim của CCTV đã được mời đến thăm nhà máy.
Ka-52K, hay "Cá mập đen" do Phòng thiết kế Kamov, một công ty sản xuất roto của Nga phát triển cho Hải quân Nga. Đây là biến thể hải quân của trực thăng chiến đấu Ka-52 Alligator với hệ thống điện tử hàng không hiện đại, cho phép dẫn đường và định vị trên biển. Trực thăng được thiết kế chống lại sự ăn mòn của hơi nước trên biển và có thể cất cánh với trọng lượng 12,2 tấn, lớn hơn 1,4 tấn so với Ka-52.
Máy bay trực thăng có cánh quạt đồng trục, có khả năng cơ động linh hoạt và mang theo tải trọng hữu ích lớn hơn. Ka-52K được công bố vào năm 2015. Bộ Quốc phòng Nga đặt hàng 32 máy bay trực thăng loại này. Ka-52K có radar mạnh hơn, cho phép phát hiện mục tiêu cách xa 200km, phóng tên lửa chống hạm hạng nặng có tầm bắn trên 100km.
Tên lửa chống tàu tầm xa hạng nặng
Ka-52K vẫn duy trì tính năng mang tên lửa chống tăng và pháo tự động 30mm để tiêu diệt các mục tiêu bọc thép hạng nhẹ bộ binh và các mục tiêu trên không. Khả năng mang cả tên lửa chống hạm tầm xa và vũ khí chống tăng sẽ khiến Ka-52K trở thành vũ khí tấn công mạnh trong trường hợp bùng phát cuộc chiến với Đài Loan, quốc gia có lực lượng hải quân lớn và lực lượng phòng thủ trên bộ khá mạnh, có thể ngăn chặn một chiến dịch tấn công quy mô lớn của Trung Quốc.
Ka-52K nặng hơn đáng kể so với trực thăng Z-10 bản địa của Trung Quốc có trọng lượng cất cánh tối đa khoảng 7 tấn. Vì Ka-52K nặng khoảng 12 tấn, do có biên chế thiết giáp để bảo vệ phi hành đoàn khỏi hỏa lực đối phương. Cả Ka-52K và Z-10 đều là trực thăng hai động cơ.
Động cơ công suất lớn
Các máy bay trực thăng Z-10 không có khả năng mang tải trọng vũ khí hạng nặng do động cơ WZ-9 có công suất và hiệu quả thấp.
Truyền thông phương Tây cho rằng, động cơ hoạt động kém hiệu quả là một trong những nguyên nhân khiến Pakistan từ chối Z-10 và mua trực thăng tấn công T-129 do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo. Động cơ WZ-9 có công suất 1.300HP, bằng một nửa công suất 2.500HP của động cơ Klimov VK-2500 trang bị cho Ka-52K.
Trung Quốc dự kiến mua trực thăng Ka-52K cho các tàu đổ bộ trực thăng Type 075.
“Một đặc điểm khác của Ka-52K là ghế phóng của nó. Đây là chiếc trực thăng hạng nặng duy nhất trên thế giới có một chiếc” - cựu huấn luyện viên PLA Song Zhongping cho biết.
Bắc Kinh đã đưa vào biên chế chiến hạm Type 075 LHD thứ ba vào tháng 1/2021 và hy vọng sẽ sử dụng các chiến hạm đổ bộ trực thăng làm "tàu sân bay mini".
Những hạm tàu đổ bộ trực thăng đóng vai trò kỳ hạm trong các chiến dịch đổ bộ đánh chiếm đảo và bảo vệ những gì Bắc Kinh gọi là lợi ích cốt lõi, đặc biệt là trên Biển Đông.
“Vấn đề mấu chốt là, các nhà sản xuất máy bay Trung Quốc chưa thể sản xuất loại trực thăng vũ trang hạng nặng, có thể đáp ứng nhu cầu tác chiến của Type 075” - một nguồn tin thân cận với PLA cho biết với điều kiện giấu tên.
Trung Quốc đang phát triển các phiên bản trực thăng Z-8, Z-9 và Z-20 Hải quân cho cả Type 075 và Type 071, nhưng sẽ cần nhiều thời gian để đạt được các mục tiêu đã định”.
Nguồn tin nhấn mạnh: “Thỏa thuận Ka-52K sẽ là đôi bên cùng có lợi với Bắc Kinh và Moscow. Nga cần tiền để phát triển ngành công nghiệp quốc phòng của mình, trong khi Trung Quốc cần thời gian”.