Indonesia: Biến rác thải thành robot trợ giúp người dân trong thời kỳ đại dịch

Một robot tự chế do dân làng và các nhà khoa học Indonesia thiết kế đã tìm thấy một công dụng mới trong thời kỳ đại dịch - mang thức ăn và nụ cười cho những cư dẫn bị cách ly vì Covid-19.

Là một tập hợp được thiết kế từ các vật dụng gia đình như nồi, chảo và một màn hình tivi cũ, robot được đặt tên là “robot Delta” - tên gọi biến thể Covid-19 đang hoành hành tại Indonesia và trên thế giới. 

"Với biến thể Delta mới và số lượng trường hợp Covid-19 gia tăng, tôi quyết định biến robot này thành một ‘nhân viên’ hỗ trợ các dịch vụ công cộng như phun thuốc khử trùng, giao thực phẩm và đáp ứng nhu cầu của những cư dân đang phải tự cách ly“, ông Aseyanto , 53 tuổi, người đứng đầu dự án, cho biết.

Đầu của robot được làm từ nồi cơm điện, và nó được vận hành bằng điều khiển từ xa với thời lượng pin 12 tiếng đồng hồ. Đây là một trong số những robot được sản xuất tại làng Tembok Gede, nơi đã giành được danh tiếng về khả năng xây dựng và sử dụng công nghệ một cách sáng tạo.

Sau khi đi đến nhà của một người dân đang cách ly, loa của robot sẽ phát ra thông điệp "assalamu’alaikum" (Bình an cho bạn), và tiếp theo là “Hàng của bạn đã đến. Hãy mau chóng khỏe lại".

Ngôi làng nằm trong Surabaya, thủ phủ của tỉnh Đông Java và là thành phố lớn thứ hai của Indonesia, nơi đang phải hứng chịu một đợt lây nhiễm Covid-19 khủng khiếp. Indonesia đã trở thành tâm điểm của đợt bùng phát đại dịch ở châu Á và ghi nhận hơn 3,68 triệu ca nhiễm và hơn 108.000 ca tử vong. 

"Robot Delta này rất đơn giản ... Khi tạo ra nó, chúng tôi đã sử dụng hoàn toàn các vật liệu đã qua sử dụng trong khu vực," ông Aseyanto chia sẻ. Một thành viên khác trong nhóm, giảng viên kỹ thuật Benazir Imam Arif Muttaqin, cho biết: “Đối với phần đế, chúng tôi sử dụng khung xe đồ chơi đã cũ.”

CNA

Có thể bạn quan tâm