Khi cổ tức vượt xa thị giá, ai là những "ông vua” hào phóng?

Trong khi phần lớn cổ phiếu trên thị trường èo uột về thanh khoản và lợi nhuận, loạt cái tên tưởng như bị lãng quên như May Phan Thiết, Mai táng Hải Phòng hay Cơ khí Phổ Yên lại “ghi điểm” với mức cổ tức lên đến hàng trăm phần trăm bằng tiền mặt...

Trong khi nhiều cổ phiếu blue-chip chật vật giữ vững lợi nhuận và mức chia cổ tức eo hẹp, một vài mã “vô danh” với thị giá rẻ hơn ly trà đá lại bất ngờ ghi dấu bằng những khoản cổ tức khổng lồ, khiến thị trường phải ngoái nhìn.

Cổ phiếu của Công ty Cổ phần May Xuất khẩu Phan Thiết (mã chứng khoán: PTG) hiện chỉ giao dịch quanh mức 700 đồng/cổ phiếu, thấp hơn cả một ly trà đá vỉa hè. Thế nhưng, doanh nghiệp này lại vừa khiến nhà đầu tư choáng ngợp khi công bố chi trả cổ tức đợt 2/2024 với tỷ lệ lên tới 100% bằng tiền mặt, tức 10.000 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, vào giữa tháng 6 năm nay, PTG cũng đã chi tạm ứng đợt 1 với mức 5.000 đồng/cổ phiếu. Cộng dồn, cổ đông nhận tới 15.000 đồng cho mỗi cổ phiếu tương đương tỷ lệ cổ tức 150%.

Điều này khiến năm 2024 trở thành năm “vàng son” trong lịch sử cổ tức của PTG, vượt xa các mốc cao nhất từng ghi nhận trước đây như 120% của các năm 2017, 2019 hay 2021. Đáng nói, kế hoạch ban đầu của công ty chỉ là trả 100% cổ tức. Tuy nhiên, sau Đại hội đồng cổ đông thường niên vào tháng 4, doanh nghiệp bất ngờ nâng mức chi trả thêm 50%, tận dụng nguồn lợi nhuận lũy kế từ các năm trước.

Ở mức giá 700 đồng/cổ phiếu, cổ đông nắm giữ mã PTG đang được hưởng mức tỷ suất cổ tức lên tới 2.143%, con số có phần “phi thực” nếu so với mặt bằng chung thị trường. Thậm chí, với kế hoạch chia cổ tức năm 2025 là 50% tiền mặt, tỷ suất dự kiến vẫn ở mức 714%, quá cao so với bất kỳ cổ phiếu lớn nào đang niêm yết.

Nếu PTG khiến giới đầu tư sững sờ bởi tỷ lệ cổ tức vượt 21 lần giá cổ phiếu thì một cái tên khác cũng đang lặng lẽ làm điều tương tự, Công ty Cổ phần Phục vụ Mai táng Hải Phòng (mã chứng khoán: CPH). Cổ phiếu CPH hiện chỉ giao dịch ở mức 300 đồng/cổ phiếu trên UPCoM, gần như mất thanh khoản do cổ đông cô đặc. Thế nhưng, công ty vẫn đều đặn duy trì chính sách chia cổ tức tiền mặt từ 20–50% mỗi năm kể từ 2015 đến nay.

Vào giữa tháng 4 vừa qua, CPH tiếp tục thông báo chia cổ tức tiền mặt năm 2024 ở mức 19,6%, tương đương 1.960 đồng cho mỗi cổ phiếu, cao gấp hơn 6,5 lần thị giá. Với 4,4 triệu cổ phiếu lưu hành, công ty dự kiến chi gần 8,6 tỷ đồng cho đợt cổ tức này.

Tình trạng thanh khoản thấp tại CPH phần lớn đến từ cơ cấu sở hữu tập trung. Hiện gần 80% cổ phần đang nằm trong tay 3 cổ đông lớn gồm: Uỷ ban nhân dân Hải Phòng (64,5%), Công ty TNHH Đầu tư Công trình và Thương mại Hoàng Phát (10%) và ông Nguyễn Hồng Lê, Chủ tịch Hội đồng quản trị (5,33%). Với tỷ lệ nắm giữ lớn như vậy, lượng cổ phiếu lưu hành tự do gần như không đủ để tạo sóng thanh khoản.

Trong danh sách chia cổ tức khủng này phải kể đến cả Công ty Cổ phần Vận tải và Chế biến than Đông Bắc (mã chứng khoán: VDB). Ngày 12/5, công ty chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ 35,66%, tương đương mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận được 3.566 đồng. Con số này gây sốc nếu so với thị giá cổ phiếu VDB hiện tại chỉ 900 đồng, tức cổ tức cao hơn gấp gần 4 lần thị giá.

Thế nhưng, điều tréo ngoe là cổ phiếu VDB gần như mất thanh khoản giống các doanh nghiệp ở trên là phần lớn đã rơi vào tay các cổ đông lớn: Tổng công ty Đông Bắc nắm tới 51%, Công ty Cổ phần Công nghiệp Tàu thủy Đông Bắc nắm 10%, phần còn lại chủ yếu do cổ đông nội bộ sở hữu. Với gần 8,7 triệu cổ phiếu đang lưu hành, VDB dự kiến chi gần 31 tỷ đồng cho đợt chia cổ tức này.

Tình cảnh tương tự cũng diễn ra tại Công ty Cổ phần Cơ khí Phổ Yên (mã chứng khoán: FBC). Trong đợt chia cổ tức năm 2023, FBC chi trả tỷ lệ lên tới 200% bằng tiền mặt, tức mỗi cổ phiếu nhận 20.000 đồng, trong khi thị giá chỉ vỏn vẹn 3.700 đồng, nghĩa là cổ tức gấp tới 5,4 lần thị giá.

Tuy nhiên, cổ phiếu FBC vẫn “đóng băng” ở mức 3.700 đồng, không có thanh khoản do bị kiểm soát chặt chẽ: Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) hiện nắm giữ tới 51% vốn điều lệ.

Diễn biến của cổ phiếu FBC trong 5 năm qua

Nếu như VDB và FBC làm giới đầu tư nhỏ lẻ cảm thấy không thể tiếp cận, thì Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (mã chứng khoán: QTP) lại khiến thị trường chú ý vì quy mô trả cổ tức lớn. QTP đã chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2024 với tỷ lệ 10% bằng tiền mặt (1.000 đồng/cổ phiếu), thanh toán vào ngày 27/2. Với 450 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty phải chi ra khoảng 450 tỷ đồng.

Điều đáng nói là trong cơ cấu sở hữu, Tổng công ty Phát điện 1 nắm gần 189 triệu cổ phiếu, tương ứng sẽ nhận về 189 tỷ đồng tiền cổ tức. Ngoài ra, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC) sở hữu gần 73,6 triệu cổ phiếu (nhận 73,6 tỷ đồng), còn SCIC nắm hơn 51,4 triệu cổ phiếu (thu về 51,4 tỷ đồng). Tổng cộng ba cổ đông lớn nhất sẽ hút về gần 70% khoản chi cổ tức.

Nhìn vào danh sách trên có thể thấy trong khi nhiều doanh nghiệp niêm yết đang chật vật vượt qua khó khăn, thắt chặt chi tiêu, giảm cổ tức, thậm chí không chia lợi nhuận, thì những cổ phiếu "cô đặc" như VDB, FBC, hay QTP lại nổi bật với mức chia cổ tức tiền mặt gây sốc. Nhưng nghịch lý là, cơ hội đầu tư vào các “mỏ vàng cổ tức” này lại nằm ngoài tầm với của phần lớn nhà đầu tư cá nhân.

Có thể bạn quan tâm