Theo báo cáo trên, những người bị mất việc gồm các nhân viên làm dưới mặt đất và nhân viên điều hành, những người có hợp đồng lao động sẽ hết hạn vào cuối tháng 10 và trong tháng 2/2018.
Báo cáo cũng cho biết Air Berlin sẽ sớm ngừng hoạt động và chỉ có công ty con Niki của Air Berlin là vẫn tiếp tục điều phối các chuyến bay. Hiện hãng hàng không Air Berlin có khoảng 8.600 nhân viên, trong đó có cả những người làm bán thời gian.
Cuối tháng Chín vừa qua, Verdi, một trong những công đoàn lớn mạnh nhất ở Đức đã lên tiếng kêu gọi Air Berlin và các nhà đầu tư đang thương lượng mua cổ phần của hãng hàng không này lập một quỹ cứu trợ giúp đỡ các nhân viên, cũng như thành lập "một công ty chuyển nhượng" để chuẩn bị công việc mới cho những nhân viên bị sa thải bằng cách cung cấp cho họ các kiến thức chuyên môn, trình độ và vị trí làm việc.
Trước đó ngày 15/8, hãng hàng không lớn thứ 2 của Đức Air Berlin đã đệ đơn xin phá sản lên tòa án Berlin-Charlottenburg do làm ăn thua lỗ cũng như không còn nhận được sự hỗ trợ tài chính từ Etihad Airways, cổ đông chính của hãng này và cũng là một trong những hãng hàng không lớn nhất tại Vùng Vịnh.
Việc tuyên bố phá sản này dự kiến ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động vận tải hàng không ở Đức, nhất là đối với những hành khách đã đặt vé trước. Đây là lý do Chính phủ Đức tuyên bố cấp cho Air Berlin khoản tín dụng khẩn cấp 150 triệu euro để duy trì các chuyến bay theo kế hoạch đến cuối tháng 11/2017.
“Trong khi đó, Air Berlin đã đưa ra thời hạn 15/9 để cho các đối tác quan tâm khác trả giá mua lại cổ phần của tập đoàn này. Hiện nhiều nhà đầu tư đang “xếp hàng” để mua cổ phần của Air Berlin, trong đó hãng hàng không hàng đầu của Đức Lufthansa được cho là đối tác tiềm năng sở hữu phần lớn Air Berlin. Trong khi đó, Chính phủ Đức khẳng định luật cạnh tranh không cho phép bất cứ một hãng hàng không nào sỡ hữu toàn bộ cổ phần của Air Berlin.