Kinh tế Đức liệu có thể thoát khỏi cái mác “kẻ ốm của châu Âu” một lần nữa?

Đã gần hai thập kỷ kể từ khi Đức thoát khỏi cái mác “kẻ ốm của châu Âu” nhờ một loạt cải cách thị trường lao động, mở ra nhiều năm kinh tế vượt trội. Tuy nhiên, cụm từ này lại đang một lần nữa quay lại “ám ảnh” Berlin…

đức 1.jpg

Lạm phát tăng cao và sản lượng trì trệ trong 3 quý liên tiếp đã khiến nền kinh tế lớn nhất châu Âu rơi vào tình trạng ảm đạm. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán, Đức sẽ là nền kinh tế tiên tiến duy nhất suy giảm tăng trưởng trong năm nay - với mức giảm dự báo là 0,3% so với mức tăng trung bình 0,9% của 20 quốc gia sử dụng đồng tiền chung Euro.

Một cuộc suy thoái kéo dài sẽ là kết quả đáng thất vọng đối với nền kinh tế mà, trong thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đã tăng trưởng trung bình 2% một năm, có thặng dư ngân sách trong phần lớn thời gian đó và chứng kiến xuất khẩu bùng nổ.

Theo ông Stefan Kooths, giám đốc nghiên cứu tại Viện Kinh tế Thế giới Kiehl, nước Đức đang phải gánh chịu một loạt các vấn đề riêng lẻ chứ không hẳn là một “căn bệnh” nghiêm trọng.

Một số có thể chỉ là tạm thời, chẳng hạn như suy giảm nhu cầu tiêu dùng, trong khi những vấn đề khác, như dân số già hoá và thuế suất doanh nghiệp cao, là mang tính cấu trúc.

Tình hình này đã khiến một số nhà quan sát một lần nữa gọi Đức là “kẻ ốm của châu Âu”, 25 năm sau khi nước này bị gắn mác tương tự vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000 - giai đoạn được đánh dấu bằng tốc độ tăng trưởng kinh tế mờ nhạt và tỷ lệ thất nghiệp cao.

“Cái mác kẻ ốm của châu Âu lần này có thể không hoàn toàn là sai, nhưng đó là một căn bệnh khác”, ông Stefan Kooths nhận xét.

SỰ BI QUAN TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC

Lạm phát ở Đức vẫn “nóng” hơn so với hầu hết các nước láng giềng châu Âu. Giá tiêu dùng đã tăng 6,2% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm 2022 và cao hơn nhiều so với mức trung bình 5,3% trên toàn khu vực đồng Euro.

“Lạm phát dai dẳng đang làm xói mòn sức mua của người dân, gây ra những "đám mây u ám" trong các hộ gia đình Đức. Và chi tiêu cá nhân và công cộng giảm là nguyên nhân chính dẫn đến suy thoái kinh tế.”, ông Thomas Obst, nhà kinh tế cấp cao tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Cologne cảnh báo.

Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất cơ bản lên mức cao lịch sử là 3,75% để giúp kiềm chế giá cả. Tuy nhiên, chi phí vay cao hơn đã ảnh hưởng nặng nề đến lĩnh vực xây dựng của Đức: Hơn 40% công ty xây dựng tham gia khảo sát của Viện ifo vào tháng trước cho biết các đơn đặt hàng, hợp đồng đều giảm sút ít nhất là 10,8% so với một năm trước đó.

“Lãi suất cao hơn và chi phí xây dựng tăng mạnh đang cản trở hoạt động kinh doanh mới”, ông Klaus Wohlrabe, người đứng đầu cuộc khảo sát tại ifo giải thích.

Lĩnh vực công nghiệp nói chung, trong đó có các nhà sản xuất nổi tiếng của Đức như Volkswagen và Siemens, cũng bị ảnh hưởng. Ước tính chính thức cho thấy sản lượng công nghiệp của nước này trong tháng 6 đã giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở một dữ liệu riêng biệt từ S&P Global, hoạt động kinh doanh của Đức, bao gồm dịch vụ và sản xuất, đã giảm trong tháng 8 với tốc độ nhanh nhất kể từ thời điểm đại dịch tháng 5/2020.

“Sổ đặt hàng công nghiệp của Đức đã trống rỗng trong 12 tháng qua. Xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc rất chậm chạp, thấp hơn nhiều so với trước đại dịch”, ông Carsten Brzeski, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô toàn cầu tại ING tiết lộ với CNN.

Đức.jpg

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Đức nhưng nước này đang phải đối mặt với một loạt vấn đề kinh tế riêng - bao gồm tăng trưởng chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên chạm mức kỷ lục - từ đó làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa.

“Trung Quốc đã trở thành đối thủ cạnh tranh và đơn giản là không cần nhiều hàng hóa do Đức sản xuất như trước đây”, ông Carsten Brzeski chỉ ra.

LIỆU ĐỨC CÓ SỚM VƯỢT QUA ĐƯỢC CÁC THÁCH THỨC?

Một số chuyên gia lập luận rằng đại dịch làm xáo trộn chuỗi cung ứng và cuộc chiến Nga-Ukraine là nguyên nhân gây ra tình trạng khó khăn hiện tại của Đức. Vấn đề về giá khí đốt tự nhiên - đã trở nên đặc biệt nghiêm trọng đối với các quốc gia nặng về sản xuất.

“Cú sốc về giá năng lượng do chiến tranh ở Nga - Ukraine đã tác động đặc biệt nặng nề đến một quốc gia công nghiệp hóa cao như Đức. Nguy cơ phi công nghiệp hóa không chỉ là một cuộc tranh luận mang tính học thuật”, giáo sư Thomas Obst tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Cologne cho biết.

Thực tế, giá khí đốt ở châu Âu tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại vào mùa hè năm ngoái. Mặc dù đã giảm mạnh trong những tháng gần đây nhưng vẫn có nguy cơ tăng trở lại do vấn đề đình công tại các nhà máy khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở Australia đã một lần nữa làm dấy lên lo ngại về tình trạng khủng hoảng nguồn cung toàn cầu.

Các nhà kinh tế nói với CNN, mặc dù đã vượt qua được cuộc khủng hoảng năng lượng năm ngoái một cách tốt hơn mong đợi, nhưng Đức vẫn rất dễ bị tổn thương trước những cú sốc bất ngờ về nguồn cung khí đốt tự nhiên. Một phần là do nước này đã ngừng hoàn toàn hoạt động sản xuất điện hạt nhân, mang lại ít nguồn năng lượng thay thế hơn so với các nước láng giềng như Pháp.

“Dù phải chịu nhiều ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài, nhưng một số vấn đề nhức nhối của kinh tế Đức lại từ chính họ gây ra. Đức đã không thực hiện bất kỳ cải cách kinh tế nào trong 10 năm qua. Họ đã tụt lại phía sau trong tất cả các bảng xếp hạng quốc tế khi nói đến số hóa, cơ sở hạ tầng, khả năng cạnh tranh quốc tế và giờ Đức đang nhận ra thực tế này”, ông Carsten Brzeski bày tỏ quan điểm.

Tuy nhiên, nhà kinh tế học Holger Schmieding, người đầu tiên đã gọi kinh tế Đức là “kẻ ốm của châu Âu” vào năm 1998, lại cho rằng làn sóng bi quan hiện nay đối với nền kinh tế Đức là hơi quá mức.

đức 3.jpg

Đức rõ ràng đang ở vị thế mạnh hơn nhiều so với thời điểm thập niên 90, theo ghi chú của ông Schmieding trong một báo cáo nghiên cứu vào tuần trước. “Ngày nay Đức có mức việc làm kỷ lục và nền tài chính công mạnh mẽ khiến việc điều chỉnh trước các cú sốc kinh tế trở nên dễ dàng hơn nhiều. Chính phủ cũng đang thực hiện các bước cần thiết để cải cách luật nhập cư nhằm giúp giải quyết tình trạng thiếu lao động, đồng thời đẩy nhanh quá trình lập kế hoạch và phê duyệt các dự án cơ sở hạ tầng”, ông Schmieding nêu rõ.

Trên thực tế, Đức đã cho thấy họ có thể hành động kịp thời: Năm ngoái, nước này đã phê duyệt và xây dựng một trạm LNG chỉ trong vòng vài tháng để giúp nước này phá vỡ sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.

Ông Schmieding lập luận rằng khả năng thích ứng đó là điều khiến Đức khác biệt với nhiều nền kinh tế khác, có thể là nhờ số lượng lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng phản ứng nhanh chóng trước bối cảnh cạnh tranh đang thay đổi. “Đức là nhà vô địch không thể tranh cãi trong số “các nhà vô địch ẩn” của thế giới”, nhà kinh tế Holger Schmieding lưu ý.

Xem thêm

Kinh tế Đức bước vào thời kỳ suy thoái

Kinh tế Đức bước vào thời kỳ suy thoái

Dữ liệu từ Văn phòng thống kê Đức cho thấy kinh tế nước này đã suy giảm nhẹ trong quý 1/2023 so với quý liền trước. Theo đó, nước Đức bắt đầu bước vào thời kỳ suy thoái…

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…