Kinh tế Việt Nam “vượt bão” ngoạn mục, tăng trưởng GDP có thể về đích đúng hẹn

VEPR cho rằng, ở kịch bản thuận lợi, GDP quý 4 dự kiến sẽ giữ đà tăng trưởng ở mức 7,4%, giúp cả năm đạt mục tiêu 7% như Chính phủ đề ra...

Toàn cảnh Tọa đàm “Đối thoại chính sách: Phục hồi tăng trưởng – Triển vọng và thách thức”

Ngày 15/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), thuộc Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp cùng Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Đối thoại chính sách: Phục hồi tăng trưởng – Triển vọng và thách thức”.

2 KỊCH BẢN TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VIỆT NAM 2024

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách đã có cái nhìn tổng quan về bức tranh kinh tế Việt Nam trong quý 3 và 9 tháng đầu năm 2024. Theo ông Việt, kết thúc quý 3, nền kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi đáng kể, với niềm tin vào triển vọng tăng trưởng toàn cầu vào cuối năm 2024 và năm 2025.

GDP 9 tháng đầu năm nay tăng trưởng ấn tượng, đạt 6,82%, cao hơn 1,5 lần so với mức 4,4% của cùng kỳ năm ngoái, trong đó khu vực công nghiệp và dịch vụ đóng vai trò chủ đạo. Trên phương diện tổng cầu, sự khởi sắc của thương mại cùng dòng vốn FDI tích cực đã trở thành những động lực chính thúc đẩy nền kinh tế.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)

“Đáng chú ý, xuất nhập khẩu hàng hóa vượt xa kỳ vọng, với tổng kim ngạch đạt 578,5 tỷ USD, tăng mạnh 16,3% so với cùng kỳ, và xuất siêu đạt mức 20,8 tỷ USD. Có thể đánh giá, đây là một thành tích xuất sắc trong giai đoạn 2020-2024,” ông Việt nhấn mạnh.

Tuy vậy, báo cáo của VEPR cũng chỉ ra rằng chi tiêu của người tiêu dùng vẫn chưa quay lại mức trước đại dịch, trong khi áp lực lạm phát nửa đầu năm 2024 đã phần nào kìm hãm đà tăng trưởng của vốn đầu tư.

Điểm sáng là thu ngân sách nhà nước vượt kế hoạch, trong khi chi tiêu công giảm so với cùng kỳ năm 2023, dẫn đến ngân sách tiếp tục đạt thặng dư cao, tạo ra dư địa tài khóa lớn. Điều này mở ra cơ hội tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ như miễn, giảm thuế, đặc biệt trong bối cảnh nhiều ngành chịu ảnh hưởng từ bão Yagi.

Bên cạnh đó, thương mại ghi nhận những bước tiến tích cực, vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục, du lịch bùng nổ trở lại, và tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại liên tục giảm, thấp hơn nhiều so với mức trần của Ngân hàng Nhà nước.

Tốc độ tăng cung tiền và tăng trưởng tín dụng phục hồi khá tốt, góp phần tích cực vào tăng trưởng và đầu tư, mặc dù vẫn thấp hơn nền trung bình những năm trước đại dịch Covid-19. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các chính sách tiền tệ linh hoạt tương đối thành công giai đoạn vừa qua để giảm các “cú sốc” và can thiệp thanh khoản, giúp hạ nền lãi suất, hỗ trợ chi phí vốn cho nền kinh tế mà không cần can thiệp lãi suất điều chỉnh.

Trong bối cảnh cơ hội và thách thức đan xen, VEPR đã đưa ra hai kịch bản tăng trưởng cho năm 2024. Ở kịch bản cao, GDP quý 4 dự kiến sẽ giữ đà tăng trưởng ở mức 7,4%, giúp cả năm đạt mục tiêu 7% như Chính phủ đề ra. Trong kịch bản thấp, GDP quý 4 có thể giảm xuống dưới 7%, và tăng trưởng cả năm sẽ dao động quanh mức 6,84%.

NHỮNG THÁCH THỨC CỦA NỀN KINH TẾ

Mặc dù kinh tế quý 3 và 9 tháng đầu năm 2024 ghi nhận nhiều điểm sáng, song ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cảnh báo kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với không ít rủi ro và thách thức. Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) đã suy giảm, xuống dưới 50 điểm vào tháng 9/2024. Thêm vào đó, tỷ lệ doanh nghiệp rời bỏ thị trường tiếp tục cao hơn so với số doanh nghiệp gia nhập, cùng với tiêu dùng trong nước và giải ngân đầu tư công chưa đạt như mong đợi.

Tính đến hết 9 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước, với ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ, ghi nhận mức tăng trưởng 16,7%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng vẫn chưa trở lại mức trước đại dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Quốc Việt nhận định thêm rằng, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vốn là động lực chính của tăng trưởng tại các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại trong quý 3/2024.

"Theo đó, cần nghiên cứu kỹ các dòng chảy dòng vốn FDI trên thế giới nói chung và vào Việt Nam nói riêng để có chính sách đối ứng trong thời gian tới" - Phó Viện trưởng VEPR chia sẻ.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, nếu năm nay không đạt được mục tiêu phát triển tốt thì ảnh hưởng tới những năm sau. Thành tựu quý 3 năm nay tạo cho chúng ta niềm tin cho phục hồi và phát triển tiếp cho những năm tới.

“Tuy nhiên tăng trưởng trong quý 3 vẫn dựa vào xuất khẩu nhờ bàn tay của doanh nghiệp FDI. Bao năm nay có động lực từ tiêu dùng trong nước và đầu tư chưa được tăng nhiều do ảnh hưởng của thời Covid tới giờ”, bà Lan nêu rõ.

Bên cạnh đó, sự kém phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước và các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) đã cản trở nỗ lực của quốc gia trong việc trên bản đồ chuỗi giá trị toàn cầu, gia tăng khoảng cách giữa khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp bản địa, tạo ra cái mà nhiều người quan ngại gần đây là hai nền kinh tế song song tồn tại.

Môi trường kinh doanh vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, với các rào cản về điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính không chỉ chưa được giảm thiểu mà còn có xu hướng gia tăng, do động lực cải cách từ các bộ, ngành đang suy yếu.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong năm 2023 cũng như 6 tháng đầu năm 2024, dường như rất ít nỗ lực hay sáng kiến cải cách từ địa phương nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Thực trạng này cũng phần nào đã được phản ánh qua cảm nhận của doanh nghiệp theo khảo sát Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) được công bố trong năm 2024.

Báo cáo của VEPR cũng chỉ ra các thách thức từ xu hướng phân mảnh kinh tế - chính trị toàn cầu và tác động của biến đổi khí hậu, làm giảm cầu bên ngoài và ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng của Việt Nam. Chi phí sản xuất tăng cao đang làm giảm năng lực cạnh tranh xuất khẩu, trong khi việc chuyển dịch mô hình tăng trưởng và cải cách thể chế dù có tiến bộ nhưng vẫn chậm chạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với môi trường kinh doanh, khiến doanh nghiệp trong và ngoài nước e ngại.

Dữ liệu về doanh nghiệp cũng phản ánh tình hình này. Trong 9 tháng năm 2024, hơn 183 nghìn doanh nghiệp mới đăng ký hoặc trở lại hoạt động, vượt qua mức cả năm của giai đoạn 2018-2021. Tuy nhiên, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng vẫn duy trì ở mức cao, với 163,76 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động, tăng mạnh từ năm 2020.

Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Cơn bão Yagi vào tháng 9 vừa qua đã gây ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ phục hồi kinh tế của Việt Nam trong quý 3 và cả thời gian còn lại của năm 2024 và cả sang đầu 2025. Sự thiệt hại ngoài sức tưởng tượng của cơn bão chứng minh rõ ràng biến đổi khí hậu đang tác động toàn diện và sâu sắc đến quá trình phát triển kinh tế và an ninh trên toàn cầu.

Việt Nam là một trong những quốc gia được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai các chính sách nhằm ngăn chặn và giảm thiểu phát thải khí nhà kính, đảm bảo thực hiện đúng các cam kết của COP26 và COP28.

Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đồng ý rằng các thách thức trong những tháng cuối năm 2024 vẫn rất lớn. Đặc biệt, thiệt hại do cơn bão Yagi gây ra vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cả doanh nghiệp và người dân. Việc triển khai nhanh chóng các chính sách hỗ trợ sau bão là cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Có thể bạn quan tâm