Ký túc xá Chính phủ: Chút hy vọng mong manh về nhà ở của giới trẻ Hồng Kông

Là một trong những khu vực bất động sản đắt đỏ nhất thế giới, Hồng Kông hiện đang nỗ lực thúc đẩy các mô hình ký túc xá thanh niên để hỗ trợ giới trẻ tìm kiếm một nơi ở phù hợp…
Ký túc xá Chính phủ: Chút hy vọng mong manh về nhà ở của giới trẻ Hồng Kông

Đối với hầu hết những người trẻ tuổi phương Tây, việc rời khỏi nhà bố mẹ khi đã trưởng thành và đi làm là điều tất yếu, nhưng tại Hồng Kông - thành phố nổi tiếng với tình trạng thiếu nhà ở kinh niên - đó thường là một giấc mơ gần như khó có thể thành hiện thực. 

Anh Silver Ho, một trợ lý tạo mẫu tóc 26 tuổi, người đã quá mệt mỏi với việc tranh cãi với cha mẹ hàng ngày, tự nhận mình một trong những người may mắn khi giành được một chỗ tại “nhà trọ thanh niên", một dạng ký túc xá được chính quyền Hồng Kông trợ cấp cho người trẻ tuổi.

Căn phòng rộng 22 mét vuông mà anh sẽ chia sẻ với một người bạn khác chỉ nhỏ hơn một chút so với căn nhà công cộng của gia đình anh. 

Anh Ho cũng chỉ phải trả mức giá thuê 4.400 HKD (khoảng 560 USD) mỗi tháng, rẻ hơn 27% so với một căn hộ chia nhỏ thông thường trong cùng khu phố. Những căn hộ có vách ngăn như vậy thường không có phòng tắm cá nhân và hầu như không đủ lớn để kê một chiếc giường đôi. 

Hồng Kông

Chương trình “BeLIVING”, được đẩy mạnh vào năm ngoái bởi chính quyền Hồng Kông nhằm giải quyết sự thất vọng của giới trẻ về nhà ở - một yếu tố mà Bắc Kinh tin rằng đã góp phàn gây ra các cuộc biểu tình làm rung chuyển Hồng Kông vào năm 2019.

Chương trình cũng được đưa ra nhằm mục đích hỗ trợ những công dân trẻ có trách nhiệm và tạo cơ hội để họ phát triển bản thân. Những người nộp đơn cho ký túc xá BeLIVING đã vượt xa số lượng phòng có sẵn với tỷ lệ 5:1.

Các ứng viên tham gia đăng ký - những người phải dưới 31 tuổi với mức thu nhập dưới 25.000 HKD (khoảng 3.200 USD) một tháng và có tài sản dưới 380.000 HKD (khoảng 48.000 USD) - sẽ được chọn sau một vài vòng phỏng vấn. Họ cũng được yêu cầu thực hiện 200 giờ phục vụ cộng đồng mỗi năm hoặc các hoạt động được phê duyệt khác để có thể giữ phòng trọ của mình. 

Hồng Kông

Đối với anh Silver Ho, có được một phòng tại ký túc xá BeLIVING có nghĩa là độc lập và tiết kiệm thời gian đi lại. Đây là nơi đầu tiên được chuyển đổi từ một khách sạn tọa lạc tại vị trí thuận tiện trong khu thương mại sầm uất của Vịnh Causeway và không giống như khu ký túc xá thanh niên khác của thành phố. Giống như anh Ho, chị Chelsea Tung, 23 tuổi, một cư dân mới của BeLIVING coi việc chuyển tới đây vừa là cơ hội để sống với bạn trai và vừa để dành tiền mua căn hộ trong tương lai. 

Theo công ty nghiên cứu Demographia, Hồng Kông một trong những thị trường nhà ở đắt đỏ nhất thế giới trong 13 năm liên tiếp, và những điều này được cho là nguyên nhân gây ra hầu hết các vấn đề xã hội của thành phố.

Mặc dù Hồng Kông đã triển khai các đơn vị nhà ở công cộng dành cho người thu nhập thấp nhưng thời gian để chờ đợi trung bình lên đến 5,3 năm. Các hộ gia đình và người già thường được ưu tiên hơn, vì vậy cơ hội cho một người trẻ độc thân là gần như bằng không.

Chương trình ký túc xá thanh niên của Hồng Kông thực chất đã được ra mắt từ năm 2011 nhưng chỉ mới có thêm động lực sau khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm thành phố vào tháng 7/2021 và cho biết chính quyền phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết các vấn đề về nhà ở và việc làm cho giới trẻ. 

Hồng Kông

Hồng Kông đặt mục tiêu cung cấp 3.000 phòng trong 5 năm tới thông qua việc chuyển đổi khách sạn thành ký túc xá, và sẽ dần vượt lên 3.400 phòng Theo chương trình hoặc các dự án tái phát triển tài sản thuộc sở hữu của một số tổ chức phi lợi nhuận.

Nhưng hiện tại, chương trình BeLIVING vẫn phải đối mặt với nhiều trở ngại. 

Thứ nhất, là khó có thể xây dựng thêm ký túc xá chung vì các khách sạn, trước đây bị ảnh hưởng nặng nề bởi ba năm đại dịch, hiện đang thấy nhu cầu trở lại. 

Thứ hai, các nhóm phi lợi nhuận điều hành ký túc xá cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một mô hình tài chính bền vững, bởi tất cả thu nhập đến từ việc cho thuê của họ đều dành cho việc bảo trì tòa nhà và quản lý dự án.

Hồng Kông

Carrie Wong, giám sát viên của Liên đoàn các nhóm thanh niên Hồng Kông cho biết: “Chúng tôi cần nghĩ cách cắt giảm chi phí và gây quỹ để tiếp tục hoạt động”. 

Trong khi đó, một cuộc khảo sát của Liên minh Quyền nhà ở Thanh niên được công bố vào tháng 5 cho thấy các ký túc xá nói trên không có sức hấp dẫn với 90% số người được khảo sát. Thay vào đó, hầu hết các thanh niên đều đang ưu tiên tiết kiệm tiền để mua căn hộ cho riêng mình vào một ngày nào đó.

Ông Ngai Ming Yip, giáo sư nghiên cứu về nhà ở và đô thị tại Đại học Thành phố Hồng Kông nhận xét rằng kế hoạch ký túc xá sẽ chỉ có tác dụng cung cấp một giải pháp hạn chế và giảm bớt sự thất vọng ở giới trẻ đối với chính quyền. "Căn nguyên của các vấn đề xã hội ở Hồng Kông không chỉ là nhà ở. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng nó còn liên quan đến quan điểm của giới trẻ đối với cơ hội, triển vọng, chính trị, dân chủ, hầu như là tất cả mọi thứ…”, ông Ngai lưu ý. 

Có thể bạn quan tâm