Giữ tinh thần luôn lạc quan, yêu đời sẽ giảm nguy cơ bị đột quỵ
Ngoài tỷ lệ tử vong lến đến hơn 50% thì 90% số người sống sót sau đột quỵ phải sống chung với các di chứng về thần kinh và vận động. Số người mắc tăng cao cũng khiến ngành y tế hàng năm phải chi đến hơn 48 triệu/USD, tương đương hơn 1.070 tỉ đồng để điều trị.
Đó là những con số được các chuyên gia, bác sĩ cung cấp tại sự kiện “Thảo Dược Xanh – Hỗ trợ ngăn ngừa đột quỵ” do Công ty CP Đầu tư Thảo Dược Xanh phối hợp với Công ty CP Dược Nature Việt Nam tổ chức mới đây, khiến ai cũng giật mình.
ThS.BS Quan Vân Hùng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ 4T, Viện Y dược học TP.HCM, cho biết: Đột quỵ là một trong những bệnh nguy hiểm nhất thế giới. Nguy cơ thường xảy đến với những người có các bệnh lý cao huyết áp, tiểu đường, bệnh lý về tim mạch (xơ vữa động mạch, mỡ máu, bệnh mạch máu ngoại biên…
Những người có lối sống không lành mạnh: lười vận động, béo phì, ăn nhiều thức ăn có cholesterol cao, nghiện bia rượu, thuốc lá, căng thẳng thần… cũng có nguy cơ cao bị đột quỵ.
“Điều đó có nghĩa là nếu chúng ta hạn chế được những nguy cơ trên thì sẽ kéo giảm được tỷ lệ đột quỵ. Tuy nhiên, nó hoàn toàn không đơn giản, vì cuộc sống càng hiện đại thì nguy cơ lại càng tăng lên”, bác sĩ Hùng nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Hùng, cả y học cổ truyền và y học hiện đại đều có những liệu pháp riêng để phòng ngừa và chữa trị đột quỵ, hoặc là kết hợp cả hai. Riêng trong lĩnh vực y học cổ truyền, bác sĩ Hùng với vai trò là Chủ nhiệm Câu lạc bộ 4T đã nhiều năm theo đuổi, tuyên truyền mọi người áp dụng liệu pháp 4T để phòng ngừa đột quỵ.
4T, theo ông Hùng gồm: Tinh thần, thực phẩm, tập luyện và thuốc. Trong “T” thứ nhất là tinh thần, tâm lý liệu pháp, ông Hùng khuyên mọi người đơn giản hóa cuộc sống, giảm tham sân si, sống vị tha, trong các mối quan hệ lẫn nhau cần tôn trọng, tương trợ, tha thứ, thân thương.
“Khi lên cơn giận cần hóa giải ngay bằng nhiều cách, chẳng hạn như bỏ đi chỗ khác, nhắm mắt - hít thở sâu dài (thở bụng), dùng tư duy tích cực là giải pháp tối ưu để phòng ngừa đột quỵ”, ông Hùng nhấn mạnh.
Ở chữ “T” thứ hai là thực phẩm, theo ông Hùng, cần thực hiện chế độ ăn cân bằng kiềm - toan (hơi kiềm) ở mức pH = 7,35 -7,45. Mọi người cũng nên dùng gạo lức, nhóm thực phẩm hữu cơ tươi sống, nhiều rau củ quả, đậu, trái cây, nước kiềm… đồng thời hạn chế gạo trắng, đường sữa, thực phẩm chế biến đông lạnh, thực phẩm công nghiệp (đồ hộp)…
“Ngay trong cách ăn cũng cần chú ý nhai kỹ, hạn chế nước đá lạnh”, bác sĩ Hùng lưu ý.
“T” thứ ba là tập dưỡng sinh với việc chọn các môn tập nhẹ nhàng, chậm, không tranh đua như đi bộ chậm, thái cực quyền, yoga… Trong lúc tập luyện thì luôn luôn kết hợp thở sâu.
Chữ “T” cuối cùng mới là thuốc. Theo bác sĩ Hùng, bất đắc dĩ lắm mới phải dùng thuốc nhưng với những người có nguy cơ cao bị đột quỵ thì cần uống liên tục các thuốc Tây đặc trị cao huyết áp và tiểu đường, tuyệt đối không được cắt ngang, chỉ có thể giảm liều dần khi bệnh đã ổn định và có hướng giảm bệnh. Khi giảm thuốc phải theo dõi thật sát huyết áp, đường huyết.
“Với T1, T2, T3 là những liệu pháp đòi hỏi sự kiên trì, thậm chí là phải áp dụng suốt cuộc đời nhưng sẽ có tác dụng rất rõ rệt để giảm bệnh tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch một cách căn cơ. Người bệnh có thể tiến tới không cần đến “T” thứ tư, nghĩa là tiến đến bỏ thuốc hẳn”, bác sĩ Hùng nhấn mạnh, đồng thời kết luận: “Bác sĩ tốt nhất là chính mình”.
Ngô Kiếm