Meta tiếp tục cắt giảm 10.000 việc làm trong năm nay

Meta sẽ cắt giảm thêm 10.000 việc làm trong năm nay khi ngành công nghệ chuẩn bị đối mặt với các thách thức kinh tế sâu sắc…
việc làm

Dự định cắt giảm việc làm mới nhất của Meta Platforms được dự đoán là một phần của quá trình tái cấu trúc bộ máy công ty. Trong đó bao gồm việc loại bỏ kế hoạch tuyển dụng 5.000 vị trí mới, tạm ngừng các dự án có mức độ ưu tiên thấp và giảm bớt các lớp quản lý cấp trung.

Ngay sau tin tức về việc cắt giảm 10.000 nhân sự trong năm nay, cổ phiếu công ty đã tăng vọt 6% vào cuối phiên giao dịch 14/3.

Vào cuối năm 2022, Meta đã sa thải hơn 11.000 việc làm, tương đương 13% lực lượng lao động của công ty, để ứng phó với tình hình kinh tế khó khăn.

Những lo lắng về suy thoái kinh tế do lãi suất tăng đã dẫn đến tình trạng cắt giảm việc làm hàng loạt trên khắp các công ty Mỹ trong những tháng gần đây. Theo trang web theo dõi Layoffs.fyi, các công ty công nghệ đã sa thải hơn 290.000 nhân sự kể từ đầu năm 2022.

Trong một tin nhắn gửi nhân viên vào 14/3, CEO Meta Mark Zuckerberg cho biết hầu hết các đợt cắt giảm mới sẽ được công bố trong hai tháng tới, mặc dù trong một số trường hợp sẽ là vào cuối năm.

"Trong phần lớn lịch sử của công ty, chúng ta đã chứng kiến doanh thu tăng trưởng nhanh chóng qua từng năm và có đủ nguồn lực để đầu tư vào nhiều sản phẩm mới. Nhưng năm ngoái là một hồi chuông cảnh tỉnh”, Mark Zuckerberg viết. "Tôi nghĩ chúng ta nên chuẩn bị cho khả năng thực tế kinh tế mới này vẫn sẽ kéo dài trong nhiều năm tới”. 

CEO Meta cũng cho biết thêm về kế hoạch tiếp tục giảm quy mô của bộ phận tuyển dụng, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt sa thải tháng 11. Việc tái cấu trúc trong bộ phận công nghệ sẽ được công bố vào cuối tháng 4 và cắt giảm đối với các bộ phận kinh doanh sẽ diễn ra vào tháng 5.

Với lần cắt giảm mới nhất, Meta dự kiến chi phí vào năm 2023 sẽ vào khoảng từ 86 tỷ đến 92 tỷ USD, thấp hơn so với mức dự báo 89 tỷ đến 95 tỷ USD. 

Trước đó, Meta cũng tiết lộ kế hoạch tìm kiếm các lựa chọn thay thế chiến lược cho Kustomer - một công ty dịch vụ khách hàng mà Meta đã mua lại vào năm ngoái.

Công ty cũng quyết định giải tán nhóm Thử nghiệm sản phẩm mới (NPE) của skunkworks và điều chuyển người đứng đầu Ime Archibong sang làm việc cho bộ phận Messenger, theo một bản ghi nhớ nội bộ mà Reuters có được.

Bên cạnh những mối đe dọa lớn trong hoạt động kinh doanh quảng cáo kỹ thuật số, Meta đang vật lộn với các thay đổi về quyền riêng tư của Apple và sự cạnh tranh từ các ứng dụng video ngắn như TikTok.

Mặc dù vậy, giám đốc điều hành Mark Zuckerberg vẫn tìm cách thúc đẩy đầu tư vào mảng thế giới ảo. Đến nay, Meta đã rót hàng tỷ USD vào đơn vị Phòng thí nghiệm thực tế theo định hướng metaverse. Nhưng chỉ riêng năm 2022, đơn vị này đã chịu lỗ tới 13,7 tỷ USD.

Các nhà đầu tư nay càng cảm thấy lo ngại với cách chi tiêu hào phóng của Mark Zuckerberg cho metaverse, bất chấp tăng trưởng doanh thu từ các hoạt động kinh doanh cốt lõi của Meta đã giảm mạnh. 

Nhà phân tích Susannah Streeter của Hargreaves Lansdown cho biết, đợt thu hẹp quy mô mới nhất cho thấy công ty tuyệt vọng đến mức nào trong việc kiểm soát chi phí. "Thực tế ảo là một lĩnh vực  đắt đỏ. Vì vậy, nếu muốn được tiếp tục vạch ra các chiến lược cho tương lai, Meta buộc phải tìm hiệu suất ở những nơi khác”, bà Streeter lưu ý. 

Nhưng trong bản ghi nhớ mới đây, CEO Mark Zuckerberg lại ít đề cập đến lĩnh vực thực tế ảo và thay vào đó nhấn mạnh vào AI. Ông Zuckerberg nói rằng khoản đầu tư lớn nhất của Meta sẽ là để thúc đẩy AI và hứa hẹn sẽ tích hợp nó vào mọi sản phẩm của công ty. 

Tuy nhiên, Meta vẫn đang khá chậm trễ trong cuộc đua AI hiện nay. Dù đã giới thiệu một công cụ hỗ trợ sáng tạo có thể tạo hình ảnh, video và văn bản nhưng Meta vẫn chưa đưa bất kỳ tính năng nào vào các công cụ của mình. Trong khi đó, các công ty đối thủ như Microsoft và Alphabet đều đã ra mắt các sản phẩm và chatbot AI “gây bão” cộng đồng mạng trong những tháng gần đây.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Nền kinh tế thú cưng 3.0 tại Trung Quốc

Nền kinh tế thú cưng 3.0 tại Trung Quốc

Ngành công nghiệp thú cưng tại Trung Quốc đang bước vào giai đoạn 3.0 với sự bùng nổ của các dịch vụ cao cấp như chăm sóc sức khỏe, phụ kiện cá nhân hóa và trải nghiệm độc đáo…

Hermès vững vàng trước “sóng lớn”

Hermès vững vàng trước “sóng lớn”

Bất chấp bối cảnh thị trường đầy biến động, thương hiệu Pháp Hermès vẫn ghi nhận doanh thu quý 4/2024 tăng mạnh vượt dự báo và tiếp tục khẳng định vị thế hàng đầu trong ngành xa xỉ….

Thuế quan có thể đẩy giá xe ô tô tại Mỹ lên cao

Thuế quan có thể đẩy giá xe ô tô tại Mỹ lên cao

Người tiêu dùng Mỹ có thể sẽ phải chi thêm hàng nghìn USD khi mua ô tô mới nếu kế hoạch áp thuế đối với Mexico và Canada của Tổng thống Mỹ Donald Trump được thực thi, theo dữ liệu từ ngân hàng Benchmark Co…

Gen Z Trung Quốc vung tiền cho “tiêu dùng cảm xúc”

Gen Z Trung Quốc vung tiền cho “tiêu dùng cảm xúc”

Người tiêu dùng trẻ tuổi Trung Quốc đang ngày càng ưa chuộng xu hướng mua sắm dựa trên cảm xúc, thúc đẩy một làn sóng chuyển dịch trong thái độ tiêu dùng và dự kiến sẽ sớm trở thành một điểm nóng đáng chú ý trong tương lai…

Doanh nghiệp đường Thái Lan “gặp hạn” tại Trung Quốc

Doanh nghiệp đường Thái Lan “gặp hạn” tại Trung Quốc

Trung Quốc đã tạm ngừng nhập khẩu siro đường và bột pha sẵn từ Thái Lan, khiến hàng hóa bị mắc kẹt tại các cảng biển và có nguy cơ gây ra thiệt hại lên tới 1 tỷ baht (khoảng 29,5 triệu USD) cho các doanh nghiệp xứ Chùa Vàng…