Hội đồng quản trị Tập đoàn Novaland dự kiến trình cổ đông phương án phát hành hơn 975 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá không thấp hơn 10.000 đồng/cp.
Số tiền hơn 9.750 tỷ đồng thu được, Tập đoàn Novaland dự kiến góp vào công ty con để tái cơ cấu nợ và thanh toán các khoản nợ phải trả đến hạn của tập đoàn; thực hiện các dự án mà công ty con là chủ đầu tư; thanh toán các khoản thuế và khoản phải nộp nhà nước và bổ sung vốn lưu động.
Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng dự kiến phát hành 1,95 tỷ cổ phiếu với tỷ lệ phát hành 1:1 cho cổ đông hiện hữu. Giá chào bán cũng sẽ không thấp hơn 10.000 đồng/cp. Việc cháo bán sẽ diễn ra ngay trong năm nay sau khi được cổ đông thông qua.
Số tiền thu được tối thiểu là 19.501 tỷ đồng sẽ được dùng để tái cơ cấu nợ và thanh toán các khoản nợ phải trả đến hạn của công ty; thanh toán chi phí lương cho cán bộ nhân viên; chi phí vận hành chung và thực hiện các dự án do công ty là chủ đầu tư.
Trong trường hợp cả hai phương án phát hành đều được thông qua và thực hiện, vốn điều lệ của Tập đoàn Novaland sẽ tăng gấp khoảng 2,5 lần so với hiện nay (từ gần 19.500 tỷ lên 48.700 tỷ đồng).
Ngoài các phương án chào bán, Hội đồng quản trị Tập đoàn Novaland cũng dự định trình lên phương án phát hành cổ phiếu ESOP với số lượng tối đa 1,5% số cổ phần đang lưu hành của công ty tại thời điểm phát hành. Thành viên Hội đồng quản trị và người lao động theo danh sách được phê duyệt sẽ là người được quyền mua ESOP. Giá chào bán cũng không thấp hơn 10.000 đồng/cp. Thời gian chào bán đến hết năm 2024.
Cổ đông Tập đoàn Novaland cũng được lấy ý kiến thông qua việc miễn nhiệm 2 thành viên Hội đồng quản trị là ông Bùi Xuân Huy và bà Hoàng Thu Châu đã nộp đơn từ nhiệm trước đó, đồng thời thông qua quy chế bầu cử Thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2021-2026, cụ thể sẽ tiến hành bầu bổ sung 2 thành viên cho nhiệm kỳ 2021– 2026.
Các nội dung đáng chú ý khác trình cổ đông cho ý kiến khác là ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định việc thương lượng, điều chỉnh các điều kiện, nội dung liên quan đến các khoản huy động vốn, cơ cấu lại các khoản huy động đã thực hiện và việc thực hiện mua bán tài sản, hoán đổi tài sản. Thêm vào đó, công ty xin ý kiến về việc thông qua bảo lãnh thanh toán cho các công ty con, công ty liên kết có khoản phải trả.
Tập đoàn Novaland đang thực hiện một cuộc tái cấu trúc mạnh mẽ diễn ra ngay từ đầu năm 2023. Đây là cuộc tái cấu trúc lần 2 của tập đoàn này. Trên website của mình, Tập đoàn Novaland cũng đã chính thức thông báo rằng, việc tái cấu trúc được diễn ra trên 3 trụ cột chính Novaland, Nova Services, Nova Consumer.
Tập đoàn Novaland cũng đã thuê đội ngũ chuyên gia hàng đầu của EY - Parthenon, Công ty luật YKVN… đánh giá tổng thể tình hình và đưa ra các giải pháp tái cấu trúc toàn diện. Tuy nhiên, việc tái cấu trúc sẽ cần nguồn vốn lớn và thời gian dài.
Theo đề án tái cấu trúc, ông Bùi Thành Nhơn sẽ trở lại với cương vị là Chủ tịch Hội đồng quản trị Novaland. Nói về việc trở lại ghế nóng vào thời điểm này, ông Nhơn đã từng bày tỏ: "Tôi trở lại với vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị và là đại diện pháp luật của Novaland vì tôi nghĩ rằng, là doanh nhân chúng ta phải chấp nhận đối mặt với khó khăn và thách thức. Vì trở ngại này vừa vượt qua thì khó khăn khác sẽ đến".