Theo thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Mỹ, bà Leonor Tomero - Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về Chính sách Phòng thủ Hạt nhân và Tên lửa thuộc Văn phòng Bộ trưởng, đã trình bày phương phướng phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa và vũ khí siêu thanh tại phiên điều trần của Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện về các Lực lượng Chiến lược trong nhu cầu ngân sách năm tài chính 2022 cho các chương trình phòng thủ và phá hủy tên lửa.
Bà Leonor Tomero nói: Để giải quyết những thách thức đang phát triển, Bộ Quốc phòng sẽ nghiên cứu xem xét những chính sách, chiến lược và khả năng phòng thủ tên lửa quốc gia nhằm đảm bảo Mỹ có được các hệ thống phòng thủ tên lửa hiệu quả.
Việc nghiên cứu xem xét sẽ tạo điều kiện phát triển phương pháp tiếp cận của Bộ Quốc phòng về khả năng răn đe, ngăn chặn tích hợp. Quá trình nghiên cứu, xem xét và lên cấu trúc ý tưởng sẽ được hoàn thành vào tháng 1/2022.
Mô hình đánh chặn tên lửa đạn đạo, đầu đạn siêu thanh nhiều lớp của Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ
Bà cho biết gần đây, Bộ Quốc phòng Mỹ bắt đầu phát triển mô hình Hệ thống đánh chặn thế hệ tiếp theo (NGI) nhằm làm tăng độ tin cậy và khả năng phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Mô hình hệ thống đánh chặn sẽ dựa trên phương pháp tiếp cận tích hợp, linh hoạt với phòng không và phòng thủ tên lửa, có thể cùng lúc giải quyết các mối đe dọa tên lửa đạn đạo khác nhau và cho phép phòng thủ chống lại tên lửa hành trình và những hệ thống máy bay không người lái chiến dịch, chiến lược.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ tăng cường mạng lưới trinh sát, giám sát toàn cầu với hệ thống các cảm biến tích hợp trên không gian, trên biển và trên đất liền có khả năng nhanh chóng phát hiện, theo dõi và xác định tọa độ mục tiêu, dẫn đường đánh chặn trên tất cả các giai đoạn bay của tên lửa tới. Những hệ thống cảm biến này hoàn toàn không mới, do những tiến bộ công nghệ trong lĩnh vực thương mại Mỹ đã hình thành mạng lưới này.
Trong năm tài chính 2022, Bộ Quốc phòng Mỹ tiếp tục phát triển nguyên mẫu cảm biến không gian siêu thanh, có khả năng phát hiện, theo dõi tên lửa đạn đạo, đầu đạn siêu thanh đồng thời tăng cường sự ổn định, độ tin cậy cấu trúc hệ thống cảm biến trong vũ trụ.
Bà Leonor Tomero cho biết, phương pháp tiếp cận của Bộ Quốc phòng Mỹ với khả năng phòng thủ siêu âm trong khu vực trước tiên tập trung vào phòng thủ, đánh chặn giai đoạn cuối của quỹ đạo tên lửa.
Theo bà, tính ưu việt của thông tin là rất quan trọng đối với các chiến trường trong tương lai và vô cùng cần thiết để Trí tuệ Nhân tạo (AI) có thể lập kế hoạch và sử dụng các phương tiện đánh chặn nhanh chóng trong môi trường hoạt động chung của các lực lượng.
Để đạt được mục tiêu đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đẩy mạnh phát triển khả năng dự đoán, nhận thức tiên tiến trong không gian tác chiến đa miền, đa lĩnh vực cho kiến trúc chỉ huy và kiểm soát, cho phép đưa ra quyết định kịp thời và chính xác để giải quyết các mối đe dọa trước mắt và trong tương lai.
Đề hiện thực hóa khái niệm mới này, Bộ Quốc phòng Mỹ đang phối hợp và liên kết chặt chẽ với các đồng minh và đối tác trong việc phát triển mô hình hệ thống thông tin tình báo, trinh sát và giám sát toàn cầu, đồng thời tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa chung. Đó là các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và các quốc gia NATO, Israel và các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh.