Mỹ “tạm dừng” cuộc chiến thương mại với Trung Quốc

Mỹ - Trung nhất trí ngừng đe dọa áp thuế lên hàng hóa của nhau và tìm cách đạt một thỏa thuận thương mại rộng lớn hơn...
Mỹ “tạm dừng” cuộc chiến thương mại với Trung Quốc

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc "tạm dừng" sau khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nhất trí ngừng đe dọa áp thuế lên hàng hóa của nhau và tìm cách đạt một thỏa thuận thương mại rộng lớn hơn - Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố ngày Chủ nhật.

Theo hãng tin Reuters, ông Mnuchin và cố vấn kinh tế cấp cao nhất của Tổng thống Donald Trump là ông Larry Kudlow nói rằng sự nhất trí mà các nhà đàm phán thương mại Mỹ và Trung Quốc đạt được hôm thứ Bảy đã tạo ra một khuôn khổ để giải quyết mất cân đối thương mại giữa hai nước trong tương lai.

"Chúng tôi đang tạm dừng cuộc chiến thương mại. Giờ đây, hai bên đã nhất trí ngừng áp thuế quan trong khi cố gắng thực thi khuôn khổ đã đạt được", ông Mnuchin nói trong cuộc trả lời phỏng vấn chương trình truyền hình Fox News Sunday.

Trước đó, vào hôm thứ Bảy, Bắc Kinh và Washington cho biết sẽ tiếp tục đàm phán về các biện pháp mà theo đó, Trung Quốc sẽ nhập thêm hàng hóa năng lượng và nông sản từ Mỹ để giảm bớt khoản thâm hụt thương mại hàng hóa 335 tỷ USD hàng năm của Mỹ với Trung Quốc.

Trong vòng đàm phán đầu tiên diễn ra hồi đầu tháng ở Bắc Kinh, Mỹ đòi Trung Quốc giảm 200 tỷ USD trong khoản thâm hụt này. Tuy nhiên, hai bên không đưa ra con số cụ thể nào trong bản tuyên bố chung vào hôm thứ Bảy, sau khi kết thúc vòng đàm phán thứ hai ở Washington.

Căng thẳng thương mại giữa hai nước gia tăng sau khi chính quyền Trump tuyên bố sẽ áp thuế lên 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và dọa có thể sẽ áp thuế lên thêm 100 tỷ USD hàng Trung Quốc nữa. Trung Quốc ngay lập tức đáp trả bằng cách áp thuế lên 50 tỷ USD hàng Mỹ, trong đó có nhiều nông sản quan trọng.

Đại diện thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer nói rằng việc khiến Trung Quốc mở rộng cửa hơn cho hàng hóa Mỹ là điều quan trọng, nhưng quan trọng hơn nữa là Mỹ phải giải quyết được những vấn đề khác với Trung Quốc như cưỡng ép chuyển giao công nghệ hay tội phạm mạng.

"Thay đổi cơ cấu một cách thực sự là điều cần thiết. Tương lai việc làm của hàng chục triệu người Mỹ đang bị đe dọa", ông Lighthizer nói trong một tuyên bố hôm Chủ nhật.

Một số nhà quan sát và nghị sỹ Mỹ cảnh báo rằng sẽ là sai lầm nếu ông Trump nhanh chóng chấp nhận lời hứa mua thêm hàng Mỹ của Trung Quốc trong khi còn nhiều vấn đề lớn hơn chưa được giải quyết.

Trao đổi với chương trình Face the Nation của đài CBS vào ngày Chủ nhật, ông Kudlow nói còn quá sớm để chốt con số 200 tỷ USD mà Trung Quốc hứa tăng mua hàng hóa Mỹ. "Các chi tiết sẽ được vạch dần. Mọi thứ sẽ không chính xác hẳn như thế", ông nói.

Trong chương trình This Week của đài ABC, ông Kudlow nói những vấn đề lớn hơn vẫn còn đang được bàn thảo, và Trung Quốc đã có "những cải cách cơ cấu" như hạ thuế quan và hàng rào phi thuế quan, cho phép Mỹ tăng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Tổng thống Trump đang ở trong một "tâm trạng rất tích cực vì những gì đã đạt được", ông Kudlow cho hay. Tuy nhiên, vị cố vấn nói Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa đạt được một thỏa thuận thương mại.

"Hai bên chưa nhất trí đạt thỏa thuận", ông Kudlow nói với ABC. "Chúng tôi chưa bao giờ kỳ vọng có thỏa thuận. Sẽ có một tuyên bố chung giữa hai nước, đó là tất cả. Và trong tuyên bố đó, các bạn sẽ biết điều gì sẽ diễn ra tiếp theo".

Bước tiếp theo sẽ là cử Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross tới Trung Quốc để xem xét những lĩnh vực mà Trung Quốc có thể tăng mạnh nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm năng lượng, khí hóa lỏng, nông sản và hàng công nghiệp chế tạo - ông Mnuchin và ông Kudlow cho hay.

Ông Mnuchin nói Mỹ dự kiến tăng xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc thêm 35-40% chỉ riêng trong năm nay, và tăng gấp đôi xuất khẩu năng lượng sang Trung Quốc trong 3-5 năm.

"Chúng tôi có những mục tiêu cụ thể. Tôi sẽ không công bố cụ thể đó là gì. Mục tiêu sẽ phụ thuộc vào từng ngành", ông Mnuchin nói.

Tuyên bố chung hôm thứ Bảy không đề cập đến việc liệu Mỹ có nới trừng phạt đối với hãng sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc ZTE hay không. Đây là lệnh trừng phạt liên quan đến việc ZTE vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Triều Tiên, cấm các công ty Mỹ bán linh kiện cho ZTE trong 7 năm.

Vì lệnh trừng phạt này của Mỹ, ZTE đã phải dừng hầu hết các hoạt động chính. Tuần trước, ông Trump tuyên bố sẽ giúp ZTE hoạt động bình thường trở lại, nhưng ông Kudlow nói nếu có thay đổi trong lệnh trừng phạt ZTE, thì đó cũng chỉ là những thay đổi nhỏ.

"Nếu có thay đổi đi chăng nữa, lệnh trừng phạt vẫn sẽ rất cứng rắn, sẽ bao gồm những khoản phạt lớn, những biện pháp đảm bảo tuân thủ, ban lãnh đạo mới, hội đồng quản trị mới", ông Kudlow nói. "Đừng hy vọng ZTE thoát hẳn trừng phạt. Điều đó sẽ không xảy ra".

Có thể bạn quan tâm

Nền kinh tế thú cưng 3.0 tại Trung Quốc

Nền kinh tế thú cưng 3.0 tại Trung Quốc

Ngành công nghiệp thú cưng tại Trung Quốc đang bước vào giai đoạn 3.0 với sự bùng nổ của các dịch vụ cao cấp như chăm sóc sức khỏe, phụ kiện cá nhân hóa và trải nghiệm độc đáo…

Hermès vững vàng trước “sóng lớn”

Hermès vững vàng trước “sóng lớn”

Bất chấp bối cảnh thị trường đầy biến động, thương hiệu Pháp Hermès vẫn ghi nhận doanh thu quý 4/2024 tăng mạnh vượt dự báo và tiếp tục khẳng định vị thế hàng đầu trong ngành xa xỉ….

Thuế quan có thể đẩy giá xe ô tô tại Mỹ lên cao

Thuế quan có thể đẩy giá xe ô tô tại Mỹ lên cao

Người tiêu dùng Mỹ có thể sẽ phải chi thêm hàng nghìn USD khi mua ô tô mới nếu kế hoạch áp thuế đối với Mexico và Canada của Tổng thống Mỹ Donald Trump được thực thi, theo dữ liệu từ ngân hàng Benchmark Co…

Gen Z Trung Quốc vung tiền cho “tiêu dùng cảm xúc”

Gen Z Trung Quốc vung tiền cho “tiêu dùng cảm xúc”

Người tiêu dùng trẻ tuổi Trung Quốc đang ngày càng ưa chuộng xu hướng mua sắm dựa trên cảm xúc, thúc đẩy một làn sóng chuyển dịch trong thái độ tiêu dùng và dự kiến sẽ sớm trở thành một điểm nóng đáng chú ý trong tương lai…

Doanh nghiệp đường Thái Lan “gặp hạn” tại Trung Quốc

Doanh nghiệp đường Thái Lan “gặp hạn” tại Trung Quốc

Trung Quốc đã tạm ngừng nhập khẩu siro đường và bột pha sẵn từ Thái Lan, khiến hàng hóa bị mắc kẹt tại các cảng biển và có nguy cơ gây ra thiệt hại lên tới 1 tỷ baht (khoảng 29,5 triệu USD) cho các doanh nghiệp xứ Chùa Vàng…