5 giám đốc điều hành cấp cao của ngành viễn thông và các nguồn tin khác trong ngành cho biết người dùng điện thoại di động Nga có thể sẽ gặp phải tình trạng tải xuống (download) và tải lên (upload) chậm hơn, nhiều cuộc gọi không kết nối được hoặc bị lỗi, cũng như việc “sập mạng” có thể khó xử lý hơn do các nhà khai thác mất khả năng nâng cấp hoặc vá lỗi phần mềm.
Nokia và Ericsson - hai công ty chiếm thị phần lớn trên thị trường thiết bị viễn thông, sở hữu 50% số trạm cơ sở ở Nga - sản xuất mọi thứ từ ăng-ten viễn thông đến phần cứng kết nối cáp quang mang tín hiệu kỹ thuật số. Họ cũng là hai nhà cung cấp phần mềm quan trọng cho phép các “mảnh ghép” của mạng viễn thông hoạt động cùng nhau.
Trong cuộc phỏng vấn với Reuters, giám đốc tài chính của Ericsson Carl Mellander cho biết: “Chúng tôi sẽ làm việc cho đến cuối năm nay và sau đó tất cả các miễn trừ sẽ hết hạn”. Ericsson là công ty được nhận miễn trừ các biện pháp trừng phạt từ chính quyền Thụy Điển đối với Nga.
Giám đốc điều hành Nokia Pekka Lundmark cũng lặp lại quan điểm đó trong một cuộc phỏng vấn: "Việc rời đi của chúng tôi sẽ sớm hoàn tất. Chúng tôi sẽ không chuyển giao bất cứ thứ gì cho Nga."
Nền kinh tế Nga cho đến nay đã vượt qua các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu do các chính phủ quốc tế đưa ra, nhưng việc Nokia và Ericsson sắp rời khỏi nước này có thể tác động sâu sắc hơn đến cuộc sống hàng ngày của người dân, gây khó khăn cho một số việc đơn giản như gọi điện thoại. Các chuyên gia viễn thông cho rằng các khu vực nông thôn sẽ bắt đầu bị ảnh hưởng trước tiên khi các nhà khai thác chú trọng tăng cường mạng lưới đô thị hơn, trong khi việc thiếu các bản cập nhật phần mềm có thể dẫn đến ngừng hoạt động mạng hoặc bị tấn công mạng.
Tuy nhiên, Bộ kỹ thuật số của Nga nói với hãng tin TASS rằng Nga không thiếu thiết bị viễn thông, việc Nokia và Ericsson rời khỏi đất nước sẽ không ảnh hưởng gì đến chất lượng liên lạc viễn thông. Theo ông Maksut Shadaev, Bộ trưởng truyền thông và thông tin đại chúng Nga, cho biết hồi đầu tuần rằng bốn nhà khai thác viễn thông đã ký hợp đồng chi hơn 100 tỷ rúp (1,45 tỷ USD) cho các thiết bị “Made in Russia”. "Điều này sẽ cho phép chúng tôi tổ chức sản xuất thiết bị viễn thông hiện đại ở Nga," ông nói, nhưng không nêu tên các nhà khai thác hoặc sản xuất trong thoả thuận.
Trong vài năm qua, Điện Kremlin đã thúc đẩy các chiến lược quảng bá thiết bị của Nga với mục đích giúp các nhà khai thác viễn thông địa phương giảm bớt sự phụ thuộc vào Nokia và Ericsson, đồng thời hỗ trợ các nhà sản xuất Nga đã tăng thị phần của họ trong năm nay lên 25,2% từ mức 11,6% của năm 2021.
Nhưng theo dự đoán của nhiều chuyên gia, việc Nga cắt đứt quan hệ với các công ty nước ngoài sẽ khiến lĩnh vực viễn thông của nước này bị lùi lại một thế hệ khi phần còn lại của thế giới đang tiến lên phía trước với công nghệ 5G.
Nâng cấp phần mềm
Rào cản lớn nhất đối với các nhà khai thác di động để duy trì hoạt động của mạng là thiếu đi nâng cấp phần mềm - như Nokia và Ericsson cho biết họ sẽ ngừng cập nhật phần mềm vào năm tới, các nguồn tin cho biết.
Phần mềm hợp nhất nhiều loại thiết bị tạo thành mạng viễn thông, chuyển đổi tín hiệu tương tự và tín hiệu số; giám sát và tối ưu hóa lưu lượng mạng; và bảo vệ cơ sở hạ tầng chống lại các cuộc tấn công mạng.
Mặc dù các nhà khai thác di động có thể tích trữ các bộ phận phần cứng để sử dụng trong tương lai, nhưng họ phụ thuộc vào lịch trình cập nhật và vá lỗi phần mềm được cấp phép thường xuyên để duy trì tính toàn vẹn của mạng.
Paolo Pescatore, nhà phân tích tại PP Foresight cho biết: “Các bản vá lỗi phần mềm là tối quan trọng để đảm bảo mạng vẫn hoạt động, an toàn và đáng tin cậy.”
Hai trong số các nguồn tin trong ngành cho biết, các nhà khai thác viễn thông Nga đã dự trữ linh kiện do nước ngoài sản xuất vào tháng 2 và tháng 3 trước các lệnh trừng phạt, nhưng lượng hàng dự trữ sẽ giảm sau khi Nokia và Ericsson ngừng hoạt động vào ngày 31/2.
Các nguồn tin trong ngành nhận định thêm, việc hợp nhất giữa các nhà khai thác của Nga sẽ cho phép họ chia sẻ thiết bị và tài nguyên để giúp duy trì sự ổn định của mạng viễn thông được lâu hơn.
Nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei - nhà cung cấp lớn nhất ở Nga vào năm ngoái - sẽ tiếp tục cung cấp các bản cập nhật phần mềm và tiếp tục công việc bảo trì, nhưng đã ngừng bán thiết bị mới ở Nga khi Hoa Kỳ bắt đầu lệnh trừng phạt, theo ba nguồn tin quen thuộc với vấn đề cho biết. Huawei đã không tiết lộ công khai tình hình kinh doanh của mình ở Nga và từ chối đưa ra bình luận.