Người dân Mỹ gia tăng rủi ro nợ nần vì làn sóng “mua ngay, trả sau”

Với nợ thẻ tín dụng và tỷ lệ vỡ nợ tại Mỹ tăng cao lên mức đáng báo động, ngày càng có nhiều người mua sắm đang tận dụng dịch vụ “mua ngay, trả sau” cho hoạt động chi tiêu cuối năm của họ…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Một người mua sắm tại chuỗi siêu thị Target, Mỹ
Một người mua sắm tại chuỗi siêu thị Target, Mỹ

Roxanne Ross ở Florida là một trong số đông người Mỹ đang tìm cách né tránh mức lãi suất cao trên thẻ tín dụng bằng việc chuyển sang phương thức "mua ngay, trả sau" trong kỳ nghỉ lễ.

Ross để mắt tới chiếc AirPods mới nhất của Apple có giá 249 USD. Và cô đang cân nhắc sử dụng Klarna để phân bổ hoá đơn thành bốn đợt thanh toán kéo dài sang năm tới.

Mặc dù “mua ngay, trả sau” hiện là một công cụ thích hợp cho Roxanne Ross và những người có dự định sử dụng dịch vụ này cho mọi thứ, từ vé máy bay đến nối tóc, nhưng một số nhóm hoạt động vì người tiêu dùng đang giương cờ đỏ tới những cá nhân có nguy cơ chồng chất các khoản nợ hàng tháng với lãi suất có thể lên tới 36% - mức cho vay tối đa ở nhiều tiểu bang.

Họ cảnh báo thêm, các khoản vay tưởng chừng như dễ dàng từ dịch vụ này có thể khiến một số người mua sắm vung tiền vào đồ trang sức, quần áo hợp thời trang, máy chơi game video hoặc các thiết bị mà họ không thể chủ động mua được luôn.

Bruce McClary, người phát ngôn của Quỹ Tư vấn Tín dụng Quốc gia, cho biết: “Nhu cầu đối với “mua ngay, trả sau” đã tăng đáng kể so với năm ngoái. Việc ngày càng có nhiều người sử dụng dịch vụ này từ các nhà cung cấp như Klarna, Affirm, PayPal và Afterpay báo hiệu sự gia tăng nợ ngắn hạn, bên cạnh 1 nghìn tỷ USD trong số dư thẻ tín dụng chưa thanh toán”.

“Có vẻ như tình trạng nợ nần trong kỳ nghỉ lễ sẽ đặc biệt nhức nhối trong năm nay”, nhà phân tích Ted Rossman của Bankrate nhận xét.

Chia sẻ với Reuters, các nhà cung cấp dịch vụ lưu ý rằng họ đang cung cấp cho người mua hàng các lựa chọn thay thế cho thẻ tín dụng - hiện tính lãi trên 20% - và chỉ gia hạn các khoản vay cho những người mà họ tin có khả năng trả được nợ. Các công ty kiểm tra xếp hạng tín dụng của người mua hàng để xác định xem có nên tính lãi suất hay không và mức lãi suất nào.

Hầu hết các quảng cáo rầm rộ về hình thức "mua ngay, trả sau" cho thấy khoản vay trả góp là 0% lãi suất và trả thành 4 lần.

Nhưng tại Affirm, các khoản cho vay không lãi suất chỉ chiếm 26% sản phẩm của họ trong quý gần nhất, trong khi các khoản cho vay chịu lãi kéo dài tới 5 năm chiếm 74%, theo một bài thuyết trình của công ty.

Phản hồi lại thông tin này, Affirm khẳng định rằng người tiêu dùng đều nhìn thấy trước tổng chi phí của khoản vay, bao gồm cả lãi suất. Không giống như một số nhà cung cấp khác, họ cho biết họ không có phí lãi suất ẩn.

Jennifer Chien, cố vấn chính sách cấp cao về Công bằng tài chính tại Consumer Reports, giải thích rằng dữ liệu cho thấy những người vay “mua ngay, trả sau” điển hình vốn mắc nhiều nợ hơn, dễ bị tổn thương hơn về mặt tài chính và đang gặp căng thẳng.

Cá nhân và hộ gia đình dễ bị tổn thương về mặt tài chính khi sử dụng các khoản vay để mua thực phẩm và nhu yếu phẩm khác có thể thấy bản thân ngày càng ngập sâu hơn trong nợ. Và đối với những người mua sắm đó, chưa chắc các khoản vay “mua ngay, trả sau” đã đem lại một giải pháp thay thế tốt hơn mức lãi suất trên thẻ tín dụng.

Ngay cả đối với khách hàng không bị quá hạn thanh toán, thì họ cũng khả năng bị rơi vào vòng cuốn đó và mua sắm quá mức, các nhà phân tích tín dụng cảnh báo.

Robert Boyer, 51 tuổi, quản đốc xây dựng khu vực Seattle đã học được bài học này. Ông Boyer có mức nợ 4.000 USD từ 18 khoản vay “mua ngay, trả sau” đối với các hoá đơn trên Amazon.com.

Trên thực tế, ông Boyer đã từng phá sản cách đây nhiều năm và rất cẩn thận để không mắc nợ thẻ tín dụng. Nhưng là một “con nghiện mua sắm”, ông thừa nhận mình bị cuốn hút bởi lựa chọn thanh toán nhỏ lẻ hàng tháng chỉ từ 18 đến 40 USD. Nhưng trong lần xem xét khoản nợ gần đây, ông nhận thấy lãi suất cho các khoản vay của mình dao động từ khoảng 30% đến 36%.

"Đó là một cái bẫy. Tôi hoàn toàn bị mắc vào nó", ông Boyer chia sẻ màn hình ứng dụng cho thấy khoản vay 572 USD với lãi suất cao nhất cuối cùng sẽ khiến ông phải trả tổng cộng 747 USD.

Ông Robert Boyer dự định sẽ thanh toán đầy đủ và tự dặn lòng không gánh thêm bất kỳ khoản nợ nào nữa - mặc dù ứng dụng Affirm gợi ý rằng tài khoản của ông vẫn còn 1.630 USD sức mua tại Walmart và một số tiền tương tự tại hãng kim hoàn Zales.

Có thể bạn quan tâm