Tổng nợ thẻ tín dụng tại Mỹ vượt mốc nghìn tỷ USD

Cục Dự trữ Liên bang New York cho biết, trong quý vừa qua, tổng nợ thẻ tín dụng của người dân Mỹ đã vượt quá 1 nghìn tỷ USD ngay cả khi nợ hộ gia đình hầu ít có thay đổi…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Nợ thẻ tín dụng của Mỹ đã tăng vượt mốc 1 nghìn tỷ USD trong quý 2/2023
Nợ thẻ tín dụng của Mỹ đã tăng vượt mốc 1 nghìn tỷ USD trong quý 2/2023

Các nhà nghiên cứu của Cục Dự trữ Liên bang chi nhánh New York cho biết, nợ thẻ tín dụng của Mỹ đã tăng 45 tỷ USD lên 1,03 nghìn tỷ USD trong quý 2/2023, phản ánh xu hướng chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ bất chấp giá cả tăng cao hơn do lạm phát.

Các nhà nghiên cứu của Fed New York đã nhấn mạnh, sự gia tăng của nợ thẻ tín dụng là đột biến và nhanh chóng, đồng thời cảnh báo rằng các khoản nợ quá hạn của thẻ tín dụng cũng đang ở mức cao nhất trong 11 năm, được đo bằng mức trung bình trong bốn quý.

Báo cáo cũng cho thấy nước Mỹ hiện có tổng cộng hơn 578 triệu tài khoản thẻ tín dụng - tăng 5,48 triệu so với thời điểm cuối quý đầu tiên của năm. Hạn mức thẻ tín dụng đã tăng tổng cộng 9 tỷ USD lên 4,6 nghìn tỷ USD trong quý 2, theo Fed New York. Lãi suất trung bình trên các loại thẻ tín dụng ghi nhận gần mức cao kỷ lục là 20,53%, theo Bankrate.

Nợ thẻ tín dụng và các khoản vay mua ô tô - vốn đã tăng 4,3% (tương đương 20 tỷ USD) - đã đẩy mức nợ chung của các hộ gia đình nhích nhẹ 1%, lên 17,06 nghìn tỷ USD trong quý này. Nhưng kể từ cuối năm 2018, tổng nợ hộ gia đình của Mỹ đã tăng hơn 2,9 nghìn tỷ USD. Số dư nợ của báo cáo Fed New York là danh nghĩa và không được điều chỉnh theo lạm phát.

Sofia Baig, một nhà kinh tế tại Morning Consult, nói với CNN: “Với lãi suất tăng cao, việc trả nợ trở nên khó khăn hơn. Người tiêu dùng cũng tiếp tục vay nợ nhiều hơn và sự kết hợp này sẽ gây thêm áp lực lên một số hộ gia đình có ngân sách eo hẹp”.

Tuy nhiên, dữ liệu của Fed cũng cho thấy số dư khoản vay của sinh viên đã giảm 35 tỷ USD xuống còn 1,57 nghìn tỷ USD trong Quý 2/2023. Các nhà nghiên cứu của Fed tại New York cho rằng sự suy giảm là do thời điểm của năm học, cũng như một số chương trình xoá nợ sinh viên đã bắt đầu.

Tình trạng nợ trên các hạng mục khác chỉ cho thấy những thay đổi khiêm tốn.

“Chúng tôi cho rằng, mặc dù có nhiều trở ngại mà người tiêu dùng Mỹ phải đối mặt trong năm qua - lãi suất cao hơn, áp lực lạm phát sau đại dịch và sự thất bại của hàng loạt ngân hàng hồi tháng 3 - nhưng không có quá nhiều bằng chứng về tình trạng khó khăn tài chính lan rộng đối với người tiêu dùng, với việc họ vẫn sẵn sàng chi tiêu cho sở thích cá nhân như du lịch, mua sắm…”, các nhà nghiên cứu bình luận trong một ghi chú phát hành kèm với báo cáo.

Có thể bạn quan tâm