Người Hàn Quốc đổ xô mua đất ở biên giới với Triều Tiên

Không phải Gangnam, khu vực biên giới với Triều Tiên giờ đây mới là tâm điểm của cơn “sốt” đất ở Hàn Quốc...
Người Hàn Quốc đổ xô mua đất ở biên giới với Triều Tiên

Không phải quận Gangnam hào nhoáng ở Seoul, khu vực biên giới với Triều Tiên giờ đây mới là tâm điểm của cơn "sốt" đất ở Hàn Quốc - hãng tin Reuters cho biết.

Với tình hình trên bán đảo Triều Tiên đạt nhiều bước tiến tích cực trong thời gian gần đây, người Hàn Quốc đang đổ xô tới khu vực biên giới giữa hai miền để mua đất.

Xem đất qua… ảnh vệ tinh

Nhu cầu bất động sản tại những thị trấn nhỏ và vùng nông thôn thưa thớt dân cư xung quanh khu vực phi quân sự (DMZ) đang tăng chóng mặt dựa trên kỳ vọng về dòng lao động và vốn đầu tư sẽ được đổ vào nơi này một khi hòa bình được lập lại giữa hai miền.

Kang Sung-wook, một nha sỹ 37 tuổi ở Paju, Hàn Quốc, đã mua 8 lô đất xung quanh khu DMZ trong thời gian kể từ tháng 3 đến nay. Trong đó, có 5 lô đất mà Kang thậm chí còn chưa đến xem trực tiếp, mà chỉ xem qua những bức ảnh vệ tinh trên Google Earth, bởi DMZ là một khu vực cấm vào.

Kang cho biết, sức hấp dẫn của bất động sản biên giới đã tăng mạnh kể từ khi quan hệ giữa hai miền Triều Tiên khởi sắc. Vị nha sỹ thấy cần phải hành động nhanh.

"Tôi bắt đầu xem xét từ tháng 3, sau khi có tin về việc sẽ diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều. Nhưng có vẻ như những lô đất tốt đều đã được mua rồi. Tôi nhận ra thị trường đang sốt cao", Kang nói.

Tổng số tiền mà Kang đã bỏ ra để mua 8 lô đất ở biên giới là khoảng 3 tỷ Won, tương đương 2,8 triệu USD. Tổng diện tích của các lô đất này là khoảng 20 hectare.

Suốt nhiều thập kỷ qua, DMZ là một "điểm nóng" trên bán đảo Triều Tiên, nhưng dưới một dạng khác - những vụ gây hấn quân sự chết người, hay những cuộc đào tẩu đầy can đảm từ Triều Tiên sang Hàn Quốc.

Giăng đầy dây thép gai, gài hàng triệu quả mìn và có lính canh gác cẩn mật ngày đêm, DMZ được thiết lập sau cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Đến nay, hai miền Triều Tiên vẫn chưa chính thức công nhận lẫn nhau, và về mặt kỹ thuật, hai nước vẫn ở trong tình trạng chiến tranh vì cuộc chiến mới chỉ khép lại bằng một thỏa thuận đình chiến thay vì một hiệp ước hòa bình.

Dù là khu vực cấm vào, phần đất của Hàn Quốc nằm trong khoảng 2 km kể từ DMZ và các khu vực biên giới khác vẫn có thể được mua và đăng ký bình thường.

Số vụ mua bán đất ở Paju, cửa ngõ đi vào làng đình chiến Bàn Môn Điếm (Panmunjom) thuộc DMZ, đã tăng gấp đôi trong tháng 3 vừa qua so với tháng 2, lên mức 6.628 vụ - số liệu của Chính phủ Hàn Quốc cho thấy. Trong khi đó, số cuộc giao dịch bất động sản ở Gangnam chỉ tăng 9%.

Ở Jangdan-myun, nơi có nhà ga Dorasa - trạm dừng xe lửa cuối cùng ở phía Nam biên giới giữa hai miền Triều Tiên - số vụ giao dịch bất động sản tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Giá đất tại đây tăng 17% trong cùng khoảng thời gian.

Hy vọng đang cao

Kim Yoon-sik, một nhà bất động sản có 25 năm kinh nghiệm ở Paju, cho biết nhưng người sở hữu đất ở khu DMZ bao gồm những người thừa kế đất nông nghiệp từ ông bà tổ tiên từ thời trước chiến tranh Triều Tiên, và một số nhà đầu tư dài hạn.

"Người mua đang nhiều hơn người bán, thị trường nóng đến nỗi nhiều người bán dễ dàng hủy hợp đồng", Kim cho hay.

Sự gia tăng hoạt động ở vùng biên giới không chỉ giới hạn ở Hàn Quốc hay trong lĩnh vực bất động sản. Tại thành phố biên giới Dandong của Trung Quốc, nơi tiếp giáp với Triều Tiên, các nhà đầu tư bất động sản đang đẩy giá lên từng ngày, thậm chí mối quan tâm đến đất đai ở biên giới bên phía Triều Tiên cũng tăng.

Trong cuộc gặp lịch sử vào tháng trước ở Bàn Môn Điếm, nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cam kết sẽ nối lại các tuyến đường sắt và đường bộ giữa hai nước và đưa DMZ thành một "khu vực hòa bình".

Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đã nhất trí rằng nếu Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn, thì nước này sẽ được đảm bảo viện trợ kinh tế. Một động thái như vậy có thể mở đường cho các dự án đường sắt kết nối Trung Quốc và Hàn Quốc qua Triều Tiên.

Giá cổ phiếu của các công ty xây dựng và đường sắt Hàn Quốc như Hyundai Rotem và Seoam Machinery Industry đã tăng mạnh vì hy vọng về những dự án như vậy.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Hàn Quốc chứng kiến sự hào hững như vậy. Giá đất ở biên giới đã từng tăng vọt khi Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il năm 2007. Giá đất sau đó sụt giảm mạnh khi quan hệ hai miền chuyển xấu khi chính phủ cánh hữu của Tổng thống Lee Myung-bak lên cầm quyền vào năm 2008.

Mặc dù vậy, hy vọng hiện nay là rất lớn, khi ông Kim Jong Un sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore vào tháng tới, sau cuộc gặp mới đây giữa ông Kim với ông Moon và hai chuyến đi của ông Kim tới Trung Quốc để gặp Chủ tịch Tập Cận Bình.

"Tôi tin chắc lần này Triều Tiên sẽ mở cửa nền kinh tế", ông Kang nói. "Ông Kim Jong Un sẽ chẳng đi đâu hay thăm Trung Quốc hai lần nều như ông ấy không có thiện chí".

Có thể bạn quan tâm

Elon Musk sắp tiếp quản TikTok?

Elon Musk sắp tiếp quản TikTok?

Theo một báo cáo mới đây từ Bloomberg, các nhà chức trách tại Trung Quốc đang cân nhắc về khả năng bán TikTok Mỹ cho tỷ phú Elon Musk…

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Tiền điện tử chứng kiến đà sụt giảm mạnh trong phiên khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao đã gây áp lực lên nhóm các tài sản rủi ro…

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, cùng với việc đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Quốc hội, có thể dẫn đến cách tiếp cận ít can thiệp hơn đối với các loại tiền điện tử như bitcoin...

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Dù còn phải đối mặt với nhiều biến động, nhưng triển vọng giá bạc được các chuyên gia dự đoán sẽ tăng mạnh trong năm tới nhờ nhu cầu công nghiệp và nguồn cung hạn chế…