Người tiêu dùng Mỹ có thể phải chi thêm hàng trăm tỷ USD vì chính sách thuế quan của ông Trump

Ông Donald Trump một lần nữa lại gây chú ý với các kế hoạch áp thuế hàng hoá nhập khẩu nước ngoài như Trung Quốc, Mexico và Canada. Rất có thể, người tiêu dùng Mỹ sẽ là đối tượng phải "gồng gánh" phần lớn chi phí từ những chính sách này...

trump-tariffs-united-states.jpg

Sau chiến thắng vang dội tại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, sự chú ý một lần nữa đổ dồn vào “đam mê” của ông Donald Trump đối với thuế quan. Cụ thể, ông cam kết sẽ tiếp tục áp dụng các mức thuế nhập khẩu mới nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp Mỹ, thúc đẩy sản xuất nội địa và giảm sự phụ thuộc vào hàng nước ngoài.

“ĐÒN GIÁNG” THUẾ QUAN

Mới đây nhất, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã tuyên bố rằng ngay ngày đầu tiên nhậm chức, ông sẽ “giáng” 25% thuế lên tất cả các sản phẩm từ Mexico và Canada, cùng mức thuế 10% bổ sung đối với hàng hoá Trung Quốc.

"Vào ngày 20/1/2025, một trong số những sắc lệnh hành pháp đầu tiên mà tôi đặt bút ký sẽ là áp dụng mức thuế 25% đối với MỌI sản phẩm từ Mexico và Canada nhập khẩu vào Mỹ”, ông Donald Trump chia sẻ trên mạng xã hội Truth Social. Theo ông, mức thuế này sẽ được duy trì cho đến khi hai quốc gia có thể kiểm soát chặt chẽ tình trạng buôn bán ma túy, đặc biệt là fentanyl, và việc người di cư vượt biên trái phép.

Mexico và Canada là hai đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Vào năm 2023, hơn 83% hàng xuất khẩu của Mexico và 75% hàng xuất khẩu của Canada được cập bến thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, mức thuế mới mà ông Trump đe dọa áp dụng dường như vi phạm các điều khoản của Hiệp định Thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), một hiệp định duy trì thương mại gần như miễn thuế giữa ba nước do chính ông ký kết và có hiệu lực từ năm 2020.

Trước đây, Canada và Mỹ từng áp dụng các biện pháp trừng phạt lên hàng hoá của nhau vào thời điểm mà đàm phán song phương lên đến cao trào trước khi USMCA được ký kết.

Về phía Trung Quốc, vị Tổng thống đắc cử cáo buộc Bắc Kinh không có hành động đủ mạnh mẽ để ngăn chặn dòng chảy ma túy bất hợp pháp qua biên giới Mexico vào Mỹ. "Cho đến khi họ ngăn chặn được vấn đề nghiêm trọng này, chúng tôi sẽ áp dụng thêm mức thuế 10% nữa, bên cạnh hàng loạt mức thuế bổ sung khác, đối với tất cả các sản phẩm Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ”, ông Trump tuyên bố.

Không chỉ xem thuế quan như một đòn bẩy chính trị, trong suốt quá trình vận động tranh cử của mình ông Trump thường xuyên lập luận rằng các biện pháp này sẽ giúp thúc đẩy sản xuất nội địa, tạo thêm việc làm trong các nhà máy, thu hẹp thâm hụt ngân sách liên bang và hạ giá các sản phẩm sản xuất tại Mỹ bằng cách khiến hàng hoá nước ngoài đắt đỏ hơn.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đã chỉ ra rằng, mức thuế quan được áp dụng trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, vốn được duy trì và mở rộng dưới thời chính quyền Biden, không đạt được nhiều kết quả như ông đã hứa.

GÁNH NẶNG LÊN NGƯỜI TIÊU DÙNG

Các nhà kinh tế ING nhận định, kế hoạch thuế quan toàn diện của ông Trump có khả năng trở thành chính sách kinh tế quan trọng nhất trong nhiệm kỳ thứ 2 của. Những động thái này sẽ đẩy thuế nhập khẩu của Mỹ trở lại mức cao kỷ lục ghi nhận vào năm 1930 và làm gia tăng lạm phát, sụp đổ mối quan hệ thương mại đa phương, kích động các biện pháp trả đũa và thậm chí tái cấu trúc toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong lịch sử, chính sách thuế quan thường được sử dụng để bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa trước sự cạnh tranh từ nước ngoài khi tăng giá thành hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc chi phí tăng thường được chuyển dần qua các khâu trong chuỗi cung ứng và cuối cùng là đến tay người tiêu dùng. Hiện tượng này đã được thể hiện rõ trong các tranh chấp thương mại trước đây giữa Mỹ và Trung Quốc.

trumptarriffs-616.jpg

Ngay từ nhiệm kỳ đầu tiên, động thái ban đầu áp dụng mức thuế 25% đối với 34 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc đã nhanh chóng leo thang thành một cuộc chiến thương mại toàn diện, với việc cả Mỹ và Trung Quốc đều áp thuế lên hàng trăm tỷ USD giá trị hàng hóa của nhau.

Mặc dù đã có một vài nhượng bộ từ cả hai phía trong thỏa thuận Giai đoạn 1 được ký vào ngày 15/1/2020 nhưng khoảng 370 tỷ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc vẫn phải chịu mức thuế cao hơn. Quỹ Thuế vụ gần đây ước tính rằng các khoản này tương đương với mức tăng thuế hàng năm từ 200 - 300 USD đối với mỗi hộ gia đình Mỹ, dựa trên dữ liệu thu thực tế.

Và trong khi doanh thu từ thuế quan của Mỹ tăng đáng kể, khoản tiền này thực chất được đóng góp bởi các công ty nhập khẩu (giảm lợi nhuận) và/hoặc người tiêu dùng (giá cao hơn). Dù thuế quan đóng góp vào ngân sách liên bang sẽ được phân bổ lại cho người dân thông qua dịch vụ công hoặc phát triển hạ tầng, chúng vẫn có khả năng làm tăng giá tiêu dùng tổng thể, dẫn đến tình trạng bất bình đẳng sâu sắc và thu hẹp các lựa chọn cho người tiêu dùng.

Theo đánh giá 4 năm từ Văn phòng Hành pháp Tổng thống, các mức thuế năm 2018-2019 đã tác động tiêu cực đến phúc lợi kinh tế tổng thể và thu nhập thực của Mỹ do giảm thương mại với Trung Quốc. Bởi lẽ, việc làm và tiền lương trong lĩnh vực sản xuất không tăng, trong khi tăng trưởng đầu tư bị kìm hãm trong ngắn hạn.

Điều này làm nổi bật lên một vấn đề quan trọng: thuế quan có thể tạo ra nguồn thu đáng kể cho chính phủ, nhưng tác động kinh tế và thay đổi trong hành vi tiêu dùng sẽ hạn chế hiệu quả của chúng như một chiến lược tài chính dài hạn.

Năm ngoái, Mỹ đã nhập khẩu 3,1 nghìn tỷ USD hàng hoá, trong đó 427 tỷ USD đến từ Trung Quốc. Nếu Tổng thống Donald Trump vẫn kiên quyết với việc áp dụng mức thuế 60% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và mức thuế từ 10-20% đối với các nước khác, doanh thu thuế quan sẽ nằm trong khoảng 523 tỷ USD đến 790 tỷ USD (giả định hành vi tiêu dùng không thay đổi). Với tổng thu nhập khả dụng của người dân Mỹ năm 2023 là 20,547 nghìn tỷ USD, mức thuế này sẽ chiếm từ 2,6% đến 3,9% thu nhập khả dụng, tức khoảng 1.500 đến 2.400 USD bình quân đầu người. "Đây sẽ là một gánh nặng kinh tế đáng kể, vì chi tiêu của người tiêu dùng thúc đẩy tới 70% nền kinh tế Mỹ", các chuyên gia ING nhận xét.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Honda và Nissan bắt tay sáp nhập

Honda - Nissan: Sáp nhập hay là "chết"?

Thông tin về việc Honda và Nissan tìm kiếm thỏa thuận sáp nhập cho thấy các nhà sản xuất ô tô đang tìm cách đối mặt với sự cạnh tranh từ Trung Quốc, thị trường trong nước đang thu hẹp cũng như mối đe dọa về thuế quan...