Trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng được nâng cấp tiên tiến ở vô số các lĩnh vực, thu hút được sự chú ý không chỉ của ngành công nghệ mà còn cả công chúng toàn cầu.
ChatGPT là một công cụ tạo văn bản đang “làm mưa, làm gió” không gian mạng trong thời gian gần đây như một ví dụ điển hình. ChatGPT, được tạo ra bởi công ty công nghệ OpenAI, sở hữu khả năng tạo ra nội dung bằng văn bản (ngày càng cầu kì và phức tạp) gần như ngay lập tức. Nó đã được sử dụng để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ chép bài ở trường học cho đến làm toán hay trả lời câu hỏi pháp lý…
Thậm chí, vào đầu tháng này, có thông tin cho rằng ấn phẩm tạp chí cho người tiêu dùng CNET đã sử dụng AI để tạo các bài báo vào cuối năm ngoái. Hành động này đã bị tạm dừng ngay sau đó vì phản ứng dữ dội trên mạng xã hội.
Thậm chí, ngay cả giới học thuật gần đây cũng đã bị rung chuyển trước thông tin ChatGPT đạt điểm cao hơn nhiều người trong kỳ thi MBA (cao học) được tổ chức tại Đại học Wharton ưu tú. Sau đó, một sự việc khác đã xảy ra ở Đại học Furman (Mỹ), khi giáo sư triết học Darren Hick bắt quả tang một sinh viên gian lận bằng ChatGPT trong bài thi. Phát hiện này đã khiến giáo sư Darren Hick cảm thấy vô cùng lo sợ với những gì có thể xảy ra trong tương lai khi trí tuệ nhân tạo ngày một hoà nhập vào thế giới con người.
Lo lắng của giáo sư Darren Hick hoàn toàn là có lý, phó giáo sư khoa học máy tính và kỹ thuật tại ĐH New York Chinmay Hegde đồng tình. “Một số công việc trong các lĩnh vực như báo chí, giáo dục, đồ họa và phần mềm có thể có nguy cơ bị ChatGPT nói riêng và AI nói chung thay thế trong tương lai”.
Giáo dục
Hiện tại, ChatGPT đã bị cấm ở các trường học ở New York (Mỹ). Nhưng trên thực tế, nó được cho là có thể dễ dàng tham gia giảng dạy, mang đến hiệu quả tốt nhất ở cấp trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông.
“Mặc dù ChatGPT vẫn còn lỗi và thiếu chính xác về một số mảng kiến thức, nhưng điều này có thể dễ dàng cải thiện thông qua cách "huấn luyện" của con người”, ông Pengcheng Shi, phó trưởng khoa khoa học máy tính và thông tin tại Học viện Công nghệ Rochester (Mỹ) giải thích.
Đối với giáo dục đại học, cả ông Pengcheng Shi và Chinmay Hegde đều khẳng định rằng các khóa học đại học vẫn cần con người đứng đầu các lớp giảng dạy, nhưng một số giáo sư NYU đã từng thừa nhận rằng, trong một số trường hppjw, AI có thể “đứng lớp” mà không cần con người giám sát.
Với lo ngại này, các nhà giáo dục đang nỗ lực đẩy mạnh thêm các ý tưởng và giải pháp để điều chỉnh phương pháp giảng dạy, kiểm tra nhằm “đối phó” với hệ thống trí tuệ nhân tạo đang ngày càng thông minh. Ở cấp độ cao hơn, việc tạo ra một chương trình, luận án độc lập về những lĩnh vực chưa được nghiên cứu thường xuyên hoặc kỹ lưỡng là điều vượt quá khả năng của AI trong thời điểm hiện tại.
Tài chính
Phố Wall có thể chứng kiến nhiều việc làm bị cắt giảm trong những năm tới, khi các công cụ bot như ChatGPT tiếp tục được nâng cấp.
“Tôi cho rằng trí tuệ nhân tạo sẽ sớm được đưa vào mảng giao dịch. Ngay cả tại một ngân hàng đầu tư, AI có thể được sử dụng để thay thế những nhân sự phụ trách kiểm kê, thu thập số liệu, hành chính…”.
Tuy nhiên, phó giáo sư Học viện Công nghệ Rochester Pengcheng Shi chắc chắn rằng các quyết định kinh tế và tài chính quan trọng sẽ luôn nằm trong tay con người, ngay cả khi các bảng dữ liệu được thực hiện bởi công nghệ.
Kỹ thuật phần mềm
Không chỉ ngành tài chính, mà các nhà thiết kế và kỹ sư trang web chịu trách nhiệm viết mã code có nguy cơ sớm trở nên … lỗi thời. “Tôi lo lắng cho những người như vậy. Giờ đây tôi có thể yêu cầu ChatGPT tạo một trang web cơ bản, do vậy, những người phụ trách làm công việc này có thể sẽ không còn cần thiết nữa”, Phó giáo sư Chinmay Hegde của ĐH New York cảnh báo.
Về bản chất, AI có thể soạn thảo mã và được điều chỉnh thủ công theo yêu cầu và tham số của người dùng để xây dựng trang web và các phần khác của CNTT.
Phó giáo sư Pengcheng Shi nhận định, vào năm 2026, rất có thể một số công việc thiết kế phần mềm đơn giản được thực hiện bởi con người sẽ không còn có giá trị. “Thời gian trôi qua, có thể là hôm nay hoặc 3, 5, 10 năm nữa, những kỹ sư phần mềm đó, nếu công việc của họ chỉ là viết mã code đơn thuần, thì tôi lo rằng họ khó có thể trụ vững được trong nghề”.
Báo chí
Tuy rằng báo chí không phải là một ngành nghề có thể dễ dàng bị thay thế bởi AI, nhưng có những yếu tố trong báo chí mà AI có thể mang đến nhiều lợi ích.
“Thu thập thông tin chắc chắn là thứ mà ChatGPT làm tốt. Tóm tắt, làm cho một bài báo trở nên súc tích là thứ mà nó có thể thực hiện được. Nhưng một thiếu sót lớn hiện nay là công cụ này không có khả năng kiểm tra thực tế một cách hiệu quả”.
“Bạn có thể yêu cầu nó tìm kiếm thông tin về một bài luận, viết một đoạn trích dẫn, nhưng thường thì độ xác thực của những thông tin này là khá kém,” phó giáo sư Chinmay Hegde lưu ý. “Đó là điều mà các nhà sáng tạo AI đều biết, nhưng quả thực chưa biết cách khắc phục điều đó”.
Thiết kế đồ họa
Vào năm 2021, OpenAI, nhà phát triển ChatGPT, đã ra mắt công cụ tạo hình ảnh theo lệnh âm thanh. Nối tiếp sau đó là bản sao như Craiyon, Stable Diffusion và Midjourney, khiến loại công cụ này đang là mối lo lớn đối với nhiều nhân sự trong ngành thiết kế đồ họa.
Lấy ví dụ, phó giáo sư Pengcheng Shi gần đây đã ra lệnh cho DALL-E thực hiện một bức chân dung lập thể về những chú thỏ cho Tết Nguyên đán, mà theo bình luận của ông là mang đến một kết quả tuyệt vời.
Tuy nhiên, mặc dù DALL-E nắm bắt được phong cách hội họa lấy cảm hứng từ Picasso, nhưng ông Pengcheng Shi nhận thấy rằng nó không thành công với các kỹ thuật hội hoạ mang nhiều sắc thái, đường nét hơn - phơi bày một thiếu sót hiện tại trong công nghệ.
“Tôi đã yêu cầu nó làm theo phong cách Matisse nhưng lại chẳng được đẹp cho lắm”, ông Shi thừa nhận.
Nhiều quy định về bản quyền cũng đang được bổ sung vì sự xuất hiện của công nghệ mới này. Getty Images gần đây đã công bố vụ kiện pháp lý chống lại Stability AI, công ty mẹ của Stable Diffusion, với cáo buộc công ty sao chép và xử lý bất hợp pháp hàng triệu hình ảnh được bảo vệ bản quyền Getty Images.