Nhiếp ảnh gia Jenny Hạnh: "Dù không có chữ ký, họ vẫn luôn nhận ra ảnh của tôi"

Nhiếp ảnh gia Jenny Hạnh chia sẻ, thương hiệu cá nhân của người làm kinh doanh chắc chắn là yếu tố hàng đầu quyết định sự thành công, đặc biệt trong nghề nhiếp ảnh...
Nhiếp ảnh gia Jenny Hạnh: "Dù không có chữ ký, họ vẫn luôn nhận ra ảnh của tôi"

Chị có thể chia sẻ về thời gian ở Ý và bắt đầu công việc của mình như thế nào? Và vì sao chị lại quyết định làm công việc hiện nay?

Tôi đã đến Ý cách đây 12 năm. Trước đó ở Việt Nam tôi tốt nghiệp ĐHSP Ngữ văn và làm một số nghề không hề liên quan đến nhiếp ảnh. Tuy nhiên, từ năm học lớp 10 tôi đã dành dụm tiền mừng tuổi để mua cho mình chiếc máy ảnh phim Kodak đầu tiên.

Đến năm 26 tuổi, khi tình cờ vào trang ảnh Flicker tôi đã say mê ngắm những bức ảnh đẹp, đặc biệt là ảnh về con người, thiên nhiên và những bức ảnh phóng sự đường phố hay đời sống thường nhật từ khắp nơi trên thế giới. Những bức ảnh đó đã thôi thúc tôi quyết định rẽ ngang theo nghề nhiếp ảnh và quyết tâm phải làm bằng được. Khi đó mạng xã hội hay youtube chưa phát triển, đặc biệt ở Việt Nam không có những lớp về nhiếp ảnh hiện đại nên tôi hoàn toàn phải tự mày mò học qua sách tiếng Anh của một số nhiếp ảnh gia người nước ngoài.

Năm 27-28 tuổi tôi bắt đầu có một chút tên tuổi trong số những người chuyên chụp cưới ở Hà Nội những năm 2009-2010. Năm 2011 tôi kết hôn với chồng là người Ý nên đã bỏ lại sự nghiệp mới có bước đầu phát triển để theo chồng sang Ý sinh sống.

Không ngờ qua đây, tôi lại có cơ hội quay lại với nghề nhiếp ảnh bằng việc tham gia một cuộc thi ảnh của thành phố về lễ hội tôn vinh vị thánh của thành phố được tổ chức 1 năm một lần. Cuộc thi đó tôi giành giải nhất.

Khi đó, tôi cũng chưa thực sự quyết định theo nghề, bắt đầu chỉ là chụp bố mẹ và con của bạn bè đồng nghiệp của chồng. Tất cả những ảnh này tôi đều xin phép để đăng lên trang web riêng. Bên cạnh đó tôi cũng không ngừng theo học các khoá học online, tự mày mò và thực hành theo các hướng dẫn trên youtube. Sau 1-2 năm, tôi quyết định mở mã số thuế cá nhân và chính thức quảng bá về dịch vụ của mình.

Jenny Hạnh

Làm thế nào để chị định vị được tên tuổi trên một thị trường mới như tại Ý - nơi mà chắc chắn sẽ có sự cạnh tranh rất lớn trong mảng chụp ảnh dịch vụ? Chị có bí quyết gì trong chiến lược gây dựng thương hiệu của mình?

Tôi nắm bắt các xu hứớng khá nhanh nên với khách hàng Ý khi đó tôi là một nhân tố mới, chụp ảnh với phong cách mà họ chưa thấy có ai chụp trước đó.

Khi mới sang tôi dành vài buổi đi quanh thành phố “ngó nghiêng” các studio về ảnh. Khi đó tôi thấy phong cách ảnh của họ vẫn kiểu cổ điển, phù hợp với thế hệ cũ vì đa số nhiếp ảnh gia là thế hệ lớn tuổi. Với con mắt và tư duy của một người trẻ so với các đồng nghiệp cùng thành phố, tôi quyết định tự mình tạo nên một thương hiệu phải khác biệt với số đông để có thể nổi bật hơn.

Để tạo nên sự khác biệt cần mất nhiều thời gian hơn. Dù có kinh nghiệm chụp ảnh cưới ở Việt Nam nhưng đây lại là mảng khá phổ biến trong ngành. Bên cạnh đó, tôi cũng nhận thấy giới trẻ Ý ngày càng có xu hướng không kết hôn nhưng vẫn xây dựng gia đình và có con với nhau. Từ đó tôi xác định đối tượng khách hàng của mình là các gia đình nhỏ có em bé, bởi đó là một thị trường mở và có nhiều tiềm năng ở bất kỳ thời điểm nào.

Ban đầu, tôi đăng quảng cáo dịch vụ chụp ảnh cho mẹ và bé nhân ngày lễ của mẹ với một mức giá khá khiêm tốn. Ngay lập tức tôi nhận được đăng ký từ 9 cặp đôi mẹ con. Từ đó tôi bắt đầu tạo dựng được tên tuổi trong vùng mình sống.

Tôi cũng rất chú trọng đến việc quảng cáo truyền miệng kết hợp với marketing trên các nền tảng mạng xã hội và Google. Quảng cáo truyền miệng là cách mình tạo dựng niểm tin với khách hàng và hiệu quả nhất vì tâm lý khách hàng vẫn luôn tin tưởng vào sự giới thiệu từ một người khác đã sử dụng dịch vụ của tôi và thấy hài lòng.

Cách tôi tạo dựng niềm tin với khách hàng chính là sự chỉn chu từ công đoạn trả lời email khách hàng, gặp và tư vấn, chụp, giao sản phẩm cuối cùng. Ngoài việc tạo dựng niềm tin với khách hàng thì tạo dựng một hồ sơ đẹp cũng rất quan trọng trong nghề nhiếp ảnh, vì vậy việc đầu tiên là xây dựng một website đẹp, rõ ràng với hình ảnh sinh động, nội dung hấp dẫn, có đầy đủ từ khóa phù hợp để công cụ SEO hoạt động hiệu quả.

Nghề nhiếp ảnh là nghề mà cần phải không ngừng cập nhật và học hỏi nên ngoài những yếu tố bên trên thì yếu quan trọng nhất chính là bản thân phải không ngừng sáng tạo và gây ấn tượng mới với cách khách hàng. Chính vì thế tôi tâm niệm rằng mình không được đi mãi trên một lối mòn quen thuộc.

Tôi muốn khách hàng cảm thấy họ là một người đặc biệt trong những bức ảnh  bởi vì mỗi người đều là một cá thể độc đáo. Đến thời điểm này thì tôi đã có một số thành công nhất định trong nghề cũng như truyền tải lại kinh nghiệm làm nghề cho các bạn khác thông qua workshop nhiếp ảnh hàng năm ở Ý cũng như Việt Nam.

Jenny Hanh

Theo chị thương hiệu cá nhân của một người làm kinh doanh có quan trọng không? Và chị đang làm cách nào để xây dựng thương hiệu cá nhân của riêng mình?

Thương hiệu cá nhân của người làm kinh doanh chắc chắn là yếu tố hàng đầu quyết định sự thành công, đặc biệt trong nghề nhiếp ảnh. Bởi nếu không xây dựng một thương hiệu tốt, rất khó để có thể sống được bằng nghề lâu dài.

Có rất nhiều khách hàng nói với tôi rằng khi họ nhìn thấy một bức ảnh được chia sẻ, dù không có chữ ký, họ vẫn nhận ra đó là ảnh của Jenny Hạnh.

Với tôi đó chính là điều mà mình luôn hướng tới. Tôi luôn giữ cho mình một chất ảnh khá thống nhất và hài hoà dù chụp ảnh ở các thể loại khác nhau. Tôi hướng tới sự đơn giản, thiên về bố cục cân đối và điều quan trọng nhất là cảm xúc của bức ảnh.

Chị tự đánh giá phân khúc khách hàng của mình là gì? Đối thủ cạnh tranh cùng phân khúc với chị? Và chị đang áp dụng chiến lược gì để có lợi thế cạnh tranh hơn?

Ngay từ đầu khi lập nghiệp tôi xác định đối tượng khách hàng của mình là phân khúc khách hàng trung bình khá đến cao cấp nên không xác định cung cấp dịch vụ giá rẻ. Đó cũng chính là cách để lọc được tệp khách hàng có khả năng chi trả và coi trọng giá trị công việc của một nhiếp ảnh gia.
Đối thủ cạnh tranh cùng phân khúc là các nhiếp ảnh địa phương và khu vực lân cận. Để có lợi thế, tôi áp dụng chiến lược tăng cường chất lượng dịch vụ, luôn sáng tạo, thay đổi concept và ý tưởng mới liên tục, tư vấn cho khách hàng những concept phù hợp với họ.

Bên cạnh đó việc xây dựng mối quan hệ tốt với khách hàng là cách để tôi tạo sự khác biệt. Ngoài ra tôi cũng thường tham gia các sự kiện liên quan đến nhiếp ảnh, các hội chợ ngành ảnh để học hỏi và nâng cao tay nghề cũng như lắng nghe kinh nghiệm, chia sẻ của những người đồng nghiệp khác.

Làm cách nào để chị tiếp cận được khách hàng mục tiêu? Và mức giá chị đang đặt được xây dựng dựa trên căn cứ như thế nào?

Phân khúc khách hàng mà tôi đang phục vụ khách hàng ở lứa tuổi 30-45 là chủ yếu cho các sự kiện như đám cưới, gia đình, chụp ảnh sơ sinh và chụp ảnh chân dung cá nhân. Mức giá của được xây dựng dựa trên nhiều yếu tố: Thời gian chụp, số lượng ảnh cần chụp, địa điểm chụp và các yêu cầu đặc biệt của khách hàng...

Để tiếp cận được đối tượng khách hàng này tôi sử dụng các kiêng truyền thông xã hội như Facebook, Instagram và website cá nhân để giới thiệu, quảng cáo các dịch vụ cũng như chia sẻ những tác phẩm nhiếp ảnh của mình. Ngoài ra tôi cũng tham gia các sự kiện trong thành phố có liên quan và đăng ký một gian hàng trưng bày ảnh, album, và tờ quảng cáo dịch vụ chi tiết các gói chụp mà tôi đang cung cấp.

Jenny Hanh

Chị có thể kể kỷ niệm đáng nhớ nhất, kỳ niệm muốn quên hoặc khó khăn và thuận lợi gì khi kinh doanh ở thị trường mà mình không phải là dân bản địa?

Tôi sẽ nói về khó khăn trước, là một nhiếp ảnh gia nước ngoài nên khó khăn đầu tiên là rào cản ngôn ngữ, tôi đã phải học hỏi rất nhiều để có thể giao tiếp với khách hàng. Thời gian đầu nhiều khi phải dùng google dịch và kiểm tra lại với một người Ý về ngữ pháp mỗi khi trả lời mail hay post nội dung lên trang Facebook. Ngoài ra rào cản ngôn ngữ khiến cho việc tìm hiểu về văn hoá, luật pháp và các quy định về nhiếp ảnh ở từng nước cũng mất nhiều thời gian hơn.

Thứ hai đó là thị trường nhiếp ảnh của mỗi nước đều có sự khác biệt về tiêu chuẩn ảnh, phong cách, sở thích, văn hoá, tư duy khác nhau, điều này làm cho việc tiếp cận và hiểu rõ thị trường từng địa phương bước đầu rất khó khăn.

Thứ ba đó là đối thủ cạnh tranh - những nhiếp ảnh gia bản địa đã có sự hiểu biết về thị trường và quen thuộc với khách hàng địa phương. Điều này làm cho việc cạnh tranh và xây dựng thuơng hiệu mới cho người nước ngoài như tôi khó khăn hơn.

Còn về thuận lợi, tôi cho rằng mình có thể mang đến sự sáng tạo và cái nhìn khác biệt với tư cách là người nước ngoài cũng như những kinh nghiệm mình đã tiếp thu được trong quá khứ. 

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi là được một khách hàng rất trẻ người Mỹ book dịch vụ chụp ảnh cầu hôn. Khách hàng yêu cầu tìm một nơi vắng vẻ và đẹp để anh ấy có thể bất ngờ cầu hôn bạn gái của mình.

Khi tôi hỏi là bạn có bị giới hạn về ngân sách không thì bạn ấy trả lời bạn ấy không có, miễn là mọi thứ phải đẹp nhất có thể. Tôi đã tư vấn và giúp bạn ấy thuê một hòn đảo riêng, thuê trực thăng riêng, và sắp xếp một góc vô cùng lãng mạn bên một bãi biển riêng trên đảo.

Và vì vị khách đó không thể chốt được lịch cố định để đưa bạn gái tới địa điểm đã chọn (Vì lý do tất cả phải diễn ra thật bí mật, thật bất ngờ) nên thời điểm anh sắp được lịch với người yêu, thì tôi lại... đang ở Việt Nam. Và bạn ấy đã sẵn sàng trả tiền vé máy bay giá cao từ Việt Nam cho tôi bay về trước 1 ngày so với dự kiến ban đầu. Tôi cùng bay trực thăng cùng 2 bạn, và cảm xúc cũng vỡ oà khi cô gái ngỡ ngàng xúc động khi bạn trai bất ngờ quỳ gối cầu hôn.

Jenny Hanh

Tôi đã run rẩy khi bấm máy những bức hình tràn đầy cảm xúc của đôi bạn trẻ. Nhìn hai bạn nhảy dưới những dưới ánh nắng của buổi chiều hoàng hôn mà tôi cũng rộn ràng hạnh phúc theo. Đó có lẽ là kỷ niệm đẹp nhất trong nghề ảnh mà tôi không thể nào quên.
Kỷ niệm muốn quên thì tôi không có vì tôi vốn chỉ nhớ những điều tốt đẹp mà thôi (cười).

Theo chị, sự ra đời của các siêu Smartphone cùng app chỉnh sửa ảnh... có ảnh hưởng gì đến thị trường, nhu cầu của khách hàng không?

Định hướng phát triển của tôi trong thời gian tới là tập trung vào khách hàng, tiếp tục tìm hiểu về nhu cầu và sở thích của họ để cung cấp những sản phẩm nhiếp ảnh phù hợp và chất lượng cao nhất.

Bên cạnh đó, tôi vẫn luôn nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư vào các công nghệ mới để cải thiện chất lượng sản phẩm nhiếp ảnh đồng thời không quên cập nhật những xu hướng mới nhất trong ngành.

Quảng bá thương hiệu cũng là một yếu tố tôi luôn đặt trọng tâm. Tôi muốn tiếp tục xây dựng thương hiệu của mình và quảng bá sản phẩm trên các nền tảng trực tuyến và các sự kiện, triển lãm để thu hút khách hàng.

Về câu chuyện ra đời của các siêu Smartphone cùng app chỉnh sửa ảnh, rõ ràng có thể thấy chúng đã có ảnh hưởng lớn đến thị trường và nhu cầu của khách hàng trong ngành nhiếp ảnh. Smartphone hiện nay đã được trang bị nhiều tính năng nhiếp ảnh chuyên nghiệp, từ camera chính đến camera phụ và cảm biến ảnh. Điều này đã giúp cho việc chụp ảnh trở nên dễ dàng hơn và nhu cầu của khách hàng về nhiếp ảnh trở nên tăng cao.

Ngoài ra, các app chỉnh sửa ảnh cũng đã đem lại nhiều tiện ích cho người dùng. Chúng giúp người dùng có thể chỉnh sửa ảnh theo ý muốn một cách dễ dàng và nhanh chóng. Tuy nhiên, với việc sử dụng các app chỉnh sửa ảnh, đôi khi khách hàng chỉ có thể lưu lại bức ảnh với dung lượng thấp, chất lượng không rõ nét như các sản phẩm được chụp và chỉnh sửa chuyên nghiệp từ các nhiếp ảnh gia. Do đó, những sản phẩm nhiếp ảnh chất lượng cao, được chụp và chỉnh sửa bởi các chuyên gia vẫn luôn được khách hàng đánh giá cao.

Siêu smartphone và các ứng dụng chỉnh sửa ảnh là một xu hướng không thể tránh khỏi trong thời đại công nghệ hiện nay. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải sử dụng những công cụ này một cách thông minh và tinh tế, để tạo ra những tác phẩm nhiếp ảnh chất lượng cao và đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Các công cụ chỉnh sửa ảnh cũng có thể giúp tiếp cận khách hàng mới và thu hút được đối tượng khách hàng khác nhau, từ đó mở rộng thị trường. Bản thân nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp cũng nên nắm bắt cập nhật công nghệ mới liên tục và biết cách khai thác sử dụng các công nghệ mới này để phát triển và tạo hiệu quả tốt cho các sản phẩm và dịch vụ của mình.

Jenny Hạnh

Chị có thể chia sẻ bí quyết tiếp cận và làm việc với phân khúc khách hàng hạng sang ở Việt Nam và quốc tế? 

Để tiếp cận được phân khúc khách hàng hạng sang, điều quan trọng là phải hiểu rõ nhu cầu và mong muốn của khách hàng trong phân khúc này. Họ là những người thường có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm và dịch vụ, cũng như có ngân sách cao hơn so với các phân khúc khách hàng khác. Do đó, để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng hạng sang, nhiếp ảnh gia cần phải đầu tư vào chất lượng sản phẩm và dịch vụ của mình, từ việc lựa chọn thiết bị, phần mềm, đến việc tạo ra một trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng.

Đối với việc tiếp cận thị trường châu Âu, cần phải tìm hiểu kỹ về quy định pháp luật và thị trường của từng quốc gia trong khu vực. Việc hiểu rõ văn hóa, tâm lý và thói quen mua sắm của người tiêu dùng trong từng quốc gia cũng là rất quan trọng. Để chạm được tới phân khúc khách hàng hạng sang ở châu Âu, nhiếp ảnh gia cần tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm và dịch vụ của mình, và đưa ra lời giải pháp tốt nhất cho khách hàng.

Cụ thể, trong dịch vụ chụp ảnh, có một số bí quyết cần lưu ý như sau:

Chất lượng ảnh: Khách hàng hạng sang luôn đặt yêu cầu cao về chất lượng ảnh, vì vậy, cần phải có kỹ năng chụp ảnh và xử lý ảnh tốt để đáp ứng nhu cầu của họ.

Dịch vụ chuyên nghiệp: Khách hàng hạng sang mong muốn được phục vụ một cách chuyên nghiệp và tận tình, nên nhiếp ảnh gia cần phải có khả năng giao tiếp tốt để tư vấn cho khách hàng về dịch vụ và phong cách phù hợp.

Thiết kế gói dịch vụ hấp dẫn: Cần tạo ra các gói dịch vụ hấp dẫn với mức giá cao hơn so với các phân khúc khác để thu hút khách hàng hạng sang, bao gồm dịch vụ chụp ảnh chuyên nghiệp, dịch vụ trình chiếu ảnh, thiết kế album ảnh sang trọng, in ảnh chất lượng cao, ...

Xây dựng thương hiệu: Để được khách hàng hạng sang tin tưởng và lựa chọn, hãy xây dựng một thương hiệu uy tín, chuyên nghiệp và sang trọng. Tận dụng các kênh quảng cáo và truyền thông để giới thiệu về dịch vụ của mình đến khách hàng. 

Marketing: Website, Portfolio đẹp là một lợi thế. Đăng nhiều hình ảnh có liên quan đến đồ sang trọng, phản ảnh chủ thể và không gian sao cho bức ảnh của bạn thuyết phục được tập khách hàng cao cấp.

Giá cả phải phù hợp với chất lượng dịch vụ: Khách hàng hạng sang đều có khả năng chi trả cao, tuy nhiên, giá cả cũng cần phải phù hợp với chất lượng dịch vụ. Vì vậy, hãy tìm hiểu về thị trường và định giá dịch vụ một cách tương xứng để thu hút được khách hàng. 

Cảm ơn chị về những chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm