Nợ toàn cầu đánh dấu mức giảm đầu tiên sau 7 năm

Sự phục hồi kinh tế sau đại dịch vào năm 2022 đã giúp khối nợ trong nền kinh tế toàn cầu đã có mức giảm đầu tiên kể từ năm 2015…

Dựa trên báo cáo của Viện Tài chính Quốc tế (IFF) ước tính, tổng giá trị nợ toàn cầu đã giảm khoảng 4 nghìn tỷ USD xuống dưới ngưỡng 300 nghìn tỷ USD của năm 2021. 

Cụ thể, tổng nợ của các thị trường mới nổi đã chứng kiến độ giảm khoảng 6 nghìn tỷ USD xuống còn 200 nghìn tỷ USD trong năm 2022. 

Ngược lại, số nợ của các nước đang phát triển đạt mức cao kỷ lục mới là 98 nghìn tỷ USD với Nga, Singapore, Ấn Độ, Mexico và Việt Nam có mức gia tăng lớn nhất.

Hiện tại, tỷ lệ nợ trên GDP toàn cầu đã giảm hơn 12 điểm phần trăm xuống còn 338% GDP, đánh dấu mức giảm hàng năm thứ hai liên tiếp.

Mặc dù vậy, sự cải thiện này một lần nữa được thúc đẩy bởi các thị trường phát triển với mức giảm tổng thể 20 điểm phần trăm xuống còn 390%. Tỷ lệ nợ của các thị trường mới nổi đã tăng 2 điểm phần trăm lên 250% GDP, chủ yếu vì Trung Quốc và Singapore.

Phân tích sâu hơn vào các con số, IIF ước tính tỷ lệ nợ chính phủ so với GDP của các nền kinh tế mới nổi tăng lên 65% trong năm 2022, từ mức dưới 64% của một năm trước đó. "Gánh nặng nợ công bên ngoài của nhiều nước đang phát triển trở nên tồi tệ hơn do đồng nội tệ mất giá mạnh so với USD trong năm 2022”, IIF cho biết.

Viện Tài chính cũng đồng thời lưu ý thêm rằng sự mất giá đồng nội tệ của các nước đang phát triển đã khiến nhu cầu từ các nhà đầu tư quốc tế sụt giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm và khó có thể sớm phục hồi nào trong thời gian.

Nhìn lại giai đoạn 2015 - 2016

Nợ công năm 2022 đã chứng kiến mức giảm đầu tiên kể từ 2015. Nhưng liệu năm 2023 có chứng kiến lịch sử lặp lại một lần nữa hay không? Câu hỏi này được đặt ra là bởi vào năm 2016, nợ toàn cầu đã tăng vọt trở lại, thêm 7,6 nghìn tỷ USD lên 215 nghìn tỷ USD, tương đương 325% tổng sản phẩm quốc nội của thế giới bởi tốc độ phát hành nợ nhanh chóng tại các thị trường mới nổi. 

Nợ của các thị trường mới nổi đã chứng kiến mức gia tăng vượt bậc lên 55 nghìn tỷ USD trong năm 2016, tương đương 215% GDP của họ. Điều này được thúc đẩy chủ yếu bởi nợ doanh nghiệp phi tài chính.

Phần lớn sự gia tăng nợ của thị trường mới nổi là ở đồng nội tệ, lên tới hơn 48,5 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2016 so với 43 nghìn tỷ USD của năm 2015. Nợ mới ở các thị trường mới nổi đã gia tăng ở tốc độ đáng kể, từ mức 9 nghìn tỷ USD trong khoảng 1996 - 2006 lên 40 nghìn tỷ USD từ 2006 - 2016. 

Bên cạnh đó, các quốc gia phát triển chiếm tới 160 nghìn tỷ USD trong tổng số tỷ trọng nợ toàn cầu, gấp gần 4 lần (tương đương 390% GDP) tổng GDP của các thị trường đó cộng lại. Mức tăng này chủ yếu đến từ các chính phủ, với nợ công của Mỹ và Vương quốc Anh tăng hơn gấp đôi kể từ 2006. Nhật Bản và các thị trường phát triển ở châu Âu cũng đã chứng kiến nợ công chưa thanh toán tăng khoảng 50% trong năm đó. 

Bền vững nợ?

Trong một phân tích mới đây, ngân hàng đầu tư JPMorgan đã có một cách nhìn khác về tình hình nợ toàn cầu. Ngân hàng nhấn mạnh trong một phân tích vào 22/2 rằng mặc dù nợ ở các thị trường phát triển đã giảm nhẹ vào 2022, nhưng đà nợ của nhóm nước này có thể coi như một sự bùng nổ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. 

JPMorgan tính toán, tỷ trọng nợ công trên GDP ở thị trường phát triển đã tăng lên 122% từ mức 73% trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính. Trong đó, 13 trong số 21 nền kinh tế lớn đã chứng kiến tỷ lệ nợ công  so với GDP tăng trên 30 điểm phần trăm và ở 8 nền kinh tế còn lại là hơn 45%. 

Mức tăng gần 50% trong giai đoạn 15 năm (từ 2008 đến nay) là một con số đáng chú ý. Bởi trong khoảng thời gian 40 năm trước khủng hoảng tài chính - bao gồm cả giai đoạn stagflation (lạm phát kèm suy thoái) năm 1970, tỷ lệ nợ công so với GDP chỉ tăng 40 điểm phần trăm. 

“Sự thay đổi vượt bậc của nợ trong 15 năm qua đặt ra câu hỏi về tính bền vững”, các nhà phân tích của JPMorgan cho biết, đồng thời chỉ ra sự hỗn loạn trên thị trường tài chính Vương quốc Anh khi chính quyền cựu Thủ tướng Liz Truss đưa ra các kế hoạch cắt giảm thuế trong khi chi tiêu ồ ạt. 

Dựa trên khuôn khổ bền vững nợ, các nhà phân tích của JPMorgan cũng ước tính rằng cân đối cơ bản (primary balance) của các thị trường phát triển sẽ cần phải cải thiện trung bình 3,8 điểm phần trăm so với mức âm 3,4% GDP hiện tại chỉ để giữ cho nợ không tăng thêm. 

Bền vững nợ ở Mỹ sẽ cần tới mức cải thiện 4,4% trong khi ở Nhật Bản, quốc gia có mức nợ cao nhất trong số các nền kinh tế lớn, mức độ thắt chặt cần đạt 9 điểm phần trăm. Nếu toàn bộ thị trường phát triển mong muốn giảm nợ xuống mức trước khủng hoảng tài chính 2008, thì việc giảm gần 40 điểm phần trăm ở tỷ lệ nợ so với GDP sẽ đòi hỏi thặng dư cho vay sơ cấp là 4,3% trong 10 năm, cũng là mức thắt chặt tài khoá 7,7 điểm phần trăm duy trì trong một thập kỷ.

Có thể bạn quan tâm