Ông Huỳnh Thanh Vạn: Covid-19 buộc các DN phải nhìn lại hệ thống quản trị rủi ro

Đại dịch COVID-19 ập đến một lần nữa cho thấy, môi trường kinh doanh ẩn chứa nhiều rủi ro. Nếu không phòng bị tốt nhất, DN sẽ phải đối diện với nhiều nguy cơ. Thương Gia đã trao đổi với ông Huỳnh Thanh Vạn, Chủ tịch S Furniture xung quanh vấn đề này.
Ông Huỳnh Thanh Vạn: Covid-19 buộc các DN phải nhìn lại hệ thống quản trị rủi ro

Covid-19 là thử thách lớn nhất từ khi khởi nghiệp

Xin ông cho biết những tác động của đại dịch COVID-19 đến hoạt động xuất khẩu đồ gỗ nói chung và hoạt động của S Furniture nói riêng trong thời gian vừa qua?

Ngành xuất khẩu đồ gỗ bước vào năm 2020 hừng hực khí thế khi đã có những nền tảng và kết quả rất tốt trong năm 2019. Chính phủ và các DN đều kỳ vọng năm 2020 sẽ tiếp tục là một năm tăng trưởng ấn tượng của ngành gỗ với mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 12,5 tỷ USD.

Đây là mục tiêu hoàn toàn khả thi bởi thị trường có nhiều thuận lợi và ngành gỗ Việt Nam cũng đã tạo được vị thế, uy tín trên thị trường quốc tế, đơn hàng khá dồi dào. Tuy nhiên, bất ngờ đã xảy ra khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu. Đỉnh điểm của đại dịch là quý 2/2020 khi hàng loạt các quốc gia thực hiện lệnh phong tỏa, khiến hoạt động kinh tế, giao thương hoàn toàn tê liệt. Riêng với S Furniture, đơn hàng xuất khẩu đã giảm đến 70% trong quý này. Hàng hóa không xuất đi được cộng với việc Chính phủ thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội khiến hoạt động của công ty gần như bị ngưng trệ.

Từ khi khởi nghiệp, tôi phải đối diện với không ít khó khăn, nhất là khi dòng tiền bị “gãy” phải chật vật xoay xở nhưng đại dịch COVID-19 là một thử thách thực sự lớn, có thể nói là lớn nhất từ khi tôi khởi nghiệp kinh doanh.

Và ông đã xoay sở thế nào để vượt qua?

Điều may mắn là tôi vốn có sở thích nghiên cứu về kinh doanh và đã áp dụng những chuẩn mực kinh doanh vào DN của mình, trong đó việc xây dựng hệ thống phòng ngừa rủi ro, dành một khoản tích lũy nhất định để lường trước những khó khăn có thể xảy ra.

Khi đại dịch COVID-19 ập đến, chúng tôi ngay lập tức “kích hoạt” hệ thống này, rà soát tất cả các hoạt động của công ty và tiến hành điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới. Ở thời điểm gần như không thể đoán định được về diễn biến của dịch bệnh và các “sức khỏe” của các đối tác nhập khẩu thế nào, chúng tôi buộc phải xem xét lại kế hoạch đầu tư, cái nào thực sự sự cần thiết thì mới triển khai; xem xét lại các định mức tiêu hao trong sản xuất, cắt giảm hầu hết các chi phí không cần thiết để tập trung chăm lo, giữ ổn định tâm lý, đời sống cho cán bộ, nhân viên.

Bên cạnh đó thì dưới tác động đại dịch,tình hình tài chính, năng lực của nhiều khách hàng, đối tác mới bộc lộ và đây là cơ hội tốt để chúng tôi đánh giá lại “tệp” khách hàng, đối tác của mình để tái cơ cấu một cách phù hợp.

Ngoài ra, chúng tôi cũng tận dụng “khoảng dừng” này để nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới, tìm kiếm đối tác mới, thị trường mới, sẵn sàng kinh doanh khi dịch được kiểm soát. Kết quả của nỗ lực này là chúng tôi đã có sản phẩm mới là sofa để xuất khẩu đi thị trường Mỹ với số lượng mỗi tháng hiện nay vào khoảng hơn 40 container.

Ngành gỗ sẽ đạt và vượt mục tiêu xuất khẩu 12,5 tỷ USD

Như ông chia sẻ, COVID-19 đã tác động rất lớn nhưng theo thống kê, ngành xuất khẩu gỗ vẫn tăng trưởng tốt, đạt gần 9 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2020, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái, vì sao vậy?

Đây là kết quả gây nhạc nhiên với nhiều người. Ngay cả với S Furniture, chúng tôi cũng bất ngờ với sự phục hồi của các đơn hàng, hiện nay đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng đơn hàng tăng vọt này sẽ bù đắp cho sự sụt giảm nghiêm trọng trong quý 2 nên với S Furniture, đến thời điểm này, chúng tôi tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch doanh thu năm 2020.

Và với mức tăng trưởng 12% - 15%, thậm chí có thể hơn khi châu Âu và châu Mỹ bước vào cao điểm mua sắm dịp Noel cuối năm thì việc ngành gỗ đạt và vượt mục tiêu giá trị xuất khẩu 12,5 tỷ USD là hoàn toàn khả thi.

Tôi cho rằng, kết quả này trước hết đến từ việc Chính phủ Việt Nam đã khống chế thành công dịch COVID-19, tạo sự tin cậy rất lớn cho các đối tác nhập khẩu. Mặt khác, phải kể đến sự dịch chuyển đơn hàng từ thị trường Trung Quốc do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Thêm nữa là tâm lý vững vàng của người tiêu dùng các nước, dù dịch bệnh như vậy nhưng vẫn duy trì nhu cầu mua sắm hàng hóa, tiêu dùng. Chính phủ các nước cũng thực thi song song các biện pháp vừa chống dịch, vừa duy trì các hoạt động kinh tế...

Ông có lời khuyên nào đối với các DN, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường?

Đại dịch COVID-19 là minh chứng cho thấy rủi ro luôn thường trực trong hoạt động kinh doanh, buộc các DN chúng ta phải nhìn nhận và xây dựng hệ thống phòng ngừa rủi ro một cách nghiêm túc.

Khi làm Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia khu vực phía Nam, tôi thường xuyên giao lưu, trao đổi với nhiều doanh nhân, sinh viên về khởi nghiệp. Một trong những điều tôi luôn nhấn mạnh là phải luôn phòng ngừa rủi ro trong kinh doanh, luôn biết phòng bị, đừng có“đánh cược”tất cả vốn liếng, có bao nhiêu dùng bằng sạch, thậm chí vay mượn tứ tung để rồi khi thất bại không còn gì để gượng dậy.

Đối với các DN, tôi không dám khuyên gì vì mỗi DN có đặc điểm riêng. Tuy nhiên, ở vào tình thế đại dịch COVID-19 xảy đến, đối tác thanh toán chậm, ngân hàng thì siết tín dụng hạn chế cho vay vì bản thân họ cũng sợ rủi ro, nếu chúng ta không chuẩn bị nguồn lực dự trữ từ trước thì dòng tiền DN sẽ bị “gãy”, hậu quả rất khó lường.

Có thể bạn quan tâm