Peeradechapan lọt vào top 50 người giàu nhất Thái Lan nhờ sản xuất snack rong biển

Công ty snack rong biển Taokaenoi, có nghĩa là “ông chủ nhỏ” trong tiếng Thái, được thành lập bởi doanh nhân 32 tuổi Itthipat Peeradechapan, người từng bỏ dở đại học và bán hạt dẻ nướng.
Peeradechapan lọt vào top 50 người giàu nhất Thái Lan nhờ sản xuất snack rong biển

Hiện anh là một trong những biểu tượng thành công của giới trẻ Thái Lan.

Năm 2017, Peeradechapan lọt vào top 50 người giàu nhất Thái Lan với tài sản 610 triệu USD, xếp vị trí thứ 44. Anh cũng là người trẻ nhất trong danh sách này.

Tham vọng thành thương hiệu toàn cầu

Snack rong biển Taokaenoi giòn, mỏng được tẩm nhiều hương vị khác nhau từ tom yum (canh chua đặc sản của Thái) cho tới wasabi.

Taokaenoi hiện thống trị thị trường snack rong biển tại Thái Lan với hơn 2/3 thị phần. Cạnh tranh sát nút là sản phẩm Masita của công ty Singha thuộc sở hữu của ông trùm ngành bia Santi Bhirombhakdi với 19% thị phần.

 “Kể từ khi lên sàn chứng khoán vào năm 2015, cổ phiếu Taokaenoi đã tăng gấp 5 lần với tốc độ “ngoài mong đợi”, Kongkiat Opaswongkarn, Giám đốc điều hành của Asia Plus Securities, nhận định. Năm 2016, doanh thu của Taokaenoi tăng gấp 3 lần lên 136 triệu USD.

Giới phân tích cho rằng tình hình khả quan của cổ phiếu Taokaenoi sau khi lên sàn cũng nhờ doanh số tăng ở Trung Quốc - thị trường nước ngoài lớn nhất của công ty này với hơn 1/3 doanh thu.

Itthipat Peeradechapan cho biết Taokaenoi đang hướng tới mục tiêu trở thành thương hiệu toàn cầu.

“Điểm đến tiếp theo của chúng tôi là Mỹ, thị trường snack lớn nhất thế giới”, Peeradechapan cho biết. Tại Mỹ, cũng như ở Trung Quốc, Taokaenoi sẽ phải cạnh tranh với các đối thủ đến trước của Hàn Quốc và Nhật Bản.

Hiện Taokaenoi đang chuẩn bị tăng gấp đôi sản lượng hàng năm lên 12.000 tấn. Một nửa trong số 42 triệu USD huy động trong đợt IPO được dùng để xây một nhà máy mới chuyên sản xuất để xuất khẩu. Có diện tích hơn 28.000 m2, nhà máy này nằm ngay cạnh nhà máy khoai tây chiên Lay của PepsiCo.

Sản xuất theo lối thủ công tốn sức giờ đây được thay thế bằng dây chuyền tự động với máy móc nhập khẩu từ Hàn Quốc và Nhật cùng một số thiết bị tự chế tạo tại nhà máy. Giám đốc điều hành Boonchai Kowpanich, người phụ trách giám sát hoạt động của cơ sở mới mở, cho biết nhà máy này cần khoảng 1.000 nhân viên, bằng 1/3 tại nhà máy cũ.

Theo nhà phân tích Uraiwan Tantisuwannakul của CIMB Securities (Thái Lan), chính sách thuế mới cùng với năng suất cao và tiết kiệm chi phí giúp Taokaenoi ngày càng trở nên cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, bà này cũng cho rằng công ty vẫn phải đối mặt với rủi ro khi giá nguyên liệu thô tăng và rong biển không có sẵn trong nước.

Hiện nguồn nguyên liệu của Taokaenoi chủ yếu nhập khẩu từ Hàn Quốc, nhưng Peeradechapan cho biết công ty vẫn đảm bảo “tính cạnh tranh”. Nâng cao năng suất và thúc đẩy xuất khẩu là việc hết sức quan trọng để đạt mục tiêu tăng gấp đôi doanh thu vào năm 2024.

Khởi đầu khó khăn

Peeradechapan lọt vào top 50 người giàu nhất Thái Lan nhờ sản xuất snack rong biển ảnh 1

Gia đình phá sản, từ khi còn học trung học Peeradechapan đã buôn bán nhiều thứ để phụ giúp gia đình. Sau năm thứ nhất đại học, anh bỏ học để “làm kinh doanh thật sự".

Anh quyết định đi bán hạt dẻ nướng sau khi tham quan một hội chợ về thực phẩm. Với số tiền tiết kiệm 7.200 USD, Peeradechapan mua thiết bị và làm một quầy bán hàng trong trung tâm thương mại. Nhưng doanh thu không mấy khả quan khiến anh nghĩ đến việc đóng quầy và đi làm việc cho cửa hàng McDonald's đối diện.

Tuy nhiên, khi thay đổi vị trí đặt quầy gần khu tính tiền của siêu thị Tesco Lotus, Peeradechapan nhận ra rằng địa điểm chính là yếu tố then chốt để thúc đẩy doanh thu. Sau đó, anh mở rộng ra 30 địa điểm nữa với 50 nhân viên và đạt doanh thu 87.000 USD/tháng.

“Đó là khởi đầu không tồi với một chàng trai 19 tuổi”, Peeradechapan chia sẻ.

Tuy nhiên, sau đó, Tesco Lotus thay đổi cách quản lý và yêu cầu anh chuyển quầy hàng xuống khu đỗ xe. Việc này khiến doanh số của các quầy hạt dẻ nướng giảm mạnh, buộc Peeradechapan phải tìm địa điểm khác.

Peeradechapan bắt đầu để ý tới rong biển một cách tình cờ. “Tôi bị mê hoặc ngay từ miếng đầu tiên”, anh chia sẻ.

Anh nhìn thấy cơ hội với món ăn vặt vốn phổ biến của giới trẻ Thái Lan, trong khi lại chưa được sản xuất đại trà tại nước này. Anh tìm gặp một số chuyên gia của đại học Kasetsart - nổi tiếng với các công trình khoa học nông nghiệp - cùng với sự giúp đỡ của mẹ để tạo ra các hương vị.

“Các hương vị cay và mặn cơ bản của chúng tôi đều được tạo ra từ các công thức của mẹ tôi”, anh chia sẻ. Với số tiền 200.000 USD từ việc bán một số quầy hạt dẻ nướng, Peeradechapan mở một nhà máy sản xuất rong biển sấy giòn vào năm 2006.

“Cậu ấy khi đó mới 19 tuổi nhưng lại biết rất rõ mình phải làm gì”, Wirode Tangwutthikaiwit, nhà sáng lập của PAG Design - đơn vị thiết kế logo của Taokaenoi, nhớ lại những ấn tượng về Peeradechapan.

Taokaenoi ra mắt tại một cửa hàng của 7-Eleven nhưng không mấy thành công bởi sản phẩm bị để ở các kệ thấp, khuất tầm nhìn. Doanh số bắt đầu tăng lên khi Peeradechapan thuyết phục được quản lý cửa hàng chuyển sản phẩm lên vị trí cao hơn. Năm 2008, doanh thu của Taokaenoi đạt 30 triệu USD.

Tuy nhiên, Taokaenoi phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm tương tự của Masita và một số sản phẩm ăn theo khác.

Chưa hết, năm 2011, nhà máy của công ty bị tàn phá bởi trận lũ lịch sử. Trong 3 tháng chật vật, nhà máy mới khôi phục hoạt động và kế hoạch IPO cũng phải hoãn lại.

“Trong ngành thực phẩm, nếu sản phẩm của bạn vắng bóng trên kệ, khách hàng sẽ quay ngay sang dùng nhãn hiệu khác”, Peeradechapan giải thích.

Tuy vậy, sau tất cả những khó khăn đó, Taokaenoi vẫn thực hiện IPO thành công vào năm 2015 với số vốn huy động được là 42 triệu USD. Mới đây, công ty này cũng chi 2 triệu USD cho chiến dịch marketing.

Với kinh nghiệm của mình, Peeradechapan luôn sẵn sàng giúp đỡ các công ty khởi nghiệp khác mà anh gọi là “thế hệ doanh nhân mới”.

“Dù mới 32 tuổi nhưng về mặt kinh nghiệm tôi thấy mình đã gần 50”, anh chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…