Tên lửa đạn đạo chiến thuật KTSSM được phát triển nhằm mục đích nhanh chóng vô hiệu hóa các khẩu đội pháo binh – tên lửa tầm xa của Triều Tiên, tên lửa được mệnh danh là “sát thủ pháo binh”.
Tập đoàn Hanwha thiết kế tên lửa này với sự hợp tác của Cơ quan Phát triển Quốc phòng (ADD) Hàn Quốc.
Trong khuôn khổ dự án có trị giá 450 tỷ won (406,14 triệu USD), Hàn Quốc phát triển thành công vũ khí mới bằng công nghệ nội địa, thêm một khoản ngân sách 320 triệu won để sản xuất hàng loạt. Hệ thống là một tổ hợp cố định, có thể phóng liên tiếp gần như đồng thời 4 tên lửa. Đạn tên lửa có tầm bắn đến 120 km (75 mil), cả bệ 4 ống phóng và tên lửa đi cùng có tổng trị giá là 1,9 triệu USD.
Tên lửa KTSSM dẫn đường bằng hệ thống định vị vệ tinh GPS có độ chính xác cao, đường kính độ sai lệch hai mét, được tranh bị đầu đạn xuyên bê tông nhiệt định hình, có thể xuyên thủng boong-ke và các mục tiêu kiên cố ở sâu vài mét dưới lòng đất hoặc 1,5 m (4,9 ft) bê tông. Cấu trúc của tên lửa giống như tên lửa MGM-140 ATACMS của Mỹ, nhưng KTSSM rẻ hơn, độ chính xác cao hơn, nhưng tầm bắn ngắn hơn. Trên chiến trường Triều Tiên vẫn đủ để thực hiện các đòn phản kích hiệu quả.
Tên lửa Đất đối đất Chiến thuật (KTSSM) Hàn Quốc
Có hai phiên bản tên lửa: KTSSM-1 dùng để tấn công phá hủy pháo nòng dài của Triều Tiên loại M1978 / M1989 Koksan 170 mm và pháo phản lực M1985 / M1991 240 mm (MRL); KTSSM-2, được sử dụng để phá hủy hệ thống phóng tên lửa tự hành KN-09 300 mm và tên lửa đạn đạo tầm ngắn KN-02. Đầu đạn loại Block I là đầu đạn xuyên bê tông nhiệt định hình và loại Block II nổ phá mảnh uy lực lớn.
Quá trình phát triển tên lửa kéo dài từ năm 2014-2017 với chi phí 418 triệu USD, được phóng thử thành công tháng 10/2017. Tháng 3/2018, Quân đội Hàn Quốc tuyên bố sẽ thành lập một lữ đoàn pháo binh mới bao gồm tên lửa KTSSM và pháo phản lực đa năng K239 Chunmoo, có nhiệm vụ sẵn sàng tiêu diệt các trận địa pháo tầm xa kiên cố của Triều Tiên gần Khu phi quân sự Triều Tiên, được hoàn thiện vào tháng 10/ 2018.
Hàn Quốc giới thiệu loại tên lửa đất đối đất mới KTSSM vào tháng 8.2019 và phóng thử nghiệm ba lần. Các tên lửa này được lên kế hoạch đưa vào biên chế năm 2019, nhưng sau đó bị hoãn đến năm 2023 vì Mỹ chưa chấp thuận cho phép mua những thành phần công nghệ quan trọng. Năm 2019, thông tin từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, tên lửa KTSSM sẽ được triển khai sẵn sàng chiến đấu vào năm 2021.