Quốc hội Mỹ yêu cầu Apple và Google chuẩn bị cho việc “chia tay” TikTok

Apple và Google đang đối mặt áp lực từ Quốc hội Mỹ trong việc tuân thủ điều luật mới, có thể dẫn đến lệnh cấm TikTok tại Mỹ vào tháng 1/2025 nếu ByteDance không thoái vốn khỏi dụng này…

Các thành viên Ủy ban Hạ viện Mỹ đang kêu gọi Apple và Google chuẩn bị sẵn sàng để tuân thủ điều luật mới có thể khiến TikTok đối mặt với lệnh cấm vĩnh viễn tại Mỹ vào đầu năm tới.

Mới đây nhất, Nghị sĩ đảng Cộng hoà John Moolenaar và Nghị sĩ đảng Dân chủ Raja Krishnamoorthi, hai thành viên thuộc Uỷ ban đặc biệt về Cạnh tranh Chiến lược Mỹ Trung, đã gửi thư đến CEO Apple Tim Cook và CEO Alphabet Sundar Pichai để nhắc nhở về trách nhiệm của họ với tư cách là hai nhà vận hành cửa hàng ứng dụng lớn nhất thế giới.

Trong thư, các nhà lập pháp một lần nữa nhắc tới quyết định của Tòa Phúc thẩm Mỹ về điều luật yêu cầu ByteDance – công ty mẹ của TikTok – phải thoái vốn khỏi TikTok Mỹ trước ngày 19/1. Nếu ByteDance không hoàn tất việc bán TikTok trước thời hạn, Apple và Google sẽ phải đảm bảo rằng các cửa hàng của họ không còn hỗ trợ ứng dụng này.

“Nếu một thương vụ chuyển nhượng hợp lệ không thành hiện thực, điều luật mới quy định rõ ràng rằng việc phân phối, duy trì hoặc cập nhật bất kỳ ứng dụng nào do đối thủ nước ngoài kiểm soát (bao gồm cả mã nguồn của ứng dụng đó) thông qua một cửa hàng ứng dụng trực tuyến, mà qua đó người dùng tại Mỹ có thể truy cập, duy trì hoặc cập nhật ứng dụng, là hành vi trái pháp luật”, các nhà lập pháp viết trong thư.

Không chỉ vậy, các nhà lập pháp cũng gửi thư đến CEO TikTok Shou Zi Chew, nói rằng kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký luật TikTok vào tháng 4, Quốc hội đã cho TikTok đủ thời gian để thực hiện các bước cần thiết nhằm tuân thủ quy định. “Thực tế, TikTok đã có 233 ngày để theo đuổi một giải pháp bảo vệ an ninh quốc gia của Mỹ nhưng TikTok lại không làm”, các nhà lập pháp nhấn mạnh.

Tòa Phúc thẩm Washington vào cuối ngày thứ Sáu đã bác bỏ yêu cầu khẩn của TikTok về việc tạm dừng hiệu lực của điều luật mới. Trước đó, TikTok cảnh báo rằng lệnh cấm có thể khiến các doanh nghiệp nhỏ và nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội Mỹ mất gần 1,3 tỷ USD doanh thu và thu nhập.

Mặc dù TikTok chỉ trích điều luật mới vi hiến và vi phạm quyền tự do ngôn luận theo Tu chính án thứ nhất, nhưng hội đồng gồm ba thẩm phán của tòa phúc thẩm đã bác bỏ lập luận này và cho rằng điều luật được soạn thảo chặt chẽ để bảo vệ an ninh quốc gia.

Hiện tại, Tổng thống đắc cử Donald Trump vẫn chưa công khai ý kiến về việc liệu ông có thực thi lệnh cấm TikTok khi nhậm chức vào ngày 20/1/2025 hay không. Chính ông Trump từng cố gắng thúc đẩy một lệnh cấm như vậy trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, nhưng quan điểm của ông đã bắt đầu thay đổi sau khi ông gặp gỡ tỷ phú Jeff Yass – nhà tài trợ quan trọng cho Đảng Cộng hòa và là nhà đầu tư lớn của TikTok.

Công ty Susquehanna International Group của tỷ phú Jeff Yass sở hữu 15% cổ phần ByteDance, trong khi bản thân ông Yass nắm giữ 7% cổ phần, ước tính trị giá khoảng 21 tỷ USD. Trước đó, cũng có thông tin rằng ông Jeff Yass là đồng sở hữu một doanh nghiệp đã sáp nhập với công ty mẹ của mạng xã hội Truth Social của ông Donald Trump.

Google từ chối yêu cầu bình luận của CNBC, trong khi Apple không phản hồi. Về phía mình, TikTok cho biết họ có kế hoạch đưa vụ việc lên Tòa án Tối cao, nơi vốn được biết đến với lịch sử bảo vệ quyền tự do ngôn luận của người dân Mỹ.

Có thể bạn quan tâm