Rào cản từ Mỹ đang trở thành động lực thúc đẩy cho ngành công nghiệp nội địa Trung Quốc?

Các đòn giáng liên tiếp của Mỹ nhằm cản trở khả năng tiếp cận của Trung Quốc đối với chuỗi cung ứng công nghệ cao toàn cầu đang được xem như động lực mới buộc ngành công nghiệp nội địa phải bứt phát đi lên…

9b8e5428-1f4b-43aa-8d69-84851fbe2cf1_085a6c5d.jpg

Trên đường cao tốc dẫn đến trụ sở của nhà sản xuất robot công nghiệp lớn nhất Trung Quốc, một khẩu hiệu khổng lồ cao gần 2 mét “Phát huy tinh thần tự lực, tự cường về khoa học công nghệ, nắm bắt mọi thời điểm để tạo đột phá trong các vấn đề bị “bóp nghẹt” là lời nhắc nhở thường xuyên đối với người qua đường.

Đó cũng là những lời mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trong chuyến thăm nhà máy Siasun Robot & Automation tại vùng đông bắc đất nước vào tháng 8/2022, khi ông ca ngợi công ty chuyên sản xuất robot dùng trong sản xuất ô tô là đại diện cho tốc độ và sự xuất sắc của Trung Quốc.

ĐỘNG LỰC MỚI CHO KHU VỰC ĐÔNG BẮC

Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình diễn ra hai tháng sau khi một cổ đông lớn của “gã khổng lồ” chế tạo robot – Viện Tự động hóa Thẩm Dương – được chính phủ Mỹ đưa vào danh sách đen xuất khẩu.

Nhưng ngay cả trong bối cảnh Washington tăng cường các nỗ lực ngăn cản Trung Quốc tham gia vào chuỗi cung ứng công nghệ cao toàn cầu, thì đối với khu vực công nghiệp phía đông bắc Trung Quốc, đây được xem như một động lực để cho các hoạt động công nghiệp nội địa đi lên.

Khu vực đông bắc Trung Quốc, bao gồm các tỉnh Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang cùng một phần của khu tự trị Nội Mông từng được đánh giá như cái nôi của sự phát triển công nghiệp nặng và quân sự của Trung Quốc vào những năm 1950. Khu vực với đất đai màu mỡ và nguồn năng lượng dồi dào khi đó nhận được nhiều sự quan tâm chính sách hơn từ Bắc Kinh vào thời điểm mà những lo ngại về an ninh quốc gia đang chiếm ưu thế.

Tuy nhiên, khu vực này sau đó đã bị phần lớn các tỉnh ven biển phía nam bỏ lại phía sau trong suốt nhiều thập kỷ kinh tế cất cánh kể từ khi Trung Quốc mở cửa vào năm 1978 dẫn đến sự thay đổi trong môi trường kinh doanh.

Ngày nay, khi Trung Quốc quay trở lại với các chiến lược hướng nội, "di sản" của khu vực đông bắc đang được định hình trở lại, từ gánh nặng của nền kinh tế trở thành một tài sản độc nhất.

Trả lời câu hỏi tại cuộc họp giao ban truyền thông vào tháng 9 vừa qua, ông Wang Danqun, phó giám đốc Sở Công nghiệp và Công nghệ thông tin tỉnh Liêu Ninh, cho biết: “Các động thái của Mỹ trong thời gian vừa qua chắc chắn có tác động đến chuỗi cung ứng của chúng tôi, nhưng đồng thời nó cũng mang đến cơ hội phát triển chuỗi công nghiệp địa phương”.

Về những phản ứng tiếp theo, ông Wang Danqun khẳng định tỉnh Liêu Ninh sẽ tập trung làm những gì mà Trung Quốc đang cần, đó là đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống công nghiệp hiện đại mang tầm cỡ quốc tế.

Vào đầu tháng 9, khi các nhà lãnh đạo thế giới tập trung tại New Delhi để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20, chủ tịch Tập Cận Bình đã tới Hắc Long Giang, cũng là chuyến đi thứ 10 của ông tới vùng đông bắc kể từ khi lên nắm quyền 11 năm trước, nhiều hơn hẳn so với 4 chuyến thăm tới khu vực kinh tế xuất khẩu Quảng Đông ở phía nam, theo thống kê của truyền thông nhà nước.

“Hiện tại, việc thúc đẩy quá trình hồi sinh toàn diện vùng đông bắc Trung Quốc đang đón nhiều cơ hội mới to lớn”, ông Tập Cận Bình nói trong một hội nghị chuyên đề được tổ chức tại thủ phủ tỉnh Cáp Nhĩ Tân.

3f6d33bf-2a09-43ee-9b38-ce13f7565fae_7eb00c5c.jpg

Nỗ lực hồi sinh vùng Đông Bắc của Trung Quốc thực chất đã chính thức được triển khai cách đây 20 năm. Trong khi tâm lý lạc quan phần lớn được duy trì trong thập kỷ đầu tiên thì thập kỷ thứ hai đã bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế. Lấy nền kinh tế Liêu Ninh làm ví dụ, vốn chiếm gần một nửa tổng GDP của khu vực. Nhưng vào năm 2016, GDP của tỉnh đã giảm 2,5%, trở thành tỉnh duy nhất của Trung Quốc suy giảm trong năm đó. Và vào năm 2017, quan chức hàng đầu của chính phủ thừa nhận rằng một số dữ liệu kinh tế trong quá khứ đã bị làm giả và sự sụp đổ của hàng loạt công ty nhà nước hùng mạnh một thời đã làm lung lay niềm tin hơn nữa. Theo số liệu chính thức, tỉnh Liêu Ninh không chỉ mất đi các doanh nghiệp và nhà đầu tư lớn, mà còn vắng bóng nhân tài khi dân số khu vực đang già đi với tốc độ nhanh nhất ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, một tia hy vọng đã đến khi nền kinh tế Liêu Ninh là đà tăng trưởng 5,3% trong ba quý đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm ngoái – cao hơn cả mức 5,2% của cả nước. Năm nay đánh dấu lần đầu tiên trong một thập kỷ tỉnh này đã vượt qua GDP quốc gia.

Li Kai, giáo sư kinh tế tại Đại học Đông Bắc ở Thẩm Dương, phó giám đốc Học viện Phục hồi Kinh tế Đông Bắc, nhận định: “Thời điểm này có thể là một bước ngoặt đối với Liêu Ninh. Tất nhiên, tỉnh vẫn còn một chặng đường dài để đạt được yêu cầu của chính phủ về việc khôi phục toàn diện. Nhưng Liêu Ninh đang trở nên tốt hơn khi bắt kịp tốc độ của phần còn lại của đất nước”.

3675c038b4f5410e8d757afd481c0a04.jpg

CHUYỂN ĐỔI TRỌNG TÂM CHIẾN LƯỢC

Hai quan chức địa phương ở Liêu Ninh từng tiết lộ với báo giới rằng mức tăng trưởng đáng quan tâm vừa qua là kết quả của một cuộc cải cách cơ cấu đầy vất vả kéo dài hàng thập kỷ đối với hệ thống và cơ chế kinh tế của khu vực, đặc biệt là các cải cách sở hữu hỗn hợp nhằm tiếp thêm sinh lực cho các doanh nghiệp nhà nước “lớn nhưng yếu” của họ bằng cách hấp thụ vốn tư nhân và nước ngoài, đồng thời khắc phục các vấn đề về dư thừa lao động, hiệu quả thấp, quản lý kém và phản ứng chậm của thị trường.

Tập đoàn thiết bị điện lạnh và điều hòa không khí khổng lồ Bingshan Group, có trụ sở tại thành phố cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, đã trải qua hai đợt cải tổ quyền sở hữu kể từ năm 2008. Một phần ba cổ phần của tập đoàn này hiện thuộc sở hữu của chính quyền thành phố, trong khi phần còn lại đã được tư nhân hóa hoặc bán cho các công ty nước ngoài, trong đó có Panasonic của Nhật Bản.

Ji Zhijian, chủ tịch của Bingshan, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng sự hợp tác của tập đoàn với các cổ đông nước ngoài là rất thú vị.

Ở vùng ngoại ô Thẩm Dương, Tập đoàn Công nghiệp nặng Phương Bắc tự hào về những cải tiến đạt được sau quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp vào năm 2019, khi tập đoàn tư nhân Fangda Group trở thành cổ đông lớn nhất trong nhà sản xuất thiết bị khai thác mỏ và kỹ thuật đường hầm.

abc4d52b-68bd-4d6a-8f80-fd590995798c_5630e69f.jpg
Một cơ sở sản xuất của Tập đoàn Công nghiệp nặng Phương Bắc

Giám đốc nhà máy Liu Zhiyang chia sẻ: “Hiệu quả quản lý đã được nâng cao, kỹ thuật của chúng tôi đã được cải thiện và lương nhân viên đã được tăng lên”.

Vị thế của khu vực đông bắc Trung Quốc ngày càng được củng cố trong những năm gần đây, phù hợp với chiến lược “lưu thông kép” của Bắc Kinh nhằm kêu gọi thúc đẩy khả năng tự lực của Trung Quốc trước những bất ổn bên ngoài ngày càng gia tăng.

Ba năm đại dịch - trong đó các doanh nghiệp nhà nước xử lý nhiều đơn đặt hàng sản xuất khẩn cấp hơn để đáp ứng nhu cầu nội địa - đã củng cố thêm niềm tin của Bắc Kinh vào tầm quan trọng của chiến lược kinh tế hướng nội.

Và năm nay, Trung Quốc đã thực hiện một đợt cải cách doanh nghiệp nhà nước mới, với trọng tâm chuyển từ nâng cao hiệu quả sang đổi mới và đột phá công nghệ.

Theo báo cáo tháng 3 của Sinolink Securities, khi xu hướng phi toàn cầu hóa ngày càng gia tăng, việc đẩy nhanh chuyển đổi công nghiệp, nâng cấp công nghệ cao đã trở thành mục tiêu chính trong phát triển kinh tế ngắn hạn và trung hạn của Trung Quốc.

Báo cáo cũng cho biết, các doanh nghiệp nhà nước có định hướng đổi mới hoặc hoạt động trong các ngành liên quan đến an ninh có thể là trọng tâm của cải cách và hỗ trợ tiếp theo. Và có vẻ như Bắc Kinh đã giao phó cho Liêu Ninh một vai trò quan trọng trong tiến trình này.

Vào tháng 11/2022, ông Hao Peng, cựu lãnh đạo Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước – cơ quan giám sát tài sản nhà nước của Trung Quốc, được bổ nhiệm làm Bí thư tỉnh ủy mới.

“Điều cần thiết hiện nay là cải thiện khả năng cạnh tranh cốt lõi của các doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy tập trung vốn nhà nước vào các ngành và lĩnh vực then chốt quan trọng, đồng thời tăng cường vai trò hỗ trợ chiến lược của họ”, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bình luận trong hội nghị chuyên đề ở Cáp Nhĩ Tân.

650819dfa310d2dc6d280023.jpg

Khu vực Đông Bắc Trung Quốc là trụ sở của một số trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu đất nước về khoa học và kỹ thuật, và luôn được là nền móng nuôi dưỡng các ngành công nghiệp chiến lược mới nổi.

Dalian Rongke Power, nhà sản xuất pin tiên tiến hàng đầu ở Trung Quốc, là một trong những sáng kiến địa phương đến từ Viện Vật lý Hóa học Đại Liên thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, chuyên cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và trí tuệ trong nghiên cứu và phát triển.

Và khi Trung Quốc chủ động tăng cường tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong lưới điện, nhu cầu về công nghệ lưu trữ cũng tăng lên do tính chất không ổn định của năng lượng mặt trời và năng lượng gió.

Tổng giám đốc của Rongke, bà Wang Xiaoli cho biết: “Viện Vật lý Hóa học Đại Liên là cơ quan đi đầu ở Trung Quốc và thậm chí cả thế giới trong việc đổi mới công nghệ năng lượng. Chính quyền tỉnh Liêu Ninh và chính quyền thành phố Đại Liên cũng coi ngành công nghiệp lưu trữ năng lượng mới nổi là điểm tăng trưởng quan trọng cho nền kinh tế tương lai và điều đó cho chúng tôi cơ hội đi sâu thử nghiệm nó”.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…