RCEP và những thách thức đặt ra với Việt Nam trong thương mại

Khi tham gia vào Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), những quan ngại về việc gia tăng nhập siêu của Việt Nam là có cơ sở rõ ràng.

RECP không những là một thỏa thuận thương mại tự do đơn thuần mà còn được định hướng trở thành một thỏa thuận toàn diện. RCEP dựa trên các yếu tố chính gồm: thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và thương mại điện tử, với hệ thống thỏa thuận được cụ thể hóa bằng văn kiện với 20 chương, dài 14.000 trang cùng nhiều phụ lục và tiến trình kế hoạch được cụ thể hóa.

RCEP khi thực hiện sẽ tiến hành loại bỏ ít nhất 92% dòng thuế nhập khẩu giữa các quốc gia thành viên trong vòng 20 năm, thiết lập các quy tắc chung cho thương mại điện tử, thương mại và quyền sở hữu trí tuệ. Hiệp định này được thiết kế nhằm cắt giảm chi phí và thời gian cho các doanh nghiệp khi cho phép doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang bất kỳ quốc gia thành viên nào mà không cần đáp ứng các yêu cầu riêng biệt của từng quốc gia.

RCEP khi thực hiện sẽ tiến hành loại bỏ ít nhất 92% dòng thuế nhập khẩu
RCEP khi thực hiện sẽ tiến hành loại bỏ ít nhất 92% dòng thuế nhập khẩu

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng nhập siêu vốn đã tồn tại nhiều năm qua của Việt Nam từ Trung Quốc và từ một số đối tác ngay trong RCEP như Hàn Quốc và cả ASEAN. Với một cơ chế thương mại mới theo nội vùng như RCEP, Việt Nam nhiều khả năng tiếp tục có mức nhập siêu cũng như đẩy sự lệ thuộc kinh tế của Việt Nam vào thị trường bên ngoài bởi một số đối tác như Trung Quốc, Hàn Quốc…

Ngành sản xuất trong nước sẽ phải đối mặt với một thách thức lớn nhất là hàng hóa từ các nước khác có thể đưa vào Việt Nam với mức thuế suất thấp hơn. Nếu doanh nghiệp từ các đối tác trong RCEP không điều chỉnh giá trước thuế nhập khẩu thì hàng của họ vẫn sẽ cạnh tranh hơn về giá khi vào Việt Nam và có thể gây áp lực đối với nhập siêu.

Trong một kịch bản khác, nhiều chuyên gia khi trao đổi với chúng tôi đều cho rằng doanh nghiệp ở các nước RCEP sẽ dùng phần chi phí tiết kiệm được từ thuế nhập khẩu để gia tăng đầu tư cho công nghệ, chất lượng sản phẩm thì phần giá trước thuế có thể không thay đổi, nhưng lượng nhập khẩu lớn hơn. Khi đó, hệ lụy đối với nhập siêu của Việt Nam sẽ còn lớn hơn.

RCEP sẽ làm tăng nhập siêu của Việt Nam
RCEP sẽ làm tăng nhập siêu của Việt Nam

Nhìn nhận và xử lý hiệu quả nhập siêu gắn với đầu tư nước ngoài ở thị trường RCEP là một thách thức lớn, thậm chí trở nên phức tạp hơn, các chuyên gia nhận định việc gia tăng đầu tư nước ngoài có thể kéo theo sức ép gia tăng nhập khẩu công nghệ và đầu vào cho các dự án FDI, theo đó gây áp lực đối với nhập siêu. Điều này thấy rõ ngay từ khi các Hiệp định ASEAN + 1 (ASEAN – Trung Quốc; ASEAN – Nhật Bản, ASEAN – Hàn Quốc) được ký kết, nhập siêu của Việt Nam từ một số thị trường này đã tăng và giữ quy mô tương đối lớn.

Các đánh giá tác động có thể có từ RCEP đối với nhập khẩu và nhập siêu đều chung nhận định RCEP sẽ làm tăng nhập siêu của Việt Nam. Khi ấy, nếu vẫn giữ tư duy nhập siêu là chấp nhận được khi Việt Nam có thể dùng đầu vào nhập khẩu từ RCEP để sản xuất xuất khẩu sang các thị trường ngoài RCEP và đạt thặng dư thương mại từ các thị trường này, thì Việt Nam có thể đối mặt với một số rủi ro lớn.

Cần lưu ý, những ngành hàng được cho là có thể gia tăng xuất khẩu sang các thị trường ngoài RCEP (như dệt may, chế biến thực phẩm, v.v.) mà các nhà đầu tư nước ngoài ít nhiều có sự quan tâm cũng là những ngành chịu tác động lớn nhất thời gian qua bởi ảnh hưởng từ đại dịch toàn cầu. Bên cạnh đó, không ít thị trường xuất khẩu chính như Mỹ hay EU có thể lo ngại về xuất xứ hàng nhập khẩu từ Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm