Singapore đang trở thành điểm đến được người dân Trung Quốc giàu có lựa chọn, khi mà cuộc trấn áp của Bắc Kinh đối với các tỷ phú công nghệ và nỗ lực thúc đẩy “sự thịnh vượng chung” của Chủ tịch Tập Cận Bình đã khiến giới thượng lưu Trung Quốc vội vã tìm kiếm một bến đỗ an toàn mới cho khối tài sản khổng lồ của họ.
Sức hút của Singapore
Theo số liệu chính thức từ Cục Thống kê quốc gia cho thấy, tổng dân số của Singapore đã tăng 3,4% lên 5,64 triệu người vào năm 2022. Số lượng công dân Singapore tăng 1,6% lên 3,55 triệu trong khi dân số không cư trú (bao gồm cả công nhân và sinh viên) tăng 6,6% lên 1,56 triệu.
Vào tháng 8/2022, tờ báo Lianhe Zaobao của Singapore báo cáo có ít nhất 500 cá nhân sở hữu giá trị tài sản ròng cao từ Trung Quốc đang bày tỏ ý định chuyển đến Singapore để đầu tư và cư trú dài hạn.
Hiện tại, Singapore là 1 trong 5 điểm đến hàng đầu cho những cá nhân có thu nhập cao muốn di cư, bên cạnh Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Úc, Israel và Thụy Sĩ, theo Báo cáo Công dân Toàn cầu của Henley. Trong khi đó, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Hồng Kông và Ukraine là những nơi có dòng người giàu chuyển ra nước ngoài cao nhất.
Ông Song Seng Wun, nhà kinh tế khu vực của CIMB Private Banking, cho biết Singapore là một khu vực trung lập rất thuận tiện, nơi người Trung Quốc có thoải mái sinh sống và kinh doanh nhờ vào sự ổn định chính trị, hệ thống thuế quan thân thiện và tiếng Quan thoại được sử dụng rộng rãi. Bên cạnh đó, Singapore luôn khéo léo trong các lập trường ngoại giao, duy trì mối quan hệ an ninh với Mỹ trong khi giữ vững được các liên kết thương mại chặt chẽ với Trung Quốc.
Vị thế của Singapore như một trung tâm công nghệ quốc tế ở thị trường Đông Nam Á đang phát triển nhanh chóng lại càng tạo được sức hút trong giới công nghệ thông tin và công nghệ tài chính.
Kể từ đầu năm 2023, công ty tư vấn nhập cư Singapore Transform Borders đã nhận thấy một lượng lớn yêu cầu tư vấn từ các công dân giàu có của Trung Quốc về việc nhập cư và đầu tư vào đảo quốc sư tử. Bà Uthirapathi nhà sáng lập công ty chia sẻ với tạp chí This Week in Asia: “Hai trong số những cách mà giới siêu giàu Trung Quốc lựa chọn nhiều nhất là gửi con cái đến học tập hoặc thành lập một văn phòng gia đình ở đây”.
Mới đây nhất, Cơ quan tiền tệ Singapore ước tính, số lượng văn phòng gia đình (Family Office) - một cách gọi khác của công ty quản lí tài sản tư nhân, phục vụ các cá nhân và gia đình có giá trị tài sản ròng cao - đã tăng từ 400 vào năm 2020 lên 700 vào năm 2021.
Ông Loh Kia Meng, trưởng bộ phận tài sản tư nhân và văn phòng gia đình tại công ty luật Dentons Rodyk, dự đoán có ít nhất 1.500 văn phòng gia đình được thành lập vào cuối 2022. “Tôi không thấy ngạc nhiên nếu tổng số liệu năm 2022 cho thấy cứ 2 văn phòng gia đình mới thì 1 trong số đó đến từ Trung Quốc,” ông Loh nói thêm.
Vào tháng 10/2022, Cơ quan tiền tệ Singapore ghi nhận ngành quản lý tài sản của nước này đã tăng trưởng 16% vào năm 2021, đạt 5,4 nghìn tỷ SGD, với 78% nguồn vốn đến từ bên ngoài Singapore. Điều này là bởi dân số PR (Permanent resident - thường trú) và người nước ngoài ở Singapore tăng trở lại gần mức trước Covid-19.
Cơn sốt bất động sản và thú chơi của tỷ phú
Theo ông Dominic Volek, người đứng đầu văn phòng Singapore tại công ty tư vấn di cư đầu tư Henley & Partners, thị trường bất động sản và tiêu dùng của Singapore đã hoạt động vô cùng mạnh mẽ sau khi biên giới được mở cửa trở lại.
Giới siêu giàu Trung Quốc đến Singapore giúp thúc đẩy doanh số bán xe Bentley và Rolls-Royce, đồng thời khiến giá thuê nhà tăng thêm 21% trong 9 tháng đầu năm 2022. “Một chủ nhà người Sing đã tăng giá thuê nhà từ 16.000 SGD lên 42.000 SGD/tháng khiến người thuê tức giận chuyển đi. Nhưng chỉ sau 1 tuần, đã có ngay một gia đình người Trung Quốc sẵn sàng chuyển vào ngay lập tức”, ông Volek kể lại câu chuyện mà bản thân từng chứng kiến.
Theo Zaobao, toàn bộ một tầng của Suntec City Tower 2 vào tháng 3/2022 đã được bán với giá 38,8 triệu SGD cho một cư dân gốc Hoa cư trú tại Singapore. Cùng tháng đó, tất cả 20 căn hộ của một chung cư sang trọng Eden by Swire Properties, được bán với giá 293 triệu SGD cho một người mua duy nhất, được cho là một gia đình Trung Quốc. Trong thập kỷ qua, cư dân Trung Quốc đại lục là nhóm người nước ngoài mua bất động sản lớn nhất ở Singapore.
Các nhà đầu tư Trung Quốc cũng yêu thích những căn hộ cao cấp với tầm nhìn ra biển ở Sentosa, cũng là nơi có sòng bạc và câu lạc bộ chơi golf danh tiếng với mức phí thành viên dành người nước ngoài lên tới 900.000 SGD/năm. “Bạn không thể tưởng tượng được cách giới thượng lưu Trung Quốc tiêu tiền. Tôi đã thật sự bị choáng", ông Pearce Cheng, giám đốc điều hành của AIMS, một công ty dịch vụ tái định cư, nói với AFP. Ông Cheng nhớ lại bữa tiệc mà một khách hàng Trung Quốc tổ chức, tại đó phục vụ whiskey “Yamazaki 55” quý hiếm có giá 1 triệu SGD/chai và 82.000 SGD xì gà, xuyên suốt cả buổi tối.
“Trong mắt nhiều triệu phú Trung Quốc, Singapore nay được xem như một ngôi nhà chứ không chỉ là một kế hoạch dự phòng. Họ chuyển đến Singapore để đảm bảo tài sản của gia đình được giữ an toàn và có thể tồn tại qua nhiều thế hệ", một chuyên gia giấu tên trong ngành quản lý tài sản tại Singapore nhận xét.