Đó là khẳng định của tân Tổng giám đốc SAP Việt Nam Nguyễn Hồng Việt khi chia sẻ về những nhân tố quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế số với Thương Gia.
Ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi được giao trọng trách dẫn dắt, điều hành hoạt động của SAP với vai trò mới là tân Tổng Giám đốc tại Việt Nam?
Tôi rất vui mừng và tự hào khi được bổ nhiệm vào vị trí Tổng Giám đốc SAP Việt Nam. Kinh nghiệm và chuyên môn của SAP trong lĩnh vực chuyển đổi số là mảnh ghép hoàn hảo đối với các doanh nghiệp Việt Nam - trong bối cảnh các doanh nghiệp đang tìm cách đổi mới hoạt động kinh doanh để nâng cao tính linh hoạt và khả năng phục hồi dựa vào những giải pháp và công nghệ mới.
Với hơn 19 năm kinh nghiệm trong ngành công nghệ, và gần 9 năm làm việc tại SAP, mục tiêu của tôi là hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc mọi ngành nghề đổi mới và chuyển đổi để hoạt động hiệu quả hơn. Trong thời gian tới, SAP Việt Nam sẽ tiếp tục mang lại những giải pháp ứng dụng tổng thể và công nghệ tiên tiến nhất như công nghệ máy học (machine learning), Internet vạn vật (IoT) và công nghệ phân tích chuyên sâu, để giúp các khách hàng tại Việt Nam chuyển đổi số thành công và trở thành các doanh nghiệp thông minh.
Thách thức lớn nhất của ông trên cương vị mới là gì, thưa ông?
Việc được bổ nhiệm vào vị trí mới giữa đại dịch COVID-19 là một thách thức lớn cho bản thân tôi cũng như mọi lãnh đạo doanh nghiệp. Đại dịch COVID-19 có khả năng gây ra những tác động đa chiều tới hoạt động của các doanh nghiệp tại Việt Nam. Theo kết quả khảo sát mới đây của SAP, phần lớn các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam cho rằng sẽ có những tác động lớn làm thay đổi mô hình hoặc hoạt động kinh doanh của họ, trong khi chỉ 1% cho rằng doanh nghiệp vẫn sẽ hoạt động như trước về lâu dài. Do vậy, 3 ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh này là chuyển đổi hoạt động quản trị kinh doanh, tái định hình chuỗi cung ứng, nâng cao hiệu quả của các quy trình vận hành và gia tăng tính bền bỉ. SAP sẽ tập trung giúp các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng các chiến lược và lựa chọn những công nghệ thế hệ mới phù hợp để đổi mới cách thức hoạt động và trở thành các doanh nghiệp thông minh.
Bên cạnh đó, cộng đồng SAP tại Việt Nam cũng phải đối mặt với việc thiếu hụt nhân sự chất lượng cao trong rất nhiều lĩnh vực then chốt. Đây là những thách thức mà chúng tôi sẽ ưu tiên giải quyết trong thời gian tới.
Theo ông đâu là nhân tố quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế số?
Công nghệ số được dự đoán sẽ mang đến sức mạnh cho Việt Nam trong kỷ nguyên CMCN 4.0. Tôi nghĩ Chính sách, Con người và Nền tảng sẽ là 3 trụ cột chính giúp thúc đẩy thành công của Việt Nam trong kỷ nguyên số.
Ông có thể nói rõ hơn về 3 trụ cột chính giúp thúc đẩy thành công của Việt Nam trong kỷ nguyên số?
Trong quá trình làm việc với các cơ quan chính phủ, tôi thấy Việt Nam đang có rất nhiều nỗ lực về cải thiện chính sách. Chúng ta cần có những chính sách phù hợp trong việc ứng dụng điện toán đám mây, bởi công nghệ này cần được ứng dụng linh hoạt ở những ngành nghề phù hợp. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần có chiến lược chuyển đổi số phù hợp với đặc thù và điều kiện của mình.
Với khía cạnh con người, theo tôi, chúng ta nên tập trung phát triển vấn đề kỹ năng. Khi đã có những kỹ năng thiết yếu, ta có thể vận dụng kiến thức và công nghệ số để thực hiện các công việc mang tính sáng tạo và bước đi trên hành trình chuyển đổi số.
Trụ cột thứ 3 là nền tảng. Các doanh nghiệp cần xây dựng một nền tảng phần mềm quản trị thông minh để duy trì tính bền vững của các hoạt động vận hành trong doanh nghiệp, đồng thời lấy đó làm bàn đạp để triển khai và ứng dụng các công nghệ thông minh phục vụ cho sự phát triển doanh nghiệp trong nền kinh tế số.
Chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là số hóa các quy trình hay online hóa các dịch vụ hiện tại, mà còn là tái cấu trúc cách thức vận hành doanh nghiệp, và nắm bắt được các dữ liệu kinh doanh cần thiết trong thời gian thực. Bằng cách trở thành doanh nghiệp thông minh nhờ phát huy tối đa nguồn tài nguyên dữ liệu, các doanh nghiệp có thể tự tin tối ưu trải nghiệm khách hàng, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, đồng thời phát triển các mô hình kinh doanh và nguồn doanh thu mới.
Trên cương vị Tổng Giám đốc, ông có thể chia sẻ thêm về chiến lược của SAP trong thời gian tới để khai thác những lợi thế hiện có, đẩy mạnh thương hiệu và thúc đẩy hành trình chuyển đổi số, giúp các doanh nghiệp Việt Nam trở thành doanh nghiệp thông minh?
Chiến lược của SAP là tiếp sức cho các doanh nghiệp Việt Nam trong hành trình chuyển đổi số. Chúng tôi sẽ tiếp tục mang đến những công nghệ thông minh và quy trình kinh doanh chuẩn hóa để giúp các doanh nghiệp Việt Nam thuộc mọi quy mô, ngành nghề hội nhập, phát triển và tự tin cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu.
SAP cam kết sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong hành trình chuyển đổi số (Powering Digital Vietnam). Bản thân tôi cũng như đội ngũ SAP Việt Nam và cộng đồng SAP sẽ tập trung: Mang đến các quy trình chuẩn hóa và kinh nghiệm thực tiễn mới nhất trong 25 ngành nghề trụ cột tới các doanh nghiệp Việt Nam; phát triển hệ sinh thái SAP tại Việt Nam; mở rộng việc hợp tác với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN); và tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng tốt các nhu cầu mới của kỷ nguyên CMCN 4.0.
Thành công của SAP Việt Nam sẽ gắn liền với thành công của các khách hàng doanh nghiệp Việt Nam. Đây cũng chính là thước đo hiệu quả kinh doanh quan trọng nhất của chúng tôi tại Việt Nam. Hiện SAP Việt Nam đã có hơn 500 khách hàng là các tổ chức và doanh nghiệp hàng đầu trong nhiều lĩnh vực. Tôi và đội ngũ SAP Việt Nam hướng tới nhân đôi con số trên, giúp 1.000 khách hàng vận hành trên nền tảng SAP trong vài năm tới.
Xin cảm ơn ông!