Donald Trump và Elon Musk mạnh tay thanh lọc, gần 10.000 nhân viên liên bang bị sa thải

Chính phủ Mỹ tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch cải tổ và tinh giản bộ máy, quyết định sa thải gần 10.000 nhân viên liên bang...

Donald Trump và Elon Musk mạnh tay thanh lọc, gần 10.000 nhân viên liên bang bị sa thải

Chiến dịch tinh giản bộ máy chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump và cố vấn thân cận Elon Musk đã tiếp tục được đẩy mạnh, với hơn 9.500 nhân viên liên bang đã bị sa thải vào 13/2.

Nhiều nhân viên tại Bộ Nội vụ, Bộ Năng lượng, Cựu chiến binh, Nông nghiệp, Y tế và Dịch vụ Nhân sinh đã bị chấm dứt hợp đồng lao động trong đợt cắt giảm quy mô lớn này. Trên thực tế, phần lớn những người bị ảnh hưởng là nhân viên tập sự trong năm đầu tiên làm việc, vốn có ít quyền bảo vệ lao động hơn.

Sự việc diễn ra sau khi khoảng 75.000 nhân viên đã chấp nhận gói trợ cấp nghỉ việc tự nguyện mà ông Trump và Elon Musk đưa ra, theo thông tin từ Nhà Trắng. Con số này tương đương khoảng 3% lực lượng lao động dân sự bao gồm 2,3 triệu người.

Tổng thống Donald Trump cho rằng bộ máy chính quyền liên bang đang quá cồng kềnh, với nhiều khoản chi bị lãng phí và thậm chí là gian lận. Chính phủ Mỹ đã phải gánh khoản nợ 36.000 tỷ USD và thâm hụt ngân sách 1.800 tỷ USD trong năm ngoái. Vì vậy, cả Đảng Cộng hoà và Đảng Dân chủ đều đồng ý rằng cần phải có cải cách.

Tuy nhiên, tốc độ và quy mô của chiến dịch cải tổ do tỷ phú Elon Musk dẫn dắt đã gây ra bất mãn ngày càng lớn trong nội bộ chính quyền Trump vì thiếu đi sự phối hợp. Theo nguồn tin của Reuters, Chánh văn phòng Nhà Trắng Susie Wiles cũng nằm trong số những người không hài lòng.

Bên cạnh việc cắt giảm nhân sự, ông Trump và Elon Musk còn tìm cách xóa bỏ các biện pháp bảo vệ công chức lâu năm, đóng băng hầu hết viện trợ nước ngoài và gần như xóa sổ một số cơ quan chính phủ như Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng (CFPB).

Gần một nửa số nhân viên tập sự tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cùng với nhiều người khác tại Viện Y tế Quốc gia (NIH) đã bị buộc thôi việc. Dịch vụ Rừng Quốc gia Mỹ sa thải khoảng 3.400 nhân viên mới tuyển dụng, trong khi Cục Công viên Quốc gia chấm dứt hợp đồng với khoảng 1.000 người, theo các nguồn tin của Reuters.

Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) dự kiến sẽ sa thải hàng nghìn nhân viên vào tuần tới. Động thái này có thể ảnh hưởng đến nguồn lực của cơ quan trước thời hạn nộp thuế ngày 15/4 của người dân Mỹ.

Nhiều nhân viên liên bang bị sa thải bày tỏ sự phẫn nộ và cả thất vọng về quyết định này. "Tôi đã cống hiến rất nhiều cho đất nước và là một cựu quân nhân, tôi cảm thấy như mình bị chính đất nước phản bội”, ông Nick Gioia - cựu quân nhân có 17 năm làm việc tại Bộ Quốc phòng trước khi chuyển sang Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế thuộc Bộ Nông nghiệp vào tháng 12/2024 - chia sẻ. Ông đã bị sa thải vào tối 13/2.

Những biện pháp cắt giảm chi tiêu khác cũng dấy lên lo ngại về việc gián đoạn dịch vụ thiết yếu. Một tháng sau khi cháy rừng tàn phá Los Angeles, chính quyền liên bang đã ngừng tuyển dụng lính cứu hỏa thời vụ và dừng việc loại bỏ các vật liệu dễ cháy như gỗ chết trong rừng, theo thông tin từ các tổ chức bị ảnh hưởng bởi quyết định này.

Các nhà phê bình đang đặt ra câu hỏi về cách tiếp cận cứng rắn của Elon Musk. Theo họ, những quyết định cắt giảm ban đầu dường như mang tính ý thức hệ nhiều hơn là nhằm tiết kiệm chi phí. Steve Lenkart, Giám đốc điều hành Liên đoàn Nhân viên Liên bang Quốc gia - tổ chức đại diện cho hơn 100.000 công chức - nhận xét: "Thực chất, toàn bộ chiến dịch này là để loại bỏ sự can thiệp của chính phủ đối với doanh nghiệp và những người siêu giàu. Đó là lý do Elon Musk hứng thú với nó đến vậy, ông Lenkart nhận định.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đã bác bỏ những lo ngại này, so sánh "Bộ Hiệu suất Chính phủ" của Elon Musk với một cuộc kiểm toán tài chính. "Họ là những người nghiêm túc, đi từ cơ quan này sang cơ quan khác để tiến hành kiểm toán và tìm kiếm những phương án hoạt động hiệu quả nhất”, ông Bessent nói với Fox Business Network.

Một số nỗ lực sa thải nhân viên chính phủ đã bị cản trở bởi tòa án liên bang hoặc bị xem xét lại. Ví dụ như việc huỷ bỏ kế hoạch sa thải khoảng 1.200 đến 2.000 nhân viên tại Bộ Năng lượng, bao gồm 325 người thuộc Cục An ninh Hạt nhân Quốc gia (NNSA) - đơn vị giám sát kho vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Ngoài ra, chính quyền Trump tạm thời đồng ý không sa thải thêm nhân viên tại Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng (CFPB) theo lệnh của tòa án, giúp các nhân viên tại đây tránh khỏi "tin dữ" vào phút chót.

Ba thẩm phán liên bang cũng đang xem xét các vụ kiện chống lại DOGE, trong đó bao gồm việc đánh giá liệu nhóm Elon Musk có nên được tiếp cận với hệ thống thanh toán của Bộ Tài chính và các dữ liệu nhạy cảm tại các cơ quan y tế, bảo vệ người tiêu dùng và lao động của Mỹ hay không.

Xem thêm

Tỷ phú Elon Musk: Không gì lãi bằng "buôn vua"!

Tỷ phú Elon Musk: Không gì lãi bằng "buôn vua"!

Chiếc ghế ông chủ Nhà trắng đã được xác định với phần thắng thuộc về liên danh Donald Trump và JD Vance. Nhưng cuộc marathon bầu cử Tổng thống Mỹ còn xác định một người chiến thắng khác, ấn tượng hơn nhiều: Elon Musk!

Có thể bạn quan tâm

Doanh nghiệp đường Thái Lan “gặp hạn” tại Trung Quốc

Doanh nghiệp đường Thái Lan “gặp hạn” tại Trung Quốc

Trung Quốc đã tạm ngừng nhập khẩu siro đường và bột pha sẵn từ Thái Lan, khiến hàng hóa bị mắc kẹt tại các cảng biển và có nguy cơ gây ra thiệt hại lên tới 1 tỷ baht (khoảng 29,5 triệu USD) cho các doanh nghiệp xứ Chùa Vàng…

Kỳ vọng nào cho ngành xa xỉ trong năm 2025?

Kỳ vọng nào cho ngành xa xỉ trong năm 2025?

2025 được dự đoán sẽ là một năm thách thức nhưng cũng đầy cơ hội cho ngành hàng xa xỉ khi các thương hiệu lớn phải đối mặt với những bất ổn kinh tế toàn cầu...

Labubu và bài toán chiến lược của Pop Mart

Labubu và bài toán chiến lược của Pop Mart

Nhân vật Labubu của Pop Mart từng được ca ngợi là một cơn sốt toàn cầu, nhưng các tín hiệu giảm nhiệt gần đây đang đặt ra câu hỏi về khả năng của công ty trong việc duy trì tăng trưởng về dài hạn...

Hoa Kỳ rút khỏi WHO: Nhiều hệ lụy khó lường

Hoa Kỳ rút khỏi WHO: Nhiều hệ lụy khó lường

Ngay ngày đầu tiên nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp rút Hoa Kỳ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - một động thái mà các chuyên gia cho rằng khiến Hoa Kỳ và các quốc gia khác kém an toàn hơn trước các bệnh truyền nhiễm và các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng khác...