Tương lai bất định của Nissan sau khi “chia tay” Honda

Nissan và Honda đã nói lời chia tay với thương vụ sáp nhập trị giá 50 tỷ USD với lý do cần đảm bảo quyền tự chủ và tốc độ ra quyết định trong bối cảnh thị trường ngày càng biến động…

Tương lai bất định của Nissan sau khi “chia tay” Honda

Kế hoạch sáp nhập trị giá 50 tỷ USD giữa Honda và Nissan - vốn hứa hẹn sẽ tạo ra một trong những hãng ô tô lớn nhất thế giới - đã chính thức bị huỷ bỏ. Tuy nhiên, hai công ty khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ đối tác chiến lược.

Khi được hỏi về lý do chia tay, CEO Nissan Makoto Uchida cho biết nguyên nhân chính dẫn đến việc thoả thuận bị sụp đổ là bởi Honda muốn biến Nissan thành công ty con thay vì đối tác bình đẳng. "Dù cả hai công ty đều có lịch sử lâu đời, chúng tôi không chắc liệu thỏa thuận này có bảo đảm sự tự chủ của mình hay cho phép chúng tôi thể hiện tiềm năng và sức mạnh hay không”, ông Uchida phát biểu trong một cuộc họp báo.

Trước đây, kế hoạch sáp nhập Honda và Nissan được xem như là để củng cố thêm sức mạnh cho Honda và cứu lấy Nissan. Nissan hiện đang phải trải qua một trong những giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử hãng.

Honda và Nissan đã công bố báo cáo tài chính ngay sau khi thông báo hủy bỏ sáp nhập.

Honda báo cáo lợi nhuận trước thuế tăng 25% trong quý gần nhất, nhờ doanh số mạnh mẽ tại Mỹ và hoạt động kinh doanh xe máy hiệu quả. Tuy nhiên, hãng vẫn đối mặt với khó khăn lớn tại Trung Quốc, nơi doanh số giảm gần 40% trong chín tháng tính đến tháng 12/2024. Dù vậy, tình hình tài chính của Honda vẫn khả quan hơn nhiều so với Nissan.

Lợi nhuận của Nissan lao dốc xuống còn 5,1 tỷ yên (33 triệu USD) trong chín tháng tính đến tháng 12/2024, so với con số 325 tỷ yên (2,1 tỷ USD) cùng kỳ năm 2023. Hãng dự báo lỗ ròng 80 tỷ yên (519 triệu USD) trong cả năm tài chính.

Việc thiếu hụt các mẫu xe điện đã khiến Nissan mất đi thị phần tại Trung Quốc vào tay các đối thủ nội địa. Tại Mỹ, doanh số của hãng cũng bị ảnh hưởng do thiếu xe hybrid và mẫu EV của hãng không đủ điều kiện nhận khoản tín dụng thuế 7.500 USD từ chính phủ.

Cổ phiếu Nissan đã giảm khoảng 25% trong năm qua. Một thập kỷ trước, Nissan có quy mô tương đương Honda, nhưng hiện tại, vốn hóa thị trường của hãng chỉ bằng một phần năm đối thủ. Cổ phiếu Honda cũng giảm khoảng 15% trong cùng giai đoạn.

CEO Nissan Makoto Uchida hiện đang gấp rút thực hiện kế hoạch tái cấu trúc, bao gồm cả việc cắt giảm 9.000 việc làm tại Tennessee, Mississippi (Mỹ) và Thái Lan. Ông cảnh báo, mọi phương án đều được cân nhắc để đảm bảo sự tồn tại của hãng xe lâu đời này. "Với tình hình hoạt động hiện tại của công ty và môi trường liên tục thay đổi, chúng tôi cần xem xét tất cả các lựa chọn và tiến hành cải tổ sâu rộng hơn”, ông Uchida nhấn mạnh.

Hãng cũng có kế hoạch cắt giảm sản lượng toàn cầu từ 4 triệu xuống còn 3 triệu xe trong năm tài chính 2026.

Bên cạnh đó, cả Nissan và Honda đều đang đối mặt với nhiều thách thức mới, đặc biệt là nguy cơ Mỹ áp thuế 25% đối với hàng hoá nhập khẩu từ Mexico và Canada, nơi mà cả hai hãng đều có nhà máy.

CEO Uchida cho biết Nissan sẽ cân nhắc chuyển sản xuất ra khỏi Mexico nếu các mức thuế mới được áp dụng.

Về phía mình, phó chủ tịch Honda Shinji Aoyama tiết lộ rằng công ty đang đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu xe sản xuất tại Canada và Mexico sang Mỹ trước khi thời hạn miễn thuế kết thúc.

Việc hủy bỏ thỏa thuận với Honda sẽ khiến Nissan phải tìm kiếm nguồn đầu tư khác. Chủ tịch Foxconn, nhà cung cấp linh kiện cho Apple, cho biết tập đoàn Đài Loan từng xem xét mua lại 36% cổ phần của Nissan mà Renault (Pháp) nắm giữ. Hãng đầu tư tư nhân KKR cũng đang cân nhắc rót vốn vào Nissan, theo Bloomberg.

Xem thêm

Honda và Nissan bắt tay sáp nhập

Honda - Nissan: Sáp nhập hay là "chết"?

Thông tin về việc Honda và Nissan tìm kiếm thỏa thuận sáp nhập cho thấy các nhà sản xuất ô tô đang tìm cách đối mặt với sự cạnh tranh từ Trung Quốc, thị trường trong nước đang thu hẹp cũng như mối đe dọa về thuế quan...

Có thể bạn quan tâm

Doanh nghiệp đường Thái Lan “gặp hạn” tại Trung Quốc

Doanh nghiệp đường Thái Lan “gặp hạn” tại Trung Quốc

Trung Quốc đã tạm ngừng nhập khẩu siro đường và bột pha sẵn từ Thái Lan, khiến hàng hóa bị mắc kẹt tại các cảng biển và có nguy cơ gây ra thiệt hại lên tới 1 tỷ baht (khoảng 29,5 triệu USD) cho các doanh nghiệp xứ Chùa Vàng…

Kỳ vọng nào cho ngành xa xỉ trong năm 2025?

Kỳ vọng nào cho ngành xa xỉ trong năm 2025?

2025 được dự đoán sẽ là một năm thách thức nhưng cũng đầy cơ hội cho ngành hàng xa xỉ khi các thương hiệu lớn phải đối mặt với những bất ổn kinh tế toàn cầu...

Labubu và bài toán chiến lược của Pop Mart

Labubu và bài toán chiến lược của Pop Mart

Nhân vật Labubu của Pop Mart từng được ca ngợi là một cơn sốt toàn cầu, nhưng các tín hiệu giảm nhiệt gần đây đang đặt ra câu hỏi về khả năng của công ty trong việc duy trì tăng trưởng về dài hạn...

Hoa Kỳ rút khỏi WHO: Nhiều hệ lụy khó lường

Hoa Kỳ rút khỏi WHO: Nhiều hệ lụy khó lường

Ngay ngày đầu tiên nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp rút Hoa Kỳ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - một động thái mà các chuyên gia cho rằng khiến Hoa Kỳ và các quốc gia khác kém an toàn hơn trước các bệnh truyền nhiễm và các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng khác...

Ông Donald Trump làm gì ngay sau khi nhậm chức?

Ông Donald Trump làm gì ngay sau khi nhậm chức?

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những hành động nhanh chóng và quyết liệt ngay sau khi nhậm chức, trong đó bao gồm việc hoãn lệnh cấm TikTok, đảo ngược tiến trình chuyển đổi năng lượng sạch, rút khỏi Hiệp định Khí hậu Paris, xem xét áp thuế 25% đối với Canada và Mexico vào tháng 2…