
Lần đầu tiên vào năm 2024, số lượng thú cưng ở Trung Quốc đã vượt qua số lượng trẻ em dưới 4 tuổi, theo một báo cáo của Goldman Sachs. Dự kiến cho đến năm 2030, số lượng thú cưng sẽ gần như gấp đôi số trẻ em thuộc nhóm tuổi này ở quốc gia tỷ dân.
KỶ NGUYÊN 3.0
Dữ liệu mới nhất do Bộ Nhà ở và Phát triển Nông thôn - Thành thị Trung Quốc công bố cho thấy dân số đô thị của nước này đạt khoảng 930 triệu người vào năm 2023. Cũng theo thống kê trong báo cáo, riêng khu vực thành phố đã ghi nhận 120 triệu thú cưng, điều này có nghĩa là trung bình cứ tám người sống ở đô thị, bất kể độ tuổi hay giới tính, thì có một người nuôi thú cưng.
Trước đây, mọi người thường xem thú cưng là “những người bạn đồng hành” trong cuộc sống. Nhưng ngày nay, thế hệ chủ nuôi mới lại coi thú cưng như chính con ruột của mình. Đây không chỉ là sự thay đổi về cách gọi mà còn thể hiện một cấp độ yêu thương và chăm sóc hoàn toàn khác biệt. Cùng với xu hướng đó, thị trường tiêu dùng cho thú cưng tại Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - cũng bùng nổ mạnh mẽ và hiện đã vượt ngưỡng 300 tỷ nhân dân tệ (tương đương 41,8 tỷ USD).
Có thể thấy được rằng Trung Quốc đang bước vào kỷ nguyên kinh tế thú cưng 3.0.
Vào thế kỷ 20, thời điểm bắt đầu của kinh tế vật nuôi 1.0, việc nuôi động vật chủ yếu phục vụ mục đích thực tế - chó để trông nhà, mèo để bắt chuột, gà để đẻ trứng. Những năm 2000 bước sang giai đoạn 2.0 khi con người bắt đầu coi thú cưng như những người bạn đồng hành. Nhưng kể từ 2015 đến nay, nền kinh tế thú cưng đã thực sự phát triển lên mức 3.0, nơi thú cưng có vị trí và vai trò quan trọng hơn, kéo theo đó là sự bùng nổ của thị trường tiêu dùng dành riêng cho những “em bé” bốn chân này.

Khoảng bốn năm trước, thương hiệu snack nổi tiếng của Trung Quốc là Three Squirrels đã thành lập một công ty con chuyên sản xuất thức ăn cho chó mèo. Việc mở rộng sang lĩnh vực thực phẩm thú cưng không hề bị xem là "hạ cấp". Trên thực tế, một số tiêu chuẩn về thức ăn cho thú cưng còn nghiêm ngặt hơn cả thực phẩm dành cho con người, bởi hệ tiêu hóa, quá trình trao đổi chất và cấu trúc sinh lý của động vật khác biệt hoàn toàn so với con người. Ông Hu Zimeng, Tổng giám đốc của Công ty Sản phẩm Thú cưng Jiangsu Weihong (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) cho biết doanh số bán đồ ăn vặt cho thú cưng của công ty đã duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm trên 10% trong những suốt nhiều năm qua.
Thậm chí, trong giải thưởng thương hiệu hàng tiêu dùng toàn quốc 2024 của Trung Quốc, ban tổ chức đã bổ sung thêm các hạng mục riêng cho lĩnh vực thú cưng, ví dụ như Thương hiệu Thức ăn thú cưng tốt nhất 2024 hay Thương hiệu Phụ kiện Thú cưng ưa chuộng nhất 2024…
“CON CƯNG” BỐN CHÂN
Trong một cuộc phỏng vấn với China Daily, Shen Jing - nhân viên văn phòng 23 tuổi sinh sống tại Thượng Hải cho biết cô cưng chiều chú chó Golden Retriever của mình như thể nó là con ruột. Từ việc cẩn thận chọn các thương hiệu thức ăn chất lượng cao, đặt làm riêng đồ ăn vặt và đồ chơi, lên lịch đi spa thường xuyên cho đến đăng ký tham dự hoạt động thể chất như bơi lội và lớp “mẫu giáo”, cô nàng không bao giờ tiếc tiền cho “đứa con cưng” của mình. "Mỗi tháng tôi chi khoảng 1.500 nhân dân tệ cho bé nhà tôi, chủ yếu là thức ăn, đồ ăn vặt và đồ chơi, bên cạnh một số chi phí chăm sóc sức khỏe”, Shen Jing chia sẻ.
“Chú chó của tôi dạo này đang mập quá!” - Gao Boxin, 26 tuổi, nói về chú Corgi tên Taotao của mình. Anh Boxin đã bỏ tiền mua hẳn một máy chạy bộ cho chó và thậm chí còn sắm cả máy đo nhịp tim cùng miếng dán làm mát chân để giúp cún cưng thư giãn sau mỗi buổi tập. Dù còn đắn đo khi nghĩ đến việc mua một chiếc đồng hồ thể thao cho chính mình, nhưng khi là đồ dành cho chó, anh sẵn sàng mở ví mà không cần suy nghĩ.
Những bạn trẻ chiều chuộng thú cưng hết mực như Shen Jing hay Gao Boxin không phải là trường hợp hiếm gặp ở Trung Quốc. Một số người sẵn sàng bỏ ra tới 5.867 nhân dân tệ (tương đương 810 USD) chỉ để mua một nhà vệ sinh tự động cho thú cưng - số tiền thậm chí còn cao hơn cả giá của một thiết bị vệ sinh dành cho con người.
Hai năm trước, Xu Ling - một cư dân của tỉnh Nam Kinh, bắt đầu quan tâm hơn đến vấn đề tuổi thọ và sức khoẻ tổng thể của bé mèo 5 tuổi. Ngoài việc mua gói kiểm tra sức khỏe hàng năm và bảo hiểm thú cưng, cô còn tham gia các khóa học trực tuyến để tham khảo cách thức nuôi dưỡng, kiểm soát cân nặng và lựa chọn thực phẩm phù hợp cho “con yêu” của mình.

Những ví dụ đều cho thấy nhu cầu đối với các sản phẩm, dịch vụ thú cưng đang ngày càng được nâng cấp. Hiện nay, chuỗi ngành công nghiệp thú cưng có thể được chia thành ba phân khúc chính:
- Thượng nguồn: Bao gồm nhân giống và mua bán thú cưng.
- Trung nguồn: Gồm các sản phẩm như thức ăn, phụ kiện, đồ chơi và quần áo cho thú cưng.
- Hạ nguồn: Tập trung vào các dịch vụ như chăm sóc, lưu trú, chụp ảnh, y tế, bảo hiểm và mai táng thú cưng. Trong đó, các dịch vụ hạ nguồn đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất.
Cùng với đó, các dịch vụ đặc biệt như hỏa táng riêng, lưu trữ tro cốt, trang điểm sau khi thú cưng qua đời, làm kỷ vật cá nhân hóa và tổ chức lễ tiễn biệt đang dần phổ biến hơn. Chỉ trong vòng sáu tháng qua, hơn 1.100 doanh nghiệp mới trong lĩnh vực dịch vụ mai táng thú cưng đã được thành lập tại Trung Quốc, trích dẫn dữ liệu từ Tianyancha - một nền tảng thông tin doanh nghiệp.
Theo số liệu từ iiMedia Research, quy mô toàn thị trường ngành công nghiệp thú cưng tại Trung Quốc dự kiến sẽ đạt 811,4 tỷ nhân dân tệ (tương đương 112 tỷ USD) vào năm 2025, mở ra nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ và đột phá hơn. Do vậy, các chuyên gia trong ngành tin rằng để thúc đẩy một nền kinh tế thú cưng bền vững, cần có cả các biện pháp hoàn thiện hệ thống pháp lý, tăng cường giám sát, nâng cao chất lượng dịch vụ và mở rộng các dự án dành riêng cho thị trường giàu tiềm năng này.
Giống như nước bạn, ngành công nghiệp thú cưng ở Việt Nam cũng đang trải qua một giai đoạn phát triển đáng chú ý và có nhiều tiềm năng mở rộng trong tương lai. Quy mô toàn ngành dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt và đạt con số 182 triệu USD vào năm 2028.