Tập đoàn Alphanam: Cha con và Cộng sự...

Với người mê cờ tướng như ông Hải, việc đặt trưởng nam Nguyễn Minh Nhật và ái nữ Nguyễn Ngọc Mỹ vào những vị trí nào đã được tính toán cẩn trọng từ cả chục năm trước.
Tập đoàn Alphanam: Cha con và Cộng sự...

Đã gần hai năm kể từ ngày ông Nguyễn Tuấn Hải – Chủ tịch Alphanam hé mở về chuyển giao thế hệ tại doanh nghiệp của mình. Đến lúc này, ông vẫn chưa thực hiện được mộng “rút khỏi thương trường”, nhưng cũng không thấy gia đình Alphanam “bị” liệt kê vào danh sách những cuộc chuyển giao thế hệ không như ý bởi thế hệ kế cận chưa tròn vai.

Khởi đầu chỉ là chuyển giao kinh doanh, rồi từ bao giờ, chuyện lại trở thành cái cớ để bật ra những tâm tư bấy lâu chưa thể nói ra… giữa hai thế hệ. Có thể bởi chiều thu vàng, cũng có thể vì, động đến tình cha con thì đến cả một doanh nhân từng trải, mưu lược cũng mềm lòng?

Cha - ông Nguyễn Tuấn Hải vốn dĩ không phải cái tên xa lạ trong giới doanh nhân vì từ tay trắng đã kiến tạo sản nghiệp trong giai đoạn lịch sử đặc biệt của đất nước. Ông nổi đình đám trong những thương vụ đầu tư tài chính với cái tài “săn những tài sản lớn... vô chủ”, những đường đi nước bước chuyển hướng đầu tư vào các mảng sản xuất, dịch vụ đón đầu xu thế phát triển… nhưng hơn hết, những người quen biết gia đình ông hải lâu đều thừa nhận, niềm tự hào thực sự của ông lại chính là tài sản đặc biệt – hai người con. Trời có phần ưu ái cho ông đủ cả nếp cả tẻ, cả hai đều đẹp và giỏi giang từ bé.

Để gọt giũa nên người kế thừa sản nghiệp, thì từ khi các con còn rất nhỏ tuổi, ông Hải đã chú tâm vào từng đường đi nước bước cho con. Mạch ngầm của một gia đình truyền thống làm nhà giáo dường như đã ăn vào máu các thành viên từ rất sớm, nên dù không chọn theo nghề giáo, nhưng với ông Hải, giáo dục hai con trở thành sự nghiệp cả đời ông đeo đuổi.

Trong tâm trí của cô gái 23 tuổi Nguyễn Ngọc Mỹ vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc của một ngày đứa trẻ 11 tuổi về mách bố, con bị một số bạn bắt nạt, bị bạn ghét, thế mà thay vì ôm con vào lòng động viên, hay hứa hẹn sẽ đến báo với cô giáo giải quyết, bố Hải chỉ đơn giản nói – con phải chơi được với cả bạn ghét con nhất. Hay như từ rất sớm, cô bé còn vô cùng trong sáng ngây thơ đã nói với bố rằng, con yêu thích nghệ thuật, nhưng con không thể chờ đợi đến 40 tuổi để thành danh trên con đường đó. Con muốn đi con đường của bố… Còn quá trẻ để cô bé nhận ra, lựa chọn ấy chính là bởi mỗi ngày bố Hải đã hướng cho con thấy những mảnh ghép của cuộc sống, xâu chuỗi chúng lại qua những cảm nhận của cá nhân, để con tự lựa chọn.

Người cha giỏi là hướng cho con làm được điều con thích theo tâm nguyện của cha, không cưỡng ép, cũng không treo thưởng. Ông đưa cả hai con du học từ rất sớm và cũng “hà khắc” theo cách của mình, chọn cho con gái học trường dòng ở một vùng hẻo lánh, rồi sau đó chuyển qua nhiều trường khác nữa. chỉ với một câu dặn dò duy nhất, con hãy học tự lập, khi con thích nghi được nhanh nhất có nghĩa con đã trưởng thành. Kế nghiệp trở thành nhiệm vụ bất thành văn, ăn sâu vào tâm thức của hai đứa trẻ, theo năm tháng lớn lên, tích lũy và phát triển kiến thức, kinh nghiệm sống để hoàn thành cho được tâm nguyện ấy. Khi đón con trai lớn về nước, ông Hải cũng theo đuổi chiến lược rèn con từ những việc cụ thể nhất, làm ở nhà máy sản xuất sơn Kansai.

Suốt thời gian dài, con trai ông đi xe bus nhà máy đi làm, cuối tuần nào cũng lăn lộn đi phát triển mạng lưới phân phối sơn khắp các tỉnh. Giờ thì Nguyễn Minh Nhật và bố đã có một sự đổi vai khá thú vị tại Alphanam Food, khi con giữ vị trí chủ tịch HĐQT và cha là Tổng giám đốc. Với ông Hải, để đóng tròn vai Tổng giám đốc không phải chuyện đơn giản, bắt đầu từ việc ông luôn phải cố gắng ở mức khách quan nhất có thể, không thể hiện chính kiến, chỉ báo cáo, còn quyền quyết định về chiến lược, nhân sự cao cấp thì tuyệt đối thuộc về Nhật. Chính nhật là người quyết định thành lập Alphanam Food với 3 lĩnh vực: Chuỗi siêu thị thực phẩm, chuỗi phân phối rượu, bia, nước giải khát và chuỗi nhà hàng.

Mỹ lại là người xây dựng thương hiệu cho 79 Market, 79 Wine & Spirits và nhà hàng 1915 Indochine với kết quả kinh doanh ở mức bất ngờ, hơn 50.000 lượt khách chỉ sau 79 ngày khai trương. Có một thực tế, có đến 60% ý kiến của bố và con không trùng nhau, nhưng cả ba đều nhận thức rõ về điểm mạnh yếu của người kia, tính chất của mỗi cương vị để đạt đến sự đồng thuận. 

Ông Hải bật mí, kết quả kinh doanh khiến bố tạm hài lòng, cũng như đủ châm ngòi nhiệt huyết cho những ý tưởng kinh doanh táo bạo tiếp theo của con.

Nhưng, ông Hải là người kiệm lời khen, đặc biệt là trước mặt các con. Ông nói, Ngọc Mỹ có công lớn nhất trong việc đàm phán được thương hiệu hàng đầu thế giới vào vận hành dự án khách sạn 390 phòng và hơn 200 căn hộ của Alphanam tại bờ biển Đà Nẵng, mở đầu cho hàng loạt các dự án về bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng. Như thể, lời nhận xét của ông chủ với nhân viên thuần túy, mà thiếu cái vẻ nồng ấm tự hào của cha nói về con.

Ấy thế nhưng, với cả cha và con, một câu nói ấy hay đúng hơn sự thừa nhận ấy đã là đủ. Họ cần xác lập niềm tin với nhau từ những việc cụ thể, sức ép hữu hình. Những động viên “con hát cha mẹ khen” dường như không có trong nếp nhà này. Thế mới có chuyện, mỗi thành viên đều tham gia nắm giữ những công việc chủ chốt quan trọng, gần gũi nhất để chia sẻ với nhau, nhưng họ lại là những người cạnh tranh nhất về công việc. văn hóa của gia đình là “giành việc”, nếu con không nhanh bố làm mất và ngược lại, xem ra ông Hải rất khoái ý tưởng “cạnh tranh nội bộ” này.

 Con – Nguyễn Minh Nhật học ngành tài chính kinh doanh và Nguyễn Ngọc Mỹ tốt nghiệp về quản trị kinh doanh, marketing. Hai anh em, hai tính cách khác nhau nhưng đã trở thành cặp bài trùng bổ sung cho nhau trong giai đoạn hiện nay. Về lâu dài, ông Hải hướng các con đến những lĩnh vực kinh doanh độc lập, nhưng dù vậy, vẫn là sự sát cánh giữa anh và em. Nhật chắc chắn, thiên về tính toán chiến lược… Mỹ ham học hỏi, cầu thị, chịu khó tìm hiểu chiều sâu vấn đề và rất có khả năng giao tiếp xã hội, giao thương quốc tế… Điểm chung của họ có lẽ chính là môi trường rèn luyện tính cách, là sự học đi đôi với hành từ ngay chính những việc nhỏ trong cuộc sống.

Ông Hải dạy con rằng, xưa các cụ có câu, thất bại là mẹ thành công. nhưng thực ra, thất bại nào cũng là thất bại. Các con không được phép thất bại mà phải thành công từ những việc nhỏ nhất. Vậy nên, cả hai đã không làm thì thôi, còn làm thì luôn phải tính toán cặn kẽ, lường hết mọi yếu tố, và luôn phải làm chủ mọi trường hợp. không chuyển giao quá sớm, không đặt con vào những vị trí chủ chốt ngay để tránh cái tôi quá lớn, ông Hải cho con trai đi từ sản xuất, con gái từ việc tham gia SDesign, một công ty kiến trúc ngay năm thứ hai đại học, để tạo nền tảng cho việc tiếp nhận mảng kinh doanh bất động sản…

Dù đang du học hay đã trở về nước, ông Hải chỉ yêu cầu có 4 chữ vàng “mục tiêu” và “hoàn thành”. Người bố, người thày và một ông chủ nghiêm khắc, bộ ba ấy ở cả trong con người ông chủ Alphanam.

Người bố ấy còn có vai trò không nhỏ như người thày dẫn dắt về nghệ thuật sống. Đề bài ông Hải đặt ra cho hai con, dù làm kinh doanh nhưng không trở thành nô lệ công việc, săn tìm lợi nhuận nhưng không được quên tri ân với cuộc đời. Vì sống cần những nếm trải, ngoài con số kinh doanh… Vậy nên, Nhật luôn kết hợp ý tưởng vì cộng đồng vào trong phương án kinh doanh. Còn Mỹ, đang nắm giữ vai trò điều hành của Quỹ học bổng Vietseed, nơi không chỉ hỗ trợ học bổng cho các sinh viên khó khăn mà hơn cả còn truyền cho họ cảm hứng và sự hậu thuẫn để bước vào đời.

Mỹ sẵn lòng mặc đồ bụi, đi offline cùng các em, hay giữa đêm có thể trò chuyện rất lâu chỉ để giúp một em bình tâm ở những giây phút thử thách nhất trong đời. Làm sao có thể tìm thấy sự đồng cảm, và cả thương yêu ở những hoàn cảnh đối ngược đến vậy? Cô tiểu thư nhung lụa từ bé, nói rất thật, ấy là vì em cũng đã từng rất khó khăn khi du học, bơ vơ, yếu đuối, chỉ muốn bỏ cuộc. Ấy là vì em cũng có khát vọng vươn lên như các bạn sinh viên ấy…

Và thế là Vietseed nhân rộng số bạn sinh viên nhận hỗ trợ, còn Mỹ thì vẽ nên những vòng kết nối về một sự bác ái - dám đi đến cùng để “chạm đến ước mơ”. Mỹ chia sẻ, cô còn những hoài bão lớn hơn, với mong muốn được mang lại những thay đổi có ích cho đời sống người dân Việt Nam. Nhìn cô gái trẻ đang khoác lên mình thật nhiều trách nhiệm và nặng hơn cả chính là áp lực từ việc kế thừa sự nghiệp kinh doanh của gia đình, tôi bật lên câu hỏi – học cật lực khi du học, và làm cật lực khi trở về, liệu một người cha có cảm thấy mình chịu trách nhiệm vì đã lấy đi sự vô tư, tuổi trẻ của chính con gái?

Một chút sững lại từ cả hai người được hỏi, nhưng ông Hải đã trả lời bằng một câu rất ngắn – Có làm tất cả cũng chỉ để Mỹ có một tầm nhận thức hoàn thiện hơn, nhờ vậy tự chủ trong cuộc sống cũng như trong quyết định lựa chọn bạn đời. Và đến lượt tôi tư lự khi nghe câu trả lời ấy – sâu xa thì, người cha, dẫu thế nào vẫn là người cha. Đau đáu nhất cho con gái chính là hạnh phúc con có được, khi thật sự rời khỏi vòng tay gia đình để đi con đường của mình.

Cộng sự - Đến giờ, ông Hải cuối cùng đã nói một câu – lúc này ba bố con đã làm việc cùng nhau. Ấy là ông ngụ ý đến mối quan hệ cộng sự tôn trọng và chia sẻ với cùng một sứ mệnh phát triển thương hiệu Alphanam. Do những biến cố lịch sử, Việt Nam chưa từng có những doanh gia bề dày hàng trăm tuổi. Việt Nam cũng chưa có những thương hiệu gia đình vượt ra khỏi biên giới. Tuổi đời lớn nhất của một doanh nghiệp tư nhân chỉ khoảng 30 tuổi, tương đương với chặng đường đổi mới của nền kinh tế Việt Nam mà thôi. Nhưng có một lớp những gia đình kinh doanh nổi tiếng của Việt Nam đang nuôi dưỡng chiến lược phát triển thương hiệu dài lâu qua bước chuyển giao thế hệ.

Tập đoàn Alphanam: Cha con và Cộng sự... ảnh 2Golden City của Alphanam là một dự án trọng điểm của Tp. Long Xuyên và tỉnh An Giang.

Xem ra, với người mê cờ tướng như ông Hải, việc đặt trưởng nam Nguyễn Minh Nhật và ái nữ Nguyễn Ngọc Mỹ vào những vị trí nào đã được tính toán cẩn trọng từ cả chục năm trước. Cao tay là vậy, nhưng vẫn có những bất ngờ trong mối quan hệ đan chéo “cha – con và cộng sự”. 

Cuộc cạnh tranh vì thế không còn giống như thế hệ F1 gây dựng từ những “bước vỡ hoang” của thị trường mà là lúc, thế hệ F2 được kế thừa khối tài sản lớn, được đầu tư ăn học bài bản sẽ phải phát triển thương hiệu gia đình như thế nào? Mức độ khốc liệt của thịtrường sẽ còn gia tăng một khi Việt Nam hội nhập sâu và các đối thủ ngoại không từ bỏ cơ hội săn tìm lợi nhuận ở dải đất chữ S này. Ngày hôm nay trong căn phòng làm việc này, lần đầu tiên trong đời Mỹ ngồi trước bố và nói về bố.

Cô con gái nhỏ của ông Hải đã tự tin đi khắp năm châu giao dịch và làm việc với tư cách thành viên HĐQT của một thương hiệu Việt, nhưng từ trước đó cả 10 năm, khi mới chân ướt chân ráo đến Mỹ du học, cô và anh trai đã thấm thía một điều – bố mẹ gửi mình đi là để bất cứ khi nào mình cũng phải đảm nhận được trách nhiệm kế thừa và phát triển Alphanam. Tự hào về bố, học hỏi sự tự chủ trong mọi tình huống và khả năng hoạch định chiến lược cũng như thực thi của bố, mỹ hiểu rằng, bố mẹ đã phải nỗ lực và chịu áp lực lớn đến thế nào để tạo dựng sản nghiệp hôm nay, muốn tiếp nối, hai người con cần phải chung hướng chung sức để hiện thực hóa chiến lược dài hơi mà bố đã vạch ra.

Sự tự hào về bố không thể nói hết được. Nhưng, điều khác biệt của thế hệ F2 ở Alphanam chính là sự trau dồi kiến thức kinh nghiệm sống và cả sự thẳng thắn, mạnh mẽ để nhìn ra những điểm mạnh yếu của doanh nghiệp gia đình. Không vì cái bóng của F1 mà F2 gọt đi những “cái gai” tư duy của mình, tôn trọng điều đó, cũng là cách để thương hiệu không ngủ quên trong thành công hôm nay. Mỹ nói rằng, con luôn tự hào là con gái bố, nhưng đã đến lúc con là chính con.

Nếu đúng như ông Hải trù tính, khoảng 5 năm nữa, sẽ nghỉ hưu. Chẳng biết ông sẽ làm những gì, liệu có về với giấc mộng giảng dạy của mình không? Nhưng cô con gái thì đã dí dủm tính chuyện, sẽ không để bố nghỉ hưu. Con sẽ vẫn đến để được hỏi ý kiến bố! Nụ cười của hai bố con khiến tôi nhớ đến một câu mà Lawrence Chong, đồng sáng lập viên và CEO của Consulus từng nói, điều khiến cho mô hình doanh nghiệp gia đình được quan tâm đến chính là bởi nó sở hữu một kho báu vô cùng quý giá là lòng trung thành, mối liên kết chặt chẽ giữa các thành viên.

Và cao hơn cả là tình yêu, trách nhiệm vì sự phồn vinh của gia đình. Nhìn ra thế giới, 500 thương hiệu công ty thành công lớn nhất trên thế giới có tới hơn 1/3 là công ty theo mô hình gia đình. Tôi tin lúc này, ba bố con họ cũng đang nghĩ đến chiến lược của riêng mình. Cha, con những dòng chảy tạo nên sự hợp lưu các nhánh của thương hiệu Alphanam để tự tin xây dựng một tập đoàn đa ngành hàng đầu Việt Nam.

Lưu Hương

Có thể bạn quan tâm