"Thái tử Samsung": Quyết tâm lớn sau vỏ bọc hòa nhã

Tài năng nhưng kín tiếng, li dị vợ và sống cùng các con ở khu nhà cao cấp tại Seoul là những khía cạnh đời thường của người thừa kế tập đoàn Samsung vừa bị bắt vì đưa hối lộ.
"Thái tử Samsung": Quyết tâm lớn sau vỏ bọc hòa nhã

"Thái tử Samsung" Lee Jae Yong. Ảnh: celebfamily.

Jay Y.Lee (Lee Jae Yong), phó chủ tịch Samsung, vừa bị bắt trong tháng 2/2017 vì cáo buộc liên quan đến vụ bê bối của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye. Người thừa kế của tập đoàn Samsung bị cáo buộc hối lộ 38 triệu USD cho người bạn thân của bà Park nhằm củng cố quyền kiểm soát của tập đoàn này.

Tuy nhiên, ít ai biết được câu chuyện đằng sau con đường sự nghiệp và cuộc sống riêng tư của nhân vật ít xuất hiện trước báo giới này.

Sở hữu phẩm chất Samsung cần

Lee Jae Yong, hay còn gọi là Jay Y. Lee, là con trai duy nhất của Chủ tịch Tập đoàn Samsung, Lee Kun Hee. Với khối tài sản trị giá 7,8 tỷ USD vào năm 2015, ông đứng thứ 3 trong số những người giàu nhất Hàn Quốc theo xếp hạng của Forbes.

Bên cạnh đó, ông đứng thứ 33 trong số 50 người quyền lực nhất hành tinh.

Theo Fortune, ông là "tất cả những gì mà Samsung muốn nhưng chưa có được". Thông thạo tiếng Nhật và tiếng Anh, quen biết rộng khắp châu Á và phương Tây, mục tiêu của ông là phát triển Samsung lên tầm quốc tế nhưng không đánh mất gốc rễ.

Năm 2009, ông trở thành giám đốc điều hành của Samsung Electronics. Năm 2012, ông được bổ nhiệm giữ chức phó chủ tịch tập đoàn Samsung.

Việc “Thái tử Samsung” được thăng chức không phải là điều bất ngờ. Điều này diễn ra hai tuần trước cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc, trong bối cảnh các tập đoàn gia đình lớn ở Hàn Quốc chịu sức ép cải cách khi khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn.

Khi ấy, Lee chịu nhiều áp lực phát triển các lĩnh vực kinh doanh mới cho Samsung, bao gồm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhờ năng lượng mặt trời và sinh học, được coi là động lực tăng trưởng của tương lai nhưng chưa tạo ra lợi nhuận đáng kể.

"Thái tử Samsung" tốt nghiệp khoa Lịch sử, Đại học Quốc gia Seoul, có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của Đại học Keio, Nhật Bản và từng theo học tiến sĩ quản trị kinh doanh tại trường Harvard, Mỹ.

Trong nhiều năm liền, ông kêu gọi nhân viên của mình thay đổi “tất cả mọi thứ trừ vợ con” để biến Samsung thành một nhà công ty tiên phong trên thế giới. Ông cũng từng ra lệnh hủy bỏ số điện thoại di động không đạt tiêu chuẩn.

Những người chỉ trích cho rằng ông là người thiếu kinh nghiệm làm lãnh đạo cấp cao cũng như không có sức hút bằng người cha. Tuy nhiên, nhiều nhân viên trong nội bộ Samsung tin rằng sự tĩnh lặng, phong cách làm việc từ tốn chỉ là vỏ bọc cho quyết tâm sắt đá đưa Samsung thành tập đoàn hàng đầu thế giới của ông Lee. Doanh thu hàng quý của Samsung chiếm 1/5 GDP của Hàn Quốc.

“Ông ấy là người sắc bén và sáng tạo”, Reuters trích lời một giám đốc điều hành Samsung giấu tên cho hay. “Tôi nhớ có lần ông ấy hỏi tôi về một vấn đề kinh tế nói chung, nhưng nếu không phải nhà kinh tế học, bạn sẽ không thể trả lời nổi”.

Ông Lee (thứ hai từ phải sang) chụp ảnh cùng Giám đốc điều hành Google Larry Page tại trụ sở chính của Samsung Electronics ở Seocho-dong, Seoul. Ảnh: Samsung Electronics.

“Có rất nhiều tin đồn về ông ấy, nhưng Lee không phải là kiểu người mà truyền thông hay đưa tin. Ông ấy rất tận tâm với công việc và là một doanh nhân đĩnh đạc”, một vị giám đốc điều hành khác biết ông Lee từ nhỏ, cho hay.

Với người Hàn Quốc, việc lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn lớn bị bắt giữ không còn là chuyện hiếm.

Tuy vậy, theo tờ Financial Times, trường hợp của ông Lee có đôi nét khác biệt. Thành thạo tiếng Anh và tự tin cạnh tranh trong môi trường toàn cầu, doanh nhân 48 tuổi này đại diện cho thế hệ lãnh đạo mới của các tập đoàn gia đình.

“Có một khoảng cách thế hệ trong suy nghĩ của nhiều người về ông Lee", Geoffrey Cain, tác giá cuốn sách sắp phát hành về Samsung, cho biết.

“Những người lớn tuổi thường bày tỏ nghi ngờ về khả năng lãnh đạo của ông ấy vì cho rằng Lee chưa có uy tín như cha. Những người trẻ và những người phương Tây lại thích Lee vì ông ấy biết lắng nghe và nuôi dưỡng mối quan hệ, thứ mà Samsung cần trong thế kỷ 21”.

“Việc bắt giữ Lee dường như không gây ảnh hưởng đến hình ảnh của chúng tôi (Samsung). Họ vẫn coi ông là một mẫu người hiện đại, cho dù ông vẫn đang tiếp tục duy trì đế chế gia đình do ông nội Lee khởi xướng và được chính phủ bảo hộ."

Kín tiếng với báo giới

Ông Lee kết hôn với bà Im Seryung và có hai người con. Tuy nhiên, họ đã li dị vào năm 2009.

Người thừa kế tập đoàn Samsung thường tránh tiếp xúc với báo giới. Ảnh: Yonhap.Người thừa kế tập đoàn Samsung thường tránh tiếp xúc với báo giới. Ảnh: Yonhap.


Những người từng tiếp xúc với Lee Jae Yong đều nhận xét, ông là một người đàn ông tốt, thân thiện và giản dị.

Bên cạnh đó, Jae Yong thường đi bộ quanh toà nhà, thích đến thăm trung tâm chăm sóc do cha ông xây dựng nhằm giữ chân những phụ nữ làm việc cho Samsung.

Cuộc sống riêng của ông cùng 2 người con đang ở độ tuổi đi học cũng khá đơn giản. Họ ở trong một ngôi nhà tương đối khiêm tốn tại một khu phố cao cấp ở thành phố Seoul. Thứ khiến ông bố tỷ phú đơn thân tự hào nhất là những tấm pin mặt trời mà ông đặt trên mái nhà.

Ở nơi làm việc, nhân viên ngưỡng mộ ông vì tính tình dễ gần, nhã nhặn và luôn đích thân trả lời mọi thư điện tử ông nhận được.

"Thái tử" của tập đoàn thường đi một mình, không có đoàn tuỳ tùng, không quá chú trọng việc ăn mặc. Ngoài ra, ông không yêu cầu nhân viên tại trụ sở chính của Samsung phải cúi đầu 90 độ để chào ông. Lee là người thích cưỡi ngựa và chơi golf.

Ông cũng tỏ ra vui vẻ khi giao tiếp với giới truyền thông. Tuy vậy, ông thường tránh sự hiếu kỳ của dư luận. Lee không có tài khoản Twitter và ít người biết về cuộc sống của ông bên ngoài công ty.

Theo Mai Anh/Zing.vn

>> Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae-yong chính thức bị bắt giữ 

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…