Nội dung của cuộc họp bất thường này là xin ý kiến cổ đông về phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ cho cổ đông hiện hữu; phương án kiện toàn HĐQT; chủ trương kêu gọi các cổ đông cho Vietnam Airlines vay với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ thanh khoản.
Hiện nhà nước sở hữu hơn 86% số cổ phần tại Vietnam Airlines, cổ đông chiến lược ANA Holdings nắm 8,7%, còn lại là các tổ chức khác và nhà đầu tư cá nhân.
Việc Vietnam Airlines triệu tập họp cổ đông bất thường diễn ra không lâu sau khi Quốc hội đồng ý phương án hỗ trợ VNA do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Theo đó, các phương án được đưa ra gồm, Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá hai lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (Nhà nước) để tăng vốn điều lệ khi đáp ứng quy định của Luật Chứng khoán. Đồng thời, Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại đây theo quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua; đồng thời, cho phép xác định việc đầu tư nêu trên thuộc dự án nhóm A.
Đồng thời, Vietnam Airlines sẽ được chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ theo quy định của Luật Chứng khoán, nhưng được miễn trừ điều kiện hoạt động kinh doanh phải có lãi năm liền trước khi chào bán.
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ là đơn vị thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu thuộc quyền mua của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua.
Trước đó, Vietnam Airlines đề xuất gói trợ cấp trị giá 12.000 tỷ đồng, gồm việc cho vay tái cấp vốn và tăng vốn điều lệ để tháo gỡ khó khăn vì Covid-19. Trong 9 tháng đầu năm, hãng bay báo lỗ 10.750 tỷ đồng, tương đương hơn 70% kế hoạch lỗ cả năm.