Thổ Nhĩ Kỳ có thể chấp nhận Phần Lan gia nhập NATO mà không có Thụy Điển

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã gợi ý rằng Ankara có thể chấp nhận Phần Lan gia nhập NATO trước khi xem xét tư cách thành viên của Thụy Điển.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan lần đầu tiên đưa ra bình luận về việc Ankara có thể chấp nhận Phần Lan gia nhập NATO mà không có nước láng giềng Bắc Âu Thụy Điển trong một cuộc họp với các cử tri trên truyền hình. Tuyên bố này được đưa ra vài ngày sau khi Ankara đình chỉ các cuộc đàm phán gia nhập NATO với cả hai quốc gia Bắc Âu. 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan.

“Thổ Nhĩ Kỳ có thể có một thông điệp khác đối với Phần Lan trong đơn gia nhập NATO của họ và Thụy Điển chắc hẳn sẽ bị sốc khi thấy nó. Nhưng Phần Lan không nên phạm sai lầm giống như Thụy Điển đã làm,” TT Recep Tayyip Erdoğan bình luận. 

Vào năm ngoái, Thụy Điển và Phần Lan đã nộp đơn gia nhập NATO sau khi cuộc chiến Nga - Ukraine nổ ra, từ bỏ quan điểm không liên kết quân sự lâu đời của họ.

Mọi thành viên của liên minh 30 quốc gia cần phải phê duyệt tư cách thành viên của họ và Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary vẫn là hai quốc gia duy nhất chưa làm như vậy. Quốc hội Hungary dự kiến sẽ phê duyệt hồ sơ vào tháng Hai tới. 

Với tình hình hiện tại, quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ làm hỏng hy vọng của NATO trong việc mở rộng liên minh tới 32 quốc gia tại hội nghị thượng đỉnh được lên kế hoạch vào tháng 7/2023 tại thủ đô Vilnius của Litva.

Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện rõ quan điểm trong bối cảnh căng thẳng với Thuỵ Điển ngày một leo thang. Cả hai quốc gia Bắc Âu đều đã cố gắng thuyết phục chính quyền TT Erdoğan thông qua nhiều tháng đàm phán tế nhị. Thậm chí, Phần Lan và Thuỵ Điển đều đã dỡ bỏ lệnh cấm bán thiết bị quân sự cho Thổ Nhĩ Kỳ mà họ đã áp đặt sau cuộc tấn công quân sự vào Syria năm 2019 nhưng sự đối đầu giữa Ankara và Stockholm gần đây đã khiến các quan chức Phần Lan đưa ra gợi ý vào tuần trước về việc họ có thể buộc phải xin gia nhập NATO mà không có nước láng giềng Bắc Âu  Thụy Điển.

Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto cho biết: “Chúng tôi phải đánh giá tình hình, liệu xem có những trở ngại về lâu dài có thể ngăn cản Thụy Điển tiến lên hay không”. Nhưng ông Pekka Haavisto vẫn nhấn mạnh rằng việc gia nhập chung vẫn là “lựa chọn đầu tiên”.

Có thể bạn quan tâm